Công an Hà Nội phối hợp tuyên truyền công tác phòng cháy, cứu nạn, cứu hộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 22-3, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã chủ trì hội nghị gặp mặt các đơn vị truyền thông, báo chí về công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.
Đại tá Trần Ngọc Dương phát biểu tại hội nghị

Đại tá Trần Ngọc Dương phát biểu tại hội nghị

Tham dự Hội nghị có gần 50 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Tại đây, các nhà báo đã đóng góp nhiều thông tin hữu ích, các biện pháp trao đổi thông tin tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân đối với công tác PCCC và lan tỏa hình ảnh người chiến sỹ CAND.

Tại hôi nghị, Đại tá Trần Ngọc Dương đã khái quát tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, cũng như công tác cứu nạn, cứu hộ, tuyên truyền an toàn PCCC.

Nêu rõ những khó khăn, vất vả và sự nguy hiểm trong khi làm nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, đồng chí Phó Giám đốc CATP cho biết, với tinh thần, trách nhiệm cao, lực lượng cứu hỏa đã không ngừng rèn luyện “đổ mồ hôi trên thao trường” để có kinh nghiệm, kỹ năng nhuần nhuyễn, chạy đua với thời gian trong cứu người, cứu tài sản của những vụ cháy.

Vẫn biết, những khó khăn vất vả đó là trách nhiệm của những người lính cứu hỏa, nhưng sự sẻ chia, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ là động lực để mỗi CBCS nỗ lực vươn lên, làm tốt nhiệm vụ của mình hơn nữa mà còn là biện pháp tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân trong công tác tự phòng ngừa. Do đó, sự phối hợp của cơ quan tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc phổ biến pháp luật an toàn PCCC, thông tin đến người dân sự nguy hiểm về hỏa hoạn.

Cũng tại Hội nghị này, nhiều phóng viên đã trao đổi về quy trình cung cấp thông tin. Đặc biệt, một số báo thuộc ngành ngoài lực lượng vũ trang nêu vấn đề tiếp cập thông tin về công tác PCCC và CNCH còn hạn chế, nên việc tuyên truyền chưa thời sự, thiếu tính chính xác.

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, việc cung cấp thông tin báo chí do có quy chế phát ngôn của cơ quan, đơn vị, cho nên những việc liên hệ trả lời phỏng vấn phải được sự ủy quyền cũng như chỉ đạo theo quy định. Tuy nhiên, một số vụ việc cụ thể như cháy, nổ thông thường có thể cung cấp thông tin cơ bản thời gian, địa điểm để phóng viên thực hiện tác nghiệp thuận lợi hơn.

Về việc tác nghiệp tại hiện trường cháy, nổ, do yêu cầu đảm bảo an toàn cho tất cả người dân, nên mỗi nơi xảy ra sự cố đều được lập hàng rào, căng dây bảo vệ hiện trường, vừa phục vụ công tác chữa cháy, cũng như điều tra nguyên nhân.

"Phóng viên tiếp cận có thể tác nghiệp phạm vi ngoài hàng rào đã dựng. Nếu tiếp cận quá giới hạn hiện trường cháy, nổ phóng viên có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng bởi các cấu kiện nơi xảy cháy có thể sập đổ. Nên việc hạn chế bằng các thiết bị khoảng cách là yêu cầu của nhiệm vụ, cũng như để đảm bảo an toàn cho người dân, phóng viên tác nghiệp”- Đại tá Trần Ngọc Dương khuyến cáo.

Để công tác tuyên truyền hiệu quả, lan tỏa thông tin trên phương tiện truyền thông, đồng chí Phó Giám đốc CATP đề nghị Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an 30 quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp cung cấp thêm thông tin để các cơ quan báo chí có đầy đủ tư liệu phục vụ viết bài, đăng tải chính xác, hiệu quả; với mục tiêu không để việc đăng tải thiếu thông tin, thiếu chính xác có thể gây hoang mang trong dư luận và quần chúng nhân dân.

Một số thông tin từ các vụ cháy, nổ, sự cố cứu nạn, cứu hộ được Công an thành phố Hà Nội cung cấp theo đúng thẩm quyền gồm: Tên, địa chỉ cơ sở xảy ra chảy, nổ, sự cố cứu nạn, cứu hộ; Thời điểm lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH có mặt tại; Lực lượng, phương tiện được điều động; Sơ bộ kết quả tổ chức triển khai công tác chữa cháy; Số lượng người, tài sản cứu được tại các vụ việc; Thiệt hại: Diện tích cháy, sản phẩm, hàng hóa bị cháy.

Định kỳ 6 tháng đến 1 năm Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an thành phố Hà Nội chủ trì, tổ chức gặp mặt các đơn vị báo chí, truyền thông để trao đổi, đánh giá, từ đó duy trì và phát huy những nội dung đã mang lại hiệu quả cao, đồng thời nêu ra những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp để rút kinh nghiệm và nêu xuất những giải pháp trong thời gian tiếp theo.