Con người hủy hoại hành tinh

ANTĐ - Nhiệt độ bề mặt Trái đất có khả năng tăng mạnh hơn dự báo khá nhiều vào cuối thế kỷ này và nếu không được ngăn chặn hiệu quả thì điều này sẽ dẫn tới những thảm hoạ cho môi trường sống trên hành tinh của chúng ta.
Con người hủy hoại hành tinh ảnh 1
Những khí thải gây hiệu ứng nhà kính thải ra từ hoạt động sản xuất
của con người là nguyên nhân chính làm gia tăng nhiệt độ


Đó là cảnh báo trong bản báo cáo dài 127 trang dự kiến được LHQ đưa ra tại Thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển vào ngày 27-9 tới. Dù chưa chính thức được công bố song những nội dung chính của bản dự thảo báo cáo phục vụ cho Hội nghị chống biến đổi khí hậu diễn ra trong tuần này tại Stockholm được tiết lộ trên nhiều tờ báo và hãng thông tấn.

Theo báo cáo do Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC, được thành lập năm 1988 bởi 2 cơ quan của LHQ là Tổ chức Khí tượng thế giới - WMO và Chương trình Môi trường LHQ - UNEP), nhiệt độ bề mặt Trái đất sẽ tiếp tục tăng trong tương lai dù có tăng chậm hơn so với dự báo trong 15 năm giai đoạn 1998-2012. Trong đó, nhiệt độ bề mặt hành tinh giai đoạn 2016-2035 có thể tăng từ 0,3-0,7 độ C so với giai đoạn 1986-2005. 

Nếu nhiệt độ bề mặt Trái đất tiếp tục tăng như dự báo thì khả năng nhiều vùng băng giá quanh năm như Bắc cực hay trên dãy núi Himalaya cao nhất hành tinh cũng có thể xuất hiện hiện tượng tan chảy vào năm 2035. Báo cáo của IPCC cảnh báo nhiệt độ bề mặt Trái đất sẽ tăng tới 4,8 độ C vào năm 2100, thay vì 2 độ C như dự báo trước đó của chính LHQ.

Nhiệt độ bề mặt hành tinh chúng ta nếu tăng như kịch bản xấu nhất - 4,8 độ C sẽ dẫn tới những thảm hoạ môi trường nghiêm trọng. Đó là những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và cực đoan như nắng nóng, khô hạn hay lũ lụt, bão lốc sẽ xuất hiện dày đặc hơn và đặc biệt đáng lo ngại là mực nước biển dâng cao do băng tan chảy.

Báo cáo của IPCC chỉ rõ chính con người chứ không phải ai khác là thủ phạm, đóng góp tới 95%, khiến nhiệt độ bề mặt trái đất gia tăng mạnh trong tương lai. Vì thế, theo tổ chức từng đoạt giải Nobel Hoà bình năm 2007 do có những đóng góp cho việc bảo vệ môi trường Trái đất này, con người phải hành động quyết liệt, tiến hành các biện pháp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính - tác nhân chủ yếu làm gia tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Bắc Carolina (Mỹ) đăng tải trên tạp chí Biến đổi Khí hậu Tự nhiên số ra ngày 22-9 cho rằng việc giảm phát thải khí nhà kính từ đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, xăng dầu và khí đốt xuống mức an toàn hơn có thể cứu sống hàng triệu người mỗi năm vào cuối thế kỷ này.  

Theo kịch bản “ôn hoà” nhất mà các nhà khoa học ở Đại học Bắc Carolina nghiên cứu, mà theo đó nhiệt độ bề mặt Trái đất chỉ tăng 2,6 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ trước bùng nổ công nghiệp hoá sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đến năm 2030, thế giới có thể tránh được khoảng 500.000 ca tử vong mỗi năm, và con số này sẽ tăng lên 1,3 triệu ca vào năm 2050, lên 2,2 triệu vào năm 2100. Hạn chế được tình trạng tử vong sẽ giúp củng cố lực lượng lao động cho các quốc gia, tạo ra các lợi ích kinh tế thiết thực, nhất là ở khu vực Đông Á - nơi chiếm tới 2/3 số ca tử vong có nguyên nhân liên quan đến khí thải nhà kính.