Công an Hà Nội hiệp đồng với Cảnh sát Mỹ phá vụ án lừa đảo thương mại điện tử Mỹ như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như tin An ninh Thủ đô đã đưa, sau 2 tháng dày công điều tra, ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mua bán khẩu trang, thiết bị y tế trên các trang thương mại điện tử đã bị Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (CATP Hà Nội) phối hợp với Văn phòng Cục Điều tra an ninh nội địa Mỹ (HIS) triệt xóa thành công.
Cơ quan CSĐT CAQ Hoàng Mai đọc lệnh bắt Nguyễn Duy Toản (áo trắng)

Cơ quan CSĐT CAQ Hoàng Mai đọc lệnh bắt Nguyễn Duy Toản (áo trắng)

Thông tin bất ngờ

Đầu tháng 5, thông qua Cục Đối ngoại (Bộ Công an), Văn phòng Cục Điều tra an ninh nội địa Mỹ (thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ) đã chuyển cho CATP Hà Nội về một vụ lừa đảo xuyên quốc gia mà các đối tượng lừa đảo có thể đang sinh sống tại Việt Nam. HSI cũng chỉ nghi ngờ nhóm đối tượng lừa đảo qua các trang thương mại điện tử có địa chỉ tại Việt Nam chứ hoàn toàn không có bất cứ chứng cứ nào chứng minh người Việt Nam là thủ phạm trong hàng nghìn vụ lừa đảo mua bán khẩu trang, khăn ướt diệt khuẩn.

Trong thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam hồi tháng 3 cho hay, để phòng chống dịch Covid-19, khoảng 3.000 người đang sinh sống tại 50 bang của nước Mỹ đã đặt mua nước rửa tay khô, khăn ướt diệt khuẩn, khẩu trang từ các trang web ở Việt Nam. Họ đã chuyển tiền cho bên bán, nhưng không nhận được sản phẩm. Số tiền mà các nạn nhân bị chiếm đoạt khoảng nửa triệu USD. Theo đơn kiện của các nạn nhân, các nghi phạm đã điều hành hơn 300 trang web với mục đích lừa đảo bán các sản phẩm khan hiếm trong thời gian diễn ra đại dịch.

Đáng chú ý, các trang web có tên miền gần như tương đương với những trang thương mại điện tử nổi tiếng ở Mỹ khiến người tiêu dùng không hề nghi ngờ. Tại thời điểm tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, quốc gia này dẫn đầu về số người nhiễm và tử vong nên đã tạo ra cơn sốt về các sản phẩm phòng dịch. Lợi dụng điều này, nhóm đối tượng lừa đảo đã tạo ra hàng trăm tài khoản email và tài khoản người dùng với phương thức thanh toán tại Mỹ nhằm thực hiện hoạt động lừa đảo và để trốn tránh cơ quan thực thi pháp luật. Khi tra cứu địa chỉ doanh nghiệp trên website, các bị hại không mảy may nghi ngờ vì đó là đều là những địa chỉ chính xác tại thành phố nơi họ sinh sống.

Hình ảnh một vài giao dịch mà nhóm đối tượng lừa đảo đã thực hiện

Hình ảnh một vài giao dịch mà nhóm đối tượng lừa đảo đã thực hiện

Lần theo manh mối

Sau khi tiếp nhận được thông tin sơ bộ ban đầu từ phía Mỹ, Bộ Công an đã giao CATP Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị nghiệp vụ tổ chức điều tra, xác minh. Trước tính chất phức tạp của vụ việc liên quan đến ổ nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội, CATP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, chủ công là Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trực tiếp vào cuộc điều tra làm rõ.

Tiếp nhận vụ việc từ… vạch xuất phát chỉ với hàng núi tài liệu ghi lại các cuộc giao dịch giữa những kẻ lừa đảo và các bị hại toàn bằng tiếng Anh, Trung tá Đào Mạnh Hà - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng, lợi dụng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Đội 6), Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bày tỏ, khi tiếp nhận vụ việc, các anh còn… không tin là vụ việc lừa đảo xuyên quốc gia này có thể do người Việt Nam gây ra bởi những thủ đoạn vô cùng tinh vi.

Những thông tin mà CBCS Đội 6 có được hết sức mờ nhạt, chưa thể dựng được nhóm đối tượng lừa đảo. Việc mua bán trên sàn thương mại điện tử của Mỹ thường được kết nối thông qua các ví điện tử. Trong vụ án này, các đối tượng đã lập gần 1.000 tài khoản ví điện tử. Các trinh sát đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, đặc biệt quyết định sẽ đánh án bằng việc theo dõi các dòng tiền thông qua những ví điện tử này.

Họ cũng nghiên cứu thật sâu việc tiền chuyển vào các ví điện tử nói trên rồi từ đó chuyển tiếp vào những tài khoản nào. Thực tế quá trình điều tra cho thấy, khi tiền vào ví điện tử, các đối tượng thường tẩu tán rất nhanh vào hàng loạt tài khoản khác nhau. Từ manh mối này, trinh sát đã phát hiện có tài khoản của người Việt Nam tại các ngân hàng Việt Nam, từ đó khẳng định rất có thể chúng đều sinh sống tại Việt Nam.

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, các trinh sát Đội 6 phát hiện không chỉ có 3.000 nạn nhân mà có tới 7.000 nạn nhân bị lừa thông qua việc mua thiết bị y tế chống dịch Covid-19 thông qua các sàn thương mại điện tử của Mỹ với tổng số tiền bị lừa lên tới 975.000 USD. Những thông tin này được chuyển lại cho HSI và cơ quan này hết sức ngỡ ngàng với tài mở rộng vụ án của Công an Hà Nội.

Đại úy Trịnh Công Anh - trinh sát Đội 6 trực tiếp điều tra vụ án nhớ lại, thông thường phía Mỹ rất hạn chế đưa thông tin cá nhân ra ngoài biên giới, nhưng với sự nể phục Công an Việt Nam nói chung và Công an Hà Nội nói riêng, họ đã cung cấp tất cả để hỗ trợ chúng tôi nhanh chóng tìm ra những kẻ lừa đảo. Sau một thời gian đánh vật với núi tài liệu tiếng Anh, các mắt xích của đường dây lừa đảo cũng dần dần lộ diện.

Các đối tượng trong vụ án

Các đối tượng trong vụ án

Cú chốt cuối cùng

Thông qua việc theo dõi dòng tiền, một cái tên được các trinh sát đưa vào vòng ngắm là Đỗ Chí Huy (SN 1993, trú tại phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Các trinh sát cũng phát hiện Huy có liên lạc với một nhóm đối tượng hiện đang sinh sống trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội. Lại tiếp tục những ngày dài đeo bám đối tượng trên không gian mạng và ngoài đời thực để tìm chứng cứ.

Với số lượng vỏn vẹn chưa đến 20 chiến sỹ, chỉ huy Đội 6 phải phân công cụ thể công việc với từng cá nhân sao cho công việc uyển chuyển nhất. Nhóm đối tượng lừa đảo được xác định ngoài Đỗ Chí Huy thì đối tượng cầm đầu là Nguyễn Duy Toản (SN 1987) và cháu ruột là Phan Đình Thư (SN 1998) cùng trú tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Trần Quốc Khánh (SN 1984) trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Trung tá Đào Mạnh Hà cho hay, Toản đã có thâm niên 10 năm kinh doanh online và đã từng bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử của Mỹ nên khá am hiểu thị trường này. Tháng 2-2020, Toản nhận thấy tình hình dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ bùng phát nên người dân có nhu cầu mua khẩu trang, nước rửa tay, giấy vệ sinh… nên đã thuê Phan Đình Thư và Trần Quốc Khánh cùng hợp tác “làm ăn”. Toản đã chỉ dẫn Khánh, Thư tạo lập 321 website như: uggone.best; habaktee.best; kidsplazas.com; miomart.best; galaxymart.com; goodytmart.site... để quảng cáo bán hàng dù không có khả năng cung cấp sản phẩm. Đồng thời, Toản cũng chỉ đạo Khánh, Thư lập hàng trăm tài khoản ví Paypal với mục đích để tự liên kết với các website của mình.

Về các sản phẩm trên website, Toản phân công Thư, Khánh sao chép hình ảnh, thông tin sản phẩm từ các website như: www.wallmart.com và www.bestbuy.com rồi đưa vào website mình. Để tạo sự tin tưởng cho người mua, các đối tượng đã sử dụng bản đồ Google tại các thành phố của Mỹ để tìm các địa chỉ thật, sau đó gắn thông tin liên hệ bằng các địa chỉ, số điện thoại tại Mỹ lên trên giao diện website.

Khi kiểm tra tình trạng vận hành của website ổn định, Khánh liên kết tài khoản quảng cáo (Google Shopping) vào website thương mại điện tử mới để tăng khả năng tiếp cận người dùng. Ngoài ra, các đối tượng còn thu mua các chứng minh thư bị thất lạc và sử dụng các chứng minh thư giả để che giấu hoạt động phạm tội, gây nhiều khó khăn cho cơ quan công an trong quá trình xác định danh tính các đối tượng. Khi tiền vào ví điện tử, Đỗ Chí Huy nhanh chóng tẩu tán vào các tài khoản khác rồi mới trở về với Nguyễn Duy Toản.

Ngày 9-7, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp CAQ Hoàng Mai và CAP Hoàng Liệt tiến hành khám xét nơi Nguyễn Duy Toản thuê trọ, thu giữ 7 máy tính để bàn, 3 màn hình máy tính, 2 laptop và giấy tờ tài liệu liên quan hoạt động phạm tội của nhóm đối tượng trên. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT, CAQ Hoàng Mai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng là Phan Đình Thư, Trần Quốc Khánh, Đỗ Chí Huy và Nguyễn Duy Toản về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ luật Hình sự.

Kết thúc vụ án, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đánh giá việc Bộ Công an Việt Nam bắt giữ các nghi phạm đã chứng minh rõ ràng rằng Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến Covid-19. “Chúng tôi tự hào khi Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra an ninh nội địa Mỹ đã hợp tác cùng nhau để điều tra vụ lừa đảo xuyên quốc gia rất phức tạp này” - ngài Đại sứ nói. Và chính các điều tra viên của HSI cũng không quên dành cho Công an Hà Nội nói chung, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao một sự nể phục chân thành vì sự tài tình trong điều tra phá án.