'Cơn sốt' đào tiền ảo và những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiền ảo, tiền điện tử được cho là đang trở thành công cụ để đánh bạc, rửa tiền, phạm pháp, trong khi cơ quan chức năng khó phát hiện.

Giao dịch tiền ảo được thực hiện xuyên biên giới trong tích tắc, không chịu sự kiểm soát của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Tại Việt Nam, "cơn sốt" đầu tư tiền ảo đã kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.

Hơn 1.800 loại tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân

Tiền ảo còn được gọi là tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, là biểu hiện kỹ thuật số của giá trị có thể có trong giao dịch kỹ thuật số. Các chức năng của tiền ảo chỉ được thực hiện từ thoả thuận trong cộng đồng người sử dụng của loại tiền ảo đó.

Giao dịch tiền ảo trên thị trường hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Giao dịch tiền ảo trên thị trường hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo thống kê trên thị trường có khoảng hơn 1.800 loại tiền ảo, trong đó phổ biến và được giao dịch nhiều nhất là Bitcoin; Ripple; Bitcoin Cash…

Tiền ảo cũng có hình thức kỹ thuật số, nhưng nó không gắn liền với đơn vị tiền pháp định nào, tiền ảo không được đảm bảo khả năng chuyển đổi thành tiền pháp định bởi các tổ chức phát hành hoặc quản lý nó.

Trên thực tế về bản chất, việc chuyển đổi từ tiền ảo thành tiền pháp định là giao dịch dân sự giữa các chủ thể tương tự như mua bán tài sản, hàng hóa. Ở nhiều quốc gia, các giao dịch như vậy chưa được công nhận hoặc bảo vệ.

Theo một số chuyên gia, tiền ảo cần được xem xét, theo dõi dưới nhiều phương tiện. Trong đó, ở phương diện là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, thì cho đến nay chưa có bất kỳ quốc gia nào chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp. Không những thế nó còn tạo điều kiện để các đối tượng sử dụng trốn thuế vì các giao dịch thanh toán bằng tiền ảo là ẩn danh, và không có dấu vết.

Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam, các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng các loại tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.Việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Trên phương diện là hàng hóa, tiền ảo không được pháp luật bảo vệ, nên các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo.

Để hoàn hiện khung pháp lý về tiền ảo, ngày 21/8/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tải sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Văn phòng Chính phủ ngày 27/3/2018 đã ban hành công văn số 2768/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo gửi các Bộ ban ngành liên quan đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Tư pháp đề ra lộ trình hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo trong thời gian tới.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trên thực tế hiện nay, tiền ảo đã và đang tồn tại, được khai thác, sở hữu, giao dịch hàng ngày trên không gian mạng. Bên cạnh những mặt tích cực của tiền ảo như: độ bảo mật cao; chi phí giao dịch thấp; thuận tiện trong giao dịch (ưu điểm của công nghệ blockchain)… còn tiềm ẩn nhiều vấn đề có nguy cơ xâm phạm đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội nhất là hoạt động rửa tiền, trốn thuế, huy động vốn trái phép; lợi dụng tiền ảo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua quá trình theo dõi, nắm thông tin trên không gian mạng và thực tế thị trường của các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân huy động vốn trái phép theo mô hình đa cấp, kêu gọi đầu tư vào tiền ảo, với lãi suất “khủng” lên tới hàng trăm phần trăm mỗi năm. Trên thực tế nhiều sàn tiền ảo sau khi đã “ôm” số tiền khủng của các nhà đầu tư thì bỗng nhiên có hiện tượng “sập sàn”, tiền thật bỗng biến mất.

Trên thực tế đã có một số vụ việc, sàn đầu tư tiền ảo sập khiến các nhà đầu tư bay mất hàng nghìn tỷ đồng như vụ công ty Modern Tech lôi kéo khoảng 32.000 nhà đầu tư rót vốn mua đồng tiền ảo Ifan, Pincoin với hứa hẹn trả 48% tiền lãi/tháng. Nhưng sau đó sàn này tuyên bố “sập”, 15.000 tỷ đồng của hàng ngàn nhà đầu tư không rút ra được, tiền lãi về 0%;; Vụ việc tiền ảo AOC kêu gọi lãi suất lên tới 180%/năm khiến 140.000 đối tượng ở 10 tỉnh nghèo lâm vào cảnh vỡ nợ khi công ty ôm tới hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư bỏ trốn.

Nhận dạng đối với loại tội phạm này là nhóm đối tượng đánh vào lòng tham của nhà đầu tư thiếu hiểu biết, khi nghe đến lợi nhuận khủng là “mờ mắt.

Cùng với đó, để củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, các đối tượng chủ sàn thường tổ chức các hội nghị, hội thảo hoành tráng, công khai, kêu gọi đầu tư hấp dẫn.

Các công ty, sàn thường thưởng "hoa hồng" cao cho người giới thiệu, nên những người giới thiệu hay các thành viên tích cực cũng nhận được nhiều tiền, quà và hiện vật. Điều đó cũng làm cho những người giới thiệu tìm mọi cách để “lùa gà” và nhận "hoa hồng" doanh số.

Và để “chốt đơn”, các đối tượng sẽ trả lãi đều đặn, đúng kỳ hạn cho nhà đầu tư vào thời gian đầu, tuy nhiên sau đó chúng tuyên bố sàn “sập”, các khoản đầu tư từ tiền thật chuyển thành tiền ảo không có giá trị giao dịch. Các đối tượng sau khi chiếm đoạt tiền thưởng lớn từ nhà đầu tư thường bỏ trốn ra nước ngoài.

Hiện nay các hoạt động huy động vốn theo mô hình trên đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, xuất hiện các hình thức biến tướng khác như huy động tiền ảo để đầu tư vào các dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch… theo mô hình đa cấp, hoa hồng giới thiệu cao; hoặc hình thức gửi tiền ảo vào sàn (hình thức cho sàn vay) để nhận lãi theo giờ, ngày (mỗi giờ là 0.04%) với hứa hẹn có thể rút ra bất kỳ lúc nào, hoa hồng giới thiệu trên 10%.

Tuy nhiên, tất cả các chiêu trò trên chỉ là thủ đoạn kể "câu kéo" các nhà đầu tư đem tiền thật "chôn" vào tiền ảo. Nhiều nhà đầu tư sẽ vỡ mộng làm giàu gấp 3-gấp 4 thậm chí có thể mất trắng sau khi chốt lời mức khủng trong những giao dịch đầu tiên.

Cơ quan chức năng cũng cảnh báo người dân không nên tham gia vào các giao dịch tiền ảo không được nhà nước, pháp luật bảo vệ, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.