Con rể câm điếc sát hại cha vợ

ANTĐ - Sáng 30-11, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án giết người. Đứng trước vành móng ngựa là bị cáo Phạm Lành, 37 tuổi, trú tại thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Đây là vụ án đặc biệt bởi bị cáo là người câm, điếc nên buộc phải có người phiên dịch trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Con rể câm điếc sát hại cha vợ ảnh 1
Bị cáo Phạm Lành trước vành móng ngựa

Sau ly hôn đâm chết cha vợ

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh, Phạm Lành bị câm, điếc bẩm sinh. Cha mẹ của Lành sinh nhiều người con, nhưng chỉ có Lành bị tật nên mọi thương yêu đều dành cho Lành. Đến tuổi trưởng thành, Phạm Lành theo người thân hành nghề biển. Gia đình Lành tương đối khá giả so với người dân ở trong thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh, nên việc tìm vợ cho người con trai bị câm, điếc không mấy khó khăn.

Qua mai mối, chị Lê Thị Thùy Oanh, sinh năm 1979 ở thôn La Vân, xã Phổ Thạnh đồng ý cưới người đàn ông câm, điếc làm chồng. Vài năm sau, hai vợ chồng lần lượt sinh ba người con kháu khỉnh. Có được mái ấm gia đình, Phạm Lành càng lo làm ăn nuôi vợ con. Người vợ ở nhà buôn bán nhỏ phụ Lành chăm sóc con. Lúc trước cuộc hôn nhân của Phạm Lành do mai mối sắp đặt, giờ đây mỗi khi ra đường nhìn chồng người ta, người vợ cảm thấy tủi thân vì chồng mình không lành lặn.

Sự gắt gỏng, khó chịu mỗi khi ở bên chồng ngày càng thể hiện trắng trợn, cho đến một ngày người vợ thẳng thừng đòi ly hôn. Phạm Lành tìm mọi cách năn nỉ, van xin đừng ly hôn nhưng không lay chuyển được người vợ. Sau nhiều lần hòa giải không thành, ngày 16/8/2011 Tòa án nhân dân huyện Đức Phổ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận hai bên. Phạm Lành một mình về sống ở nhà cha mẹ đẻ tại thôn Thạch By 1, xã Phổ Thạnh.

Sau khi ly dị, người vợ vào Tp Hồ Chí Minh làm ăn và gửi con cho em gái nuôi. Riêng Phạm Lành tiếp tục nghề biển để có tiền nuôi con ăn học. Những ngày đi biển về một mình lẻ loi trong ngôi nhà không có vợ và các con cộng với sự hụt hẫng của một người sinh ra đã bị thiệt thòi, Phạm Lành càng đắng cay, căng thẳng nội tâm. 

Chiều 16-8, buồn bã Lành đạp xe đạp về phía gia đình vợ ở thôn La Vân với mục địch để hỏi vợ tại sao phải ly hôn và tại sao trước đây gia đình vợ chửi bới Lành. Trước khi đi Lành lấy con dao Thái Lan bỏ vào giỏ xe đạp mang theo với mục đích khi đến nhà vợ nếu gia đình vợ đánh thì Lành dùng dao đánh lại. Khi ngang bến cá Sa Huỳnh, Lành mua 2 lon bia và uống hết rồi đến nhà em vợ là Lê Thị Thùy Linh ở thôn La Vân. Lúc này cha vợ là ông Lê Xuân Thành, 59 tuổi cùng 2 con của Lành đang ăn cơm tại đó.

Lành để xe đạp ngoài ngõ rồi đi bộ vào trong nhà và ra dấu hiệu ngôn ngữ của người câm điếc hỏi ông Thành là vợ Lành đâu. Ông Lành ra dấu hiệu là vợ Lành đi theo chồng khác rồi và xua đuổi Lành ra khỏi nhà. Tức giận, Lành nhặt ca nước ném trúng vào trán ông Thành, ông Thành bỏ chạy ra đường bê tông. Lành đến lấy con dao ở giỏ xe đuổi theo ông Thành đâm một nhát vào ngực cha vợ làm ông chết ngay sau đó...

Công an xã Phổ Thạnh và Công an huyện Đức Phổ đã bắt Phạm Lành sau đó.

Chạnh lòng người câm điếc gây án


Một giáo viên trường khiếm thính tại tòa sử dụng ngôn ngữ phiên dịch
giữa bị cáo và hội đồng xét xử

Tại phiên tòa, hội đồng xét xử mời một giáo viên trường khuyến tật làm phiên dịch. Việc chất vấn bị cáo câm, điếc phải thông qua người phiên dịch đã gặp không ít trở ngại và mất thời gian. Khoảng vài ba phút, bị cáo quay xuống nhìn vợ con phía dưới. Hồi đồng xét xử không hỏi, nhưng nhiều lần Phạm Lành giơ tay ra ký hiệu rằng rất thương vợ. Bị cáo cho biết rất hối hận khi gây tội với cha vợ.

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng đã tuyên phạt bị cáo Phạm Lành 10 năm tù giam vì tội giết người. Khi thẩm phán vừa tuyên án xong, bị cáo Phạm Lành lẳng lặng theo Cảnh sát bảo vệ tòa ra xe chở về trại tạm giam. Người vợ ngày nào bình thản rời ghế theo người thân rời tòa án. Nhiều người dự phiên tòa chạnh lòng nán lại nhìn xe phạm chở Phạm Lành lăn bánh khỏi tòa án. 

Rất nhiều người khiếm thính quanh năm chỉ quanh quẩn ở phạm vi hẹp, cô lập với người xung quanh. Có khi, ngay người thân của họ cũng không hiểu được người khiếm thính đang muốn nói gì. Việc thiếu cơ hội giao tiếp, thiếu sự cảm thông và chia sẻ khiến người khiếm thính ở những miền quê càng trở nên cô độc. Thiếu hiểu biết, họ hành động rất bản năng. Không được giáo dục, chỉ bảo nên dù thần kinh bình thường thì nhận thức pháp luật của họ cũng rất kém.

Hơn giờ hết, không chỉ chỉ gia đình, cần sự chung tay của cộng đồng tạo môi trường sinh hoạt cho người khiếm thính cũng như đầu tư mở rộng mô hình đào tạo ngôn ngữ ký hiệu để giúp người khiếm thính sống hòa nhập như mọi người khác.