Công an chính quy về xã - Vững vàng thế trận an ninh trong lòng dân (3): Gắn kết địa bàn, giữ gìn bình yên thôn xóm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự; nâng cao ý thức hiểu biết, chấp hành pháp luật cho người dân thông qua giải quyết những sự việc, mâu thuẫn trên tinh thần chí tình - chí lý, lực lượng Công an chính quy về xã đã và đang từng bước xây dựng, giữ gìn nhịp sống bình yên ở các địa bàn thôn xóm, nối gần tình cảm, sự gắn kết giữa các cộng đồng lương - giáo, đồng bào dân tộc.
Đại diện Ban chỉ huy CAH Phúc Thọ (Hà Nội), cấp ủy, chính quyền, Công an xã Vân Phúc họp với Ban Hành giáo Họ giáo Vĩnh Thọ

Đại diện Ban chỉ huy CAH Phúc Thọ (Hà Nội), cấp ủy, chính quyền, Công an xã Vân Phúc họp với Ban Hành giáo Họ giáo Vĩnh Thọ

Phép cộng của tinh thần trách nhiệm

Xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai (Hà Nội) từng là địa giới hành chính thuộc tỉnh Hòa Bình. Trước tháng 8-2017, CATP Hà Nội sau khi rà soát, đánh giá tính chất, đặc điểm tình hình địa bàn toàn bộ các xã, thị trấn nơi chưa bố trí Công an chính quy, đã xác định Đông Xuân nằm trong nhóm địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Sự phức tạp ấy đến từ những tiềm ẩn, những vụ việc liên quan tới ma túy, cờ bạc, rượu chè, mâu thuẫn đất đai…

“Phức tạp ở Đông Xuân chúng tôi đã qua lâu rồi. Giờ, bà con chỉ tập trung phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, và xác định trách nhiệm cùng các đồng chí Công an giữ vững an ninh, trật tự của xã, của thôn”, ông Đinh Công Rung - người có uy tín của thôn Cửa Khâu, xã Đông Xuân cười rổn rảng.

Minh chứng cùng chia sẻ của ông Rung, Thượng úy Sỹ Danh Dũng - Phó trưởng Công an xã Đông Xuân thông tin, năm 2020, địa bàn xã xảy ra 5 vụ việc phạm pháp hình sự, giảm 6 vụ so với năm 2019. Năm 2021, cả xã chỉ xảy ra 3 vụ việc phạm pháp hình sự. Đặc biệt, thời gian diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, xã Đông Xuân được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử cao nhất huyện; được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.

Lợi thế của “sức dân” ở Đông Xuân là gì? Câu hỏi ấy được tập thể Công an xã Đông Xuân đặt ra và tìm lời giải ngay khi tiếp nhận địa bàn. Đó chính là sức mạnh “tiềm ẩn” của cư dân 11 dân tộc Mường (chiếm khoảng 80%), Kinh (khoảng 19%), và Tày, Nùng, Dao, Thái, Hoa, Sán Dìu, Sán Chay, Hà Nhì, Xinh Mun (chiếm khoảng 1%) sống trên địa bàn. Trên cơ sở tổ chức điều tra cơ bản, Công an xã Đông Xuân đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã triển khai các bước để xây dựng, ra mắt mô hình “Tổ nhân dân tự phòng, tự quản về an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc thiểu số”, gồm 34 Tổ tự phòng, tự quản tại 7 thôn với 169 thành viên.

“Vui và tự hào lắm chứ. Ai chẳng muốn nhà mình, xóm mình được bình yên. Người thì tâm niệm sự bình yên trong… suy nghĩ, người thôi thúc thành hành động cụ thể. Cái tài của các anh Công an là đã hội tụ được những suy nghĩ trách nhiệm với cộng đồng, bằng mô hình Tổ tự phòng, tự quản. Thôn chúng tôi, ai được tham gia Tổ đều rất tự hào, sẵn sàng gác việc nhà để lo việc xã, việc thôn”, Trưởng thôn Đồng Bèn, ông Bùi Văn Quyền bày tỏ.

“Nhìn rõ và chọn trúng vấn đề, đúng con người”, đó là mấu chốt tạo thành công của mô hình “Tổ nhân dân tự phòng, tự quản về an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc thiểu số” ở Đông Xuân, mà ở đó, cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và nhân dân ghi nhận tuyệt đối vai trò tham mưu, triển khai thực hiện của tập thể nhỏ Công an xã.

Thượng úy Sỹ Danh Dũng nhìn nhận, với đặc thù như Đông Xuân, người có uy tín chính là cầu nối giữa chính quyền, đoàn thể, quần chúng nhân dân và các hộ gia đình trong dòng tộc, tôn giáo. Ở Đông Xuân, những người có uy tín của bà con dân tộc thiểu số luôn tích cực, gương mẫu đi đầu trong công tác vận động gia đình, dòng tộc tham gia hưởng ứng tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tham gia và gương mẫu đi đầu trong công tác vận động quần chúng tham gia trách nhiệm các phong trào cách mạng và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Một điều dễ cảm nhận khi về Đông Xuân là sự gắn kết, chan hòa giữa bà con dân tộc nơi đây. Từ cách nghĩ, sinh hoạt có phần khép kín, công dân Đông Xuân đã dần mạnh dạn, nhiệt tình tham gia giữ gìn an ninh, trật tự. Người có uy tín trong đồng bào ngày càng phát huy vai trò “đầu tàu”, “cầu nối” giữa bà con với chính quyền, đoàn thể. Những “viên gạch”, “nhịp cầu” ấy, chính là tập thể nhỏ 5 cán bộ, chiến sĩ Công an xã Đông Xuân.

Công an xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai (Hà Nội) trao đổi, nắm tình hình công dân trên địa bàn

Công an xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai (Hà Nội) trao đổi, nắm tình hình công dân trên địa bàn

Ươm dưỡng những hạt nhân phong trào giữ gìn an ninh, trật tự

“Nhà báo thu xếp về đầu giờ sáng sớm vì chúng ta còn phải di chuyển. Cũng không xa lắm, xe máy thì 45 phút, còn đi bộ cả địa bàn cùng lắm… nửa ngày là hoàn thành”, Trung tá Dương Long Anh - Trưởng Công an xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vui vẻ chỉ đường cho chúng tôi qua điện thoại.

Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu mô hình giữ gìn an ninh, trật tự ở Vân Phúc, Thượng tá Trần Quyết Thắng - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện hồi đáp: “Mô hình ở Vân Phúc triển khai rất bài bản, và quan trọng, là phát huy được sức mạnh của đồng bào công giáo trong công tác đảm bảo trị an tại cơ sở”.

Mô hình mà đồng chí Trưởng Công an huyện Phúc Thọ nhắc đến là “Họ giáo an toàn về an ninh trật tự” tại Họ giáo Vĩnh Thọ của Vân Phúc. Ông Bùi Văn Khóa - Chủ tịch UBND xã Vân Phúc thông tin, xã có 6 thôn, người dân sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã có Nhà thờ giáo xứ Vĩnh Thọ, một bến đò ngang nối với tỉnh Vĩnh Phúc, và tỉnh lộ 417 chạy qua. Nghĩa là tuy thuần túy nghề nông, nhưng địa bàn với trên 7.800 nhân khẩu, có cả thủy lộ và đường bộ này, tiềm ẩn không ít phức tạp về an ninh, trật tự.

Trải qua nhiều địa bàn, từ Cảnh sát khu vực rồi cán bộ, chỉ huy cấp Đội thuộc Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ CATP Hà Nội, khi về nhận nhiệm vụ ở Vân Phúc, Trung tá Dương Long Anh nhận thấy ngay “tiềm năng” của Họ giáo Vĩnh Thọ. Đồng bào giáo dân luôn có nhận thức đúng đắn, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực tham gia công tác giữ gìn trị an tại địa bàn. Tuy nhiên, các hoạt động này mới mang tính tự phát chứ chưa được nhân rộng toàn Họ giáo. Vấn đề ở đây là làm thế nào để phát huy vai trò của chức sắc, Ban Hành giáo và đồng bào giáo dân… Những trăn trở, suy nghĩ ấy là tiền đề để “Họ giáo an toàn về an ninh trật tự” của Họ giáo Vĩnh Thọ ra đời.

Trong câu chuyện với ông Doãn Văn Nghiêm - Trưởng Ban Hành giáo Họ giáo Vĩnh Thọ, và nhiều cán bộ cơ sở, người dân Vân Phúc, toát lên sự chủ động, trách nhiệm của Ban Hành giáo, các vị chức sắc tôn giáo và bà con giáo dân. Từ phối hợp Công an xã tổ chức tuyên truyền đến toàn thể đồng bào giáo dân trong Họ giáo chấp hành tốt các quy định về quản lý hộ khẩu, không chứa chấp tiêu thụ của gian, không tàng trữ mua bán vật liệu nổ; Thực hiện tốt công tác phòng cháy và chữa cháy, không để con em trong Họ giáo nghiện ma túy…

Ban Hành giáo cũng thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào giáo dân nhằm giải quyết sớm, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong nội bộ đồng bào giáo dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Cũng Ban Hành giáo, trên cơ sở tài liệu cơ quan chức năng trao đổi, cung cấp, đã phổ biến các bài tuyên truyền về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch; không để kẻ xấu lôi kéo vào những hoạt động sai trái; Phổ biến phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm về lừa đảo qua mạng internet, qua điện thoại để chiếm đoạt tài sản, từ đó có biện pháp phòng ngừa.

Ở Vân Phúc, 100% gia đình giáo dân treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ của đất nước. “Treo cờ Tổ quốc là truyền thống văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, thể hiện nghĩa vụ công dân, qua đó góp phần xây dựng tình đoàn kết lương - giáo”, Trưởng Ban Hành giáo Doãn Văn Nghiêm nhìn nhận và khẳng định, quá trình thực hiện mô hình, mối quan hệ giữa Họ giáo với chính quyền, đoàn thể, nhất là lực lượng Công an được duy trì thường xuyên, nâng cao hơn hình ảnh Công an xã trong đồng bào giáo dân.

(Còn tiếp)

Bài 4: Bắt nhịp, vượt khó