Còn "nóng ruột", ức chế bao lâu nữa?

ANTĐ - Người dân Thủ đô dường như ngày càng nóng ruột, mong chờ tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội bớt ì ạch hơn, bớt đội vốn hơn so với mức dự trù có thể lên tới thêm hàng trăm triệu USD. 

Theo dự kiến, các tuyến đường sắt này sẽ hoàn thành vào năm 2020, nhưng đã gần hết năm 2015, có 5 dự án đang triển khai và cũng đều đang chậm tiến độ, có dự án còn nằm trên giấy và có dự án đã phải tạm dừng. 

Sự bề bộn, ngổn ngang trên những đại công trường đường sắt đô thị  không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn là tác nhân gây ùn tắc giao thông. Nó khiến người dân đi lại hàng ngày qua công trình dở dang lâu ngày trở nên căng thẳng, ức chế. 

Những con số được công bố khiến công luận không khỏi giật mình, sửng sốt. Tuyến Nhổn - Ga Hà Nội tăng tổng mức đầu tư thêm 393 triệu euro, từ 783 triệu euro lên 1,176 tỷ euro. Dự án Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cũng đã được rà soát, dự kiến sẽ đội vốn từ 11.555 tỷ đồng lên 51.700 tỷ đồng. Vốn tăng lên chóng mặt, song dự án vẫn chậm rãi như rùa bò từng mét một.

Sau khi háo hức tham quan, ngắm nghía đoàn tàu mẫu được đem ra triển lãm, người dân không khỏi nóng ruột khi nhìn ra công trường tuyến đường sắt đô thị chưa biết ngày giờ sẽ tới đích. Bản thân vị “tư lệnh ngành” GTVT đã không ít lần ra tận hiện trường thị sát, đốc thúc, chỉ đạo. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và UBND TP Hà Nội cho ý kiến rà soát lý do tổng mức đầu tư lại tăng như vậy. Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định lại dự án, báo cáo trước tháng 4-2014. 

Thực trạng các dự án đường sắt đô thị Hà Nội kéo dài thời gian, thời hạn và kéo dài theo cả nguồn vốn tăng lên, có thể coi là hình ảnh thu nhỏ, tiêu biểu phản ánh tình trạng nhiều dự án giao thông ở nước ta. Hai điểm nghẽn phổ biến là vốn và giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đối với Hà Nội lại càng khó khăn hơn, bởi các tuyến đường sắt đều đi vào khu dân cư đông đúc, cần phải giải tỏa nhiều hộ gia đình.

Đại diện Bộ GTVT đề nghị các nhà tài trợ xem đây là yếu tố đặc thù của Hà Nội. Nhưng người dân sinh sống ở Thủ đô đi lại qua công trường đường sắt đô thị, hàng ngày còn khó khăn, vất vả. Sự chậm trễ đã vượt quá mốc đặt ra ban đầu. Vậy, sẽ cần phải chịu đựng bao lâu nữa, đích xác là bao ngày tháng nữa, để có thể vận hành những tuyến đường sắt đô thị được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa áp lực giao thông cho Hà Nội? Câu hỏi này quả là không dễ trả lời.