Công an Hà Nội khởi tố hình sự 5 vụ - 8 đối tượng gian lận thương mại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trong tháng 4-2021, CATP Hà Nội (Cơ quan của Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố hình sự 5 vụ đối với 8 đối tượng có các hành vi gian lận thương mại.

Thời gian qua, các thành viên Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã chủ động gắn nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; cam kết không buôn lậu, không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm.

Nhiều yếu tố tiềm ẩn

Theo đánh giá của Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, trong tháng 4, nhìn chung tình hình giá cả thị trường trên địa bàn Thành phố tương đối ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ diễn ra bình thường, môi trường kinh doanh thông thoáng.

Lực lượng liên ngành phát hiện, xử lý vụ việc gian lận thương mại

Lực lượng liên ngành phát hiện, xử lý vụ việc gian lận thương mại

Tuy nhiên, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố nhìn chung vẫn còn diễn biến phức tạp. Phương thức thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng thường là: Kinh doanh hàng hóa trên môi trường mạng; sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh; sản xuất hàng tiêu dùng giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam; chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa cùng nhiều mặt hàng khác nên rất khó khăn cho các lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, bắt giữ và xử lý.

Các mặt hàng vi phạm thường là hàng cấm (ma túy, thuốc lá, xì gà, sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm), hàng tiêu dùng (quần áo, giày dép…), thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ kiện điện thoại…

Phát huy hiệu quả vai trò chỉ đạo, Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã định hướng các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ389 quốc gia và UBND thành phố Hà Nội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

Tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 TP đã ban hành, như Kế hoạch về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập khẩu và kinh doanh cá tầm...

Theo đánh giá của Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, các lực lượng chức năng đã chủ động gắn nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; cam kết không buôn lậu, không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm.

Thu ngân sách gần 464 tỷ đồng

Trong tháng 4-2021, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 1.665 vụ; xử lý hành chính: 1.220 vụ (Trong đó nhiều nhất là gian lận thương mại với 924 vụ); Khởi tố 5 vụ đối với 8 đối tượng; Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước: 463 tỷ 188 triệu đồng.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực, Cục QLTT Hà Nội đã tham mưu Ban chỉ đạo 389 TP. xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo TP và quận, huyện, thị xã trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố.

Trong tháng, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 648 vụ, xử lý: 429 vụ. Phạt hành chính: 3 tỷ 405 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm: 7 tỷ 965 triệu đồng.

CATP Hà Nội chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng hóa để phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm lớn về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn đơn vị quản lý.

Trong tháng, lực lượng Công an kiểm tra 120 vụ, xử lý: 108 vụ, phạt hành chính: 1 tỷ 389 triệu đồng; truy thu thuế: 28 tỷ 412 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm: 4 tỷ 503 triệu đồng. Khởi tố hình sự 5 vụ đối với 8 đối tượng.

Có thể dẫn chứng một số vụ việc “nổi” bị phát hiện thời gian qua. Như vụ việc Đội QLTT số 1 phối hợp với thành viên Tổ công tác 368 - Tổng cục QLTT và Đội QLTT số 22 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ ngõ 56 đường Cầu Vồng, phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm; phát hiện gần 50.000 sản phẩm dầu gội đầu, sáp vuốt tóc, keo xịt tóc, dưỡng tóc các loại giành cho nam giới và tem nhãn dời (trong đó một số đã được dán nhãn và một số chưa dán nhãn) được bán hàng thông qua tài khoản mạng xã hội facebook. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên.

Tiếp đó, Đội QLTT số 16 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Long Biên kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số nhà 30, ngõ 56, ngách 139 Thạch Cầu, Long Biên, TP. Hà Nội. Cơ sở kinh doanh này hoạt động chủ yếu bằng hình thức online, livetreams bán hàng qua mạng xã hội facebook và qua một số nền tảng thương mại điện tử. Theo kiểm đếm sơ bộ, lượng hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Versace, Gucci, Adidas, LV , Burberry, Chanel, Dior… lên tới trên 3.000 sản phẩm.

Mới đây, Đội QLTT số 17 và Đội QLTT số 11 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất nước giặt, nước rửa chén bát, tinh dầu thơm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dnee của Thái Lan tại địa chỉ số 17, tổ 10 Trinh Lương, Phú Lương, Hà Đông.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng tạm giữ: 2.540 thùng (10.160 can) nước giặt có nhãn chữ Dnee, nước rửa chén có nhãn chưa thái lan và 18.850 tem nhãn bảo vì, 03 bộ máy trộn dung dịch. Hàng hóa tạm giữ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ và giả mạo địa chỉ nơi sản xuất.

Ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội nêu rõ: Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội luôn xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có “vùng cấm”.

Từng ngành, từng cấp luôn đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ…