Còn nhiều cơ hội kinh doanh

ANTĐ - So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý I-2014 tăng khá mạnh, tới 16,9%. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận đây là một tín hiệu của sự phục hồi kinh tế.

Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng từ tín hiệu tích cực của nền kinh tế
Ảnh: PHÚ KHÁNH

Trong 3 tháng đầu năm 2013, cả nước có 15.707 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 79.389 tỷ đồng, so với quý I-2012 thì số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 6,8 % và số vốn đăng ký giảm 16,1 %, cho thấy doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Bước sang năm 2014, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng trở lại, ở mức khá ấn tượng là 16,9% so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 23,4% về vốn đăng ký, tương ứng 18.358 doanh nghiệp và gần 98.000 tỷ đồng. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay, doanh nghiệp đang có kỳ vọng nào đó từ tín hiệu tích cực của nền kinh tế. “Hạ lãi suất là một trong những hoạt động khích lệ doanh nghiệp”- ông Nguyễn Minh Phong nói. Giới chuyên gia cho biết thêm, điều kiện đăng ký kinh doanh thuận lợi, rút ngắn thời gian cũng khiến số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới tăng lên, mặc dù không thể hoạt động và đem lại lợi nhuận ngay lập tức. 

Theo Bộ KH-ĐT, doanh nghiệp thuộc các ngành: dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ, xây dựng… phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động nhiều hơn. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở lĩnh vực dịch vụ tăng cao hơn, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp có xu hướng giảm. Thực tế này cho thấy, Việt Nam đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp như nhiều nước trên thế giới. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ sản xuất, phục vụ trực tiếp cho người dân tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại, cơ cấu doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nghiêng hẳn về lĩnh vực dịch vụ cũng có nhiều hạn chế. “Hoạt động sản xuất đang có lực cản như: vốn đầu tư, thị trường, sức cạnh tranh nên doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực dịch vụ. Cái gốc của nền kinh tế phải là sản xuất, nên phát triển dịch vụ phải gắn với tăng trưởng sản xuất thì mới hài hòa. Mặt khác, khi sản xuất chưa phát triển thì hoạt động tăng cường cho công nghiệp như công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng… sẽ ít được tạo điều kiện đầu tư”- Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

Trao đổi với báo chí, ông Tạ Đình Xuyên- Phó giám đốc trung tâm Thông tin dự báo Kinh tế - Xã hội (Bộ KH-ĐT) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối diện với sức mua thấp, khó tiếp cận tín dụng. Bên cạnh đó, dư địa để giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp không còn nhiều. Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phục hồi chậm và tín hiệu mờ nhạt, đòi hỏi phải có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa. Song song với đó là việc kích thích tiêu dùng để tạo đà cho sản xuất.