Con nhà lính tính nhà quan

ANTĐ - Thông tin mới cho hay tỉnh Hải Dương vừa xin chủ trương của Chính phủ xây dựng trung tâm hành chính tập trung với vốn đầu tư dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng. 

Theo đó, số vốn được chi từ ngân sách khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, còn lại được huy động từ nhiều nguồn, trong đó có bán đất, bán trụ sở cũ thì cũng là nguồn công sản. Mục đích là quy các sở, ngành về một mối để thuận tiện cho người dân đến liên hệ công việc, hiện đại hóa hành chính, tăng năng lực cạnh tranh cho địa phương.

Trước đó, một số tỉnh, thành làm ăn khấm khá như Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã xây trung tâm hành chính đều cỡ “ngàn tỷ”; nghèo như Lai Châu vẫn đã xây trung tâm hành chính hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Nhiều tỉnh, thành khác cũng đang lập quy hoạch để triển khai xây dựng như Khánh Hòa thì vốn đầu tư dự kiến lên tới 5.000-7.000 tỷ đồng.

Cứ như là có một phong trào xây dựng công sở. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, từ bán - đổi đất hay trụ sở cũ. Rồi ở đâu cũng “trưng” ra  vốn từ nguồn xã hội hóa, nhưng mấy ai biết huy động được bao nhiêu. Chỉ biết công trình thế nào cũng phải lạm vào ngân sách công. Điều cần nói nữa là đấy chưa phải là việc cấp thiết khi trụ sở cũ đâu đã xuống cấp đến mức không còn dùng được. Trong khi địa phương, đất nước còn nghèo, đang cố thoát được gánh nặng nợ công cận kề ngưỡng rủi ro và bội chi ngân sách. 

Có thể thấy hai bức tranh tương phản. Đó là khung cảnh uy nghi của công sở và cảnh lam lũ, nhiều nơi vẫn còn người dân nghèo đói, trẻ em thiếu cơm ăn áo mặc mà câu chuyên một học sinh cấp 1 đi học về vì đói lả mà ngã xuống sông bị đuối nước là một sự thật đau xót khó chấp nhận.

Xây dựng một nền hành chính tiến bộ với trụ sở làm việc hiện đại là mục tiêu chính đáng nhưng không có nghĩa là các địa phương cứ thi nhau xây trụ sở thật hoành tráng để cho "bằng anh, bằng em" trong khi trụ sở cũ vẫn còn sử dụng được.  Hình thức chỉ là yếu tố thứ yếu, cái “lõi” mới cần mới. Đó là cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục rườm rà, chấm dứt tệ nạn quan liêu của cán bộ, công chức để phục vụ tận tâm của những người ngồi trong các tòa nhà đó thì người dân mới được nhờ. Bằng không cũng chỉ như những công trình chục, trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng xây xong được "đắp chiếu" không hoặc rất ít khi sử dụng như tại Đà Lạt - Lâm Đồng, một ký túc xá sinh viên trị giá 227,8 tỷ đồng, có 2.000 chỗ ở mà chỉ có... 1 sinh viên đăng ký ở! 

Hồi tháng 3 đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã thừa nhận có tình trạng lãng phí ngay từ chủ trương đầu tư. Nhiều nơi có quyền, quyết là làm ngay, không thẩm định dự án ấy hiệu quả thế nào, tại sao phải làm... "Lãng phí trong chủ trương đầu tư mới lớn, có khi hàng trăm tỷ...", Bộ trưởng Vinh khẳng định. Mà các khoản đầu tư vô tội vạ ấy tất nhiên lấy từ những khoản nộp thuế của dân, còn hiệu quả của mỗi công trình tiền tấn không chỉ chưa thấy đâu mà còn là một vấn đề nhức nhối.

Đợt này các bậc phụ huynh đang vất vả tìm chỗ tiêm chủng cho con cái khi lượng vắc xin khá eo hẹp. Trong khi chỉ  một phần ba, phần tư số tiền đầu tư xây trụ sở “lung linh” kia có thể mua vắc xin tốt nhất cho các cháu trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng khoảng 10 năm, thậm chí là trong khoảng 15 năm.

Giá mà hoán đổi được mục đích dùng tiền...?!

Tin cùng chuyên mục