“Con nợ” của trại giam

ANTĐ - Lọt thỏm giữa hàng nghìn mảnh đời lầm lỗi tại Trại giam Tân Lập, Phú Thọ, Trần Quốc Đức đặc biệt hơn các phạm nhân khác ở chỗ anh ta vốn là công dân Thủ đô và được xếp vào hàng có bề dày “thành tích” về số lần ra trại vào tù. 

Trần Quốc Đức bảo mình có “căn số” ở tù

“Căn số” tội tù

Người ta bảo rằng ai cũng có số. Tôi thì chẳng tin vào điều đó. Nhưng khi gặp Trần Quốc Đức đúng vào cái hôm gió rét, mưa phùn lại được nghe anh ta bộc bạch về quá khứ tội lỗi của mình, khiến tôi không khỏi ngẫm ngợi. Lẽ nào con người ta có căn, có số thật. Thôi thì cứ coi Đức là một trường hợp để mà chiêm nghiệm. 

Đức cầm tinh con rồng, sinh năm 1964. Cách đây hơn 7 năm, “con rồng” này vẫn là một công dân tự do của Hà Nội, nhà Đức khi ấy ở phường Phương Mai, quận Đống Đa.

Theo sau cán bộ quản giáo, Đức xuất hiện trước mặt chúng tôi với bộ dạng mà người bình thường gặp phải phát khiếp. Sức vóc anh ta tuy có phần khiêm tốn, song gương mặt thì đanh sắt lại và lạnh như… tiền. Chiếc sẹo dài vắt từ đầu mắt trái, chạy qua sống mũi, rồi dừng lại ở dái tai phải làm cho sự dữ dằn ở con người anh ta càng bộc lộ rõ nét hơn. Biết chúng tôi là đồng hương, Đức hồ hởi hỏi thăm: “Mấy năm nay chắc Hà Nội thay đổi nhiều lắm các anh nhỉ”? Chẳng biết phải trả lời người đối diện thế nào, tôi đành ậm ừ, rồi hỏi ngược lại: “Anh có nhớ Thủ đô không”? Như chạm vào nỗi niềm, Đức khẽ gật đầu rồi cố cười xòa trong ngượng nghịu. Nhắc lại quá khứ, anh ta bảo rằng: “Tôi ở tù nhiều hơn ở ngoài đời, nhưng thực tế là chẳng có gì đáng nói cả”. Đấy là cái lý của Đức, bởi anh ta nghĩ mình không có gì “thấm tháp” so với các tay “giang hồ” cộm cán khác. Tuy nói vậy, nhưng rồi Đức vẫn “điểm lại” số lần can án và phải nhập trại trước đây.

Lần đầu tiên “nhúng chàm” là năm 1981, khi ấy anh ta vừa tròn 17 tuổi. Khi đi bộ trên phố, thấy chiếc xe đạp của ai đó để hớ hênh, Đức liền dắt đi luôn. Sau đó, anh ta mang lên Đồng Xuân bán cho một người không quen biết. Công an truy tìm, thu giữ được tang vật, rồi tóm gọn Đức. Vụ này, Đức phải đánh đổi bằng 2 năm tù giam. Cuối năm 1983, Đức được mãn hạn tù, nhưng chỉ chưa đầy năm sau anh ta lại tham gia một vụ cướp xe đạp.

Đức không còn nhớ nổi thời gian cụ thể, nhưng có một điều chắc chắn rằng lúc đồng phạm của anh ta gí khẩu K54 vào đôi trai gái ở bờ sông Kim Ngưu là khoảng 22h. Theo lời Đức thì anh ta tham gia vụ cướp táo tợn này thật tình cờ và bị động. Tối ấy, anh ta đang đi chơi thì gặp 2 người bạn. Các bạn của Đức liền rủ đến những chỗ vắng vẻ để xem ai có tài sản thì “xin”. Để việc “xin” đạt hiệu quả, một trong hai người bạn đề xuất rủ thêm một người nữa vì biết người này có súng. Thế rồi 4 gã thanh niên dắt theo “hàng nóng” và kéo nhau xuống khu vực bờ sông Kim Ngưu gần Đền Lừ “mật phục”. Phát hiện chiếc xe đạp Pơ-giô vàng óng dựng sát đôi trai gái đang tình tự bên nhau, cả bọn tiến đến khống chế cướp gọn. Trong ký ức của Đức sở dĩ ngày ấy, anh ta và đồng bọn chọn khu vực gây án ở đó là vì nó vắng vẻ, cây cối um tùm và không có đèn đường. Phi vụ thứ hai, Đức tiếp tục ghi vào cuốn nhật ký cuộc đời một vết xám đen với 12 năm tù. Ở tù đằng đẵng, lẽ ra Đức phải cảm nhận hơn bất cứ người nào về cuộc sống không có tự do. Nhưng không, cái “dớp” đi tù của anh ta vẫn tiếp diễn. Năm 1995, Đức trả xong án tội cướp thì 3 năm sau anh ta lại can tội che giấu tội phạm nên phải lĩnh tiếp 2 năm tù ở trại giam mãi tận Thanh Hóa.    

                                  

Lần cuối ở Tân Lập?

Với cách bộc bạch của Đức, trong tất cả các lần anh ta phạm tội đều có những lý do riêng. Lần do “ngẫu hứng”, lần thì bị bạn bè rủ rê và trong lần thứ 3 can án, anh ta khó lòng mà làm khác được. Giữa năm 1998, em trai Đức thụ án ở Hải Dương vì tội cướp tài sản. Không muốn phải chịu cảnh tù đầy, phạm nhân này trốn trại và sau đó đã bắn chết một đồng chí công an tham gia truy bắt. Ngay sau khi gây án, em trai Đức ghé qua nhà nên được anh trai che giấu. Đức lĩnh 2 năm tù giam.

Nói về lý do phải ngồi bóc lịch ở Trại giam Tân Lập lần này, Đức ngắn gọn: “Tôi dính ma túy, những lúc lấy thuốc về dùng, tiện thể chia nhỏ ra bán cho các con nghiện khác. Bị công an bắt nên lại phải nhập trại”. Đức viết tiếp cuộc đời của anh ta sau đận thụ án tù ở Thanh Hóa trở về bằng một công việc thoạt nghe có vẻ rất “ngon lành”, nhưng thực tế lại rất dễ sa ngã nếu không có bản lĩnh. Và sự có mặt của anh ta ở đây, vào lúc này là một minh chứng. Năm 2000, Đức gom góp tiền và hùn vốn sắm ô tô chuyên chạy tuyến khách Hà Nội - Thanh Hóa. Suốt ngày ngược xuôi lại “va chạm” với vô số dân “anh chị” nên anh ta bập vào ma túy lúc nào không hay. Ban đầu, Đức lấy tiền chạy xe hàng ngày ra để mua “thuốc”, nhưng nếu cứ chỉ như vậy thôi thì không ổn. Anh ta biến luôn các bạn nghiện thành bạn hàng. Khách của Đức đủ cả, nhưng nhiều nhất vẫn là các lái, phụ xe đường dài và đám “dân nghiện” quanh khu vực bến xe Giáp Bát. 

Xoay chỗ nọ đập chỗ kia, Đức cũng kiếm đủ tiền để thỏa mãn những cơn thèm “thuốc” bằng việc bán lẻ heroin. Nhưng sự đời đâu phải lúc nào cũng như người ta mong đợi. Trưa 13-10-2004, Đức bán cho 2 khách hàng quen tổng cộng hơn 10 gram ma túy. Trên đường mang heroin đi hưởng lạc, khách hàng của Đức bị bắt giữ. Anh ta cũng nhanh chóng bị bắt. Sau khi bị TAND quận Đống Đa và TAND TP Hà Nội y án 11 năm tù, Đức được chuyển lên Phú Thọ thụ hình. Sau lần thứ tư phạm tội anh ta trở lại Trại giam Tân Lập. Lần trước thụ án ở đây chính là lần Đức tham gia vụ cướp chiếc xe đạp ở bờ sông Kim Ngưu. Nhân nói đến việc này, Đức cho biết cái sẹo hằn sâu trên mặt anh ta hiện nay được “mọc ra” ở thời kỳ trả án lần trước. Lý do là anh ta đánh bạn tù nên bị phạm nhân kia đợi lúc Đức ngủ đã trả đòn bằng một nhát dao ngang mặt. Được hỏi về vợ con, anh ta chẳng úp mở: “Vợ tôi cũng mới ra trại chưa lâu. Có lẽ do tiếc mấy mối hàng quen của tôi ngày trước nên cô ấy làm liều”. Nói rồi Đức khoe, anh ta có được một cô con gái thật xinh xắn, đáng yêu đang học lớp 9. Chỉ đến gần đây Đức mới ngộ ra, không gì khác mà chính cô con gái bé bỏng ở nhà mới là động lực quan trọng nhất giúp anh ta sớm chấm dứt được cái “duyên nợ” với tội tù.