Còn lâu mới Lên chuyện

ANTĐ - Vòng 17 V-League, trận Thanh Hóa - Xi măng XTSG, các cầu thủ chủ nhà đã vây lấy tổ trọng tài để phản đối bàn thắng của đội khách vì cho rằng bóng đã ra ngoài sân trước đó. 

Vấn đề không chỉ ở văn hóa cổ vũ và thái độ chuyên nghiệp của cầu thủ và các CĐV của CLB Thanh Hóa mà còn dẫn đến cả BTC cũng lúng túng để phạm lỗi luôn. Ngay hôm sau, BTC V-League vội vã cùng với một số phóng viên “mổ băng” xem lại bàn thắng và kết luận luôn về một tình huống chưa rõ ràng khi tranh cãi bóng trong ngoài còn là do … góc nhìn. 

BTC mời báo chí cùng xem băng ghi hình để bảo trọng tài đúng thì Thanh Hóa cũng mời báo chí với số lượng đông đảo hơn đến “mổ băng” để nói mình đúng. Qua đó lại thấy BTC không thể hiện được năng lực, bị các thành viên của giải đấu “coi thường” khi nói với nhau như ngoài đường, ngoài chợ kiểu như “Tôi nghĩ mắt BTC có vấn đề, họ nên đến Viện mắt trung ương kiểm tra lại”. Ở những nền bóng đá phát triển, những phát ngôn kiểu này sẽ bị phạt rất nặng. 

Thanh Hóa đã 3 lần “tố” trọng tài ở mùa này và tất cả các trường hợp, BTC V-League đều xác định trọng tài xử lý đúng, nhưng “không dám” phạt đội Thanh Hóa cho thấy BTC đã không thể hiện quyền năng của mình. Có lẽ vì vậy, từ đầu mùa đến nay, không riêng Thanh Hóa phản ứng với trọng tài, còn có Xi măng Xuân Thành Sài Gòn (3 lần), SHB Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Hoàng Anh Gia Lai… cũng từng thể hiện “năng khiếu” này. Bầu Đệ cho biết, nếu BTC không xử lý các trọng tài đã gây bất lợi cho đội bóng xứ Thanh sẽ bỏ ngỏ khả năng bỏ V.League.  

Việc lãnh đội hăm he bỏ giải là điều không được ủng hộ, bởi nó cho thấy cách hành xử rất thiếu chuyên nghiệp khi cứ bức xúc về một chuyện nào đó là dọa bỏ giải. Vậy lần này, liệu BTC có dám làm rõ trắng đen. Hay sau việc một đội bóng từng dọa bỏ giải khi bức xúc với công tác trọng tài, rồi sau đó bỏ thật là Hòa Phát Hà Nội ở mùa giải 2011 và khi Eximbank V-League 2013 bị rút từ 14 đội xuống còn 12 đội vì một số CLB bỏ giải, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn sợ đội nào đó bỏ giải? Cũng có lẽ vì thế, mà chuyện tuyên bố “sẵn sàng nghỉ chơi” đã thành lợi thế quen thuộc của một số đội để gây áp lực với BTC giải. 

Bóng đá Việt Nam kỳ cục thật, trọng tài quyết định cũng không chịu, BTC quyết định cũng không chịu. Cứ như giải bóng đá chân đất ở làng, thích thì chơi, không thích thì bỏ về, chứ không phải giải đấu số 1 quốc gia có cái tên V- League rất … chuyên nghiệp.

Có lẽ cũng đúng, vì tự gọi nhau vậy, chứ đã là gì đâu. Còn lâu mới lên được chuyên nghiệp!