Sức hút lạ kỳ khiến hàng trăm "chiến binh" khởi nghiệp xếp hàng vào đối thoại

ANTD.VN - 500 sinh viên của trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) và các bạn trẻ là những “chiến binh” khởi nghiệp đã kiên nhẫn xếp hàng để tham gia cuộc Tọa đàm “Vũ khí” nào cho “chiến binh” khởi nghiệp”. Điều gì đã khiến chương trình trở nên sôi nổi, có sức hút lớn đối với hàng trăm “chiến binh” khởi nghiệp trẻ?

Sức hút lạ kỳ khiến hàng trăm "chiến binh" khởi nghiệp xếp hàng vào đối thoại ảnh 1Hàng trăm “chiến binh” khởi nghiệp xếp hàng dài tại Hội trường ĐH Tôn Đức Thắng để tham gia buổi tọa đàm

Khởi nghiệp thành công: Tạo ra sự khác biệt với những gì đã có

Có mặt từ sớm, phóng viên ghi nhận có rất đông sinh viên của trường ĐH Tôn Đức Thắng và các bạn trẻ xếp hàng kiên nhẫn chờ tới lượt để được vào hội trường. Bạn Lê Hoàng Uyên, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết: “Đây là buổi tọa đàm em rất mong chờ, vì có chị Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát tham dự. Em đã xem một số chương trình phỏng vấn chị Phương trên truyền hình, và giờ rất háo hức được nghe chia sẻ về “vũ khí” nào cho “chiến binh” khởi nghiệp trẻ như em”.

Rất nhiều sinh viên khác mong chờ, khi họ có ý tưởng về khởi nghiệp, họ được kết nối như thế nào thì mới chạm tay tới thành công. Bước vào cuộc tọa đàm, chị Trương Lý Hoàng Phi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đồng thời là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) đã thể hiện phong cách ấn tượng, khi thay thế màn trình bày thông tin về Vietnam Startup Wheel 2018 bằng việc hỏi - đáp có thưởng dành cho các bạn sinh viên. Muốn trả lời đúng và nhanh, các bạn trẻ phải “bắt” nội dung chuẩn, và đó cũng là đề nghị mà Giám đốc BSSC nhấn mạnh.

“Vietnam Startup Wheel 2018” là cuộc thi hướng đến đối tượng giới trẻ đam mê khởi nghiệp và các nhà sáng lập doanh nghiệp, với quy mô toàn quốc. Giám đốc Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ: “Cuộc thi là cầu nối để những người có ý tưởng hay, có khả năng thành công tìm thấy nhà đầu tư phù hợp, và ngược lại. Một khi hai bên đã kết hợp ăn ý, startup sẽ tiến rất xa”. Qua màn hỏi - đáp đầu tiên này, Giám đốc Trương Lý Hoàng Phi đã nhắn gửi một thông điệp tới các bạn trẻ quan tâm tới startup: “Muốn khởi nghiệp thành công, cần phải tạo ra sự khác biệt với những gì đã có!”. 

Sức hút lạ kỳ khiến hàng trăm "chiến binh" khởi nghiệp xếp hàng vào đối thoại ảnh 2

Sức hút lạ kỳ khiến hàng trăm "chiến binh" khởi nghiệp xếp hàng vào đối thoại ảnh 3Cả 3 diễn giả có sức hút kỳ lạ với các sinh viên ham mê trở thành “chiến binh” khởi nghiệp

“Vũ khí” của “chiến binh” khởi nghiệp: Thái độ và sự tự tin

Giám đốc Trương Lý Hoàng Phi chuyển sang vai trò dẫn chương trình, để kết nối các bạn sinh viên với 2 diễn giả là chị Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát và anh Lê Đăng Khoa - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH phân bón Ba Lá Xanh. Không trình bày những bài diễn thuyết theo kiểu truyền thống, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát mong muốn các bạn trẻ hỏi nhiều, hỏi “chất” để hiệu quả tối đa. Khi được hỏi “vũ khí” nào là quan trọng nhất cho một “chiến binh” khởi nghiệp? - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng đó là 2 “vũ khí”: “Thái độ và sự tự tin”.

“Thái độ là yếu tố đầu tiên và quyết định cho rất nhiều thứ. Thái độ đúng là phải biết mình, biết người, luôn sẵn sàng tìm hiểu những vấn đề mà mình chưa biết, nhưng lại rất cần thiết cho dự án startup của mình. Xin hỏi các bạn sinh viên ở đây, có bao nhiêu bạn đã chuẩn bị sẵn nội dung câu hỏi cần giải đáp trước khi tới đây?”. Trần Uyên Phương bỗng nhiên đặt câu hỏi ngược lại. Hội trường chỉ 4-5 cánh tay giơ lên, sau đó Trần Uyên Phương tiếp lời: “Vậy nếu chưa chuẩn bị sẵn câu hỏi, không tạo ra sự khác biệt, thì làm sao các bạn khai thác hiệu quả hết cỡ đối với thời gian giao lưu này, đúng không?”. Đây cũng là một lời nhắc nhở với “chiến binh” khi có ý định bước chân vào cuộc đua khởi nghiệp. Giải thích cho yếu tố thứ hai là “sự tự tin”, doanh nhân Trần Uyên Phương ngắn gọn nói: “Nếu không tự tin, thì không thể khởi nghiệp được, chứ chưa nói tới chuyện thành công. Tự tin, tức là dám nhận và dám làm!”. Sự duyên dáng, tự tin và mạnh mẽ của Trần Uyên Phương giúp truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.

Trong khi đó, diễn giả Lê Đăng Khoa chia sẻ, “vũ khí” khi khởi nghiệp của anh chính là sự cân bằng giữa khiêm nhường và quyết liệt, cũng như phải tìm kiếm được một ê-kíp cộng sự chất lượng, hiểu nhau và có thể hỗ trợ hiệu quả. Đây cũng chính là một phần mục tiêu mà Cuộc thi “Vietnam Startup Wheel 2018” hướng tới. “Tôi cũng khuyên các bạn sinh viên hãy chăm chỉ đọc sách hơn. Đó là kho báu tri thức của rất nhiều tấm gương thành công chia sẻ, nên tại sao chúng ta không khai thác triệt để? Cùng với đó, hãy rèn luyện thói quen lên chiến lược dài hơi, mục tiêu dài hạn cho bản thân, để quyết tâm đạt được. Khi bạn không biết bạn sẽ trở thành ai, làm gì, trong vòng 5-10 năm tới, thì tức là bạn đang phó thác mọi thứ cho số phận. Mà nếu vậy, bạn sẽ khó lòng khởi nghiệp thành công”, anh Lê Đăng Khoa bày tỏ.

Sự khác biệt về phong cách trao đổi giữa 2 diễn giả càng thể hiện rõ hơn trong nội dung hỏi - đáp. Nữ doanh nhân của Tập đoàn Tân Hiệp Phát chọn cách giải quyết thông tin xúc tích, hiệu quả, với mỗi phần trả lời chỉ khoảng 15 giây nhanh gọn là đủ thông tin khiến người hỏi và cả hội trường cảm thấy thỏa mãn. Trong khi đó, CEO của Công ty TNHH phân bón Ba Lá Xanh thường dành tới 5-7 phút để giải thích chi tiết và chuyển ngữ cảnh câu hỏi vào trong câu chuyện của bản thân.

Sức hút lạ kỳ khiến hàng trăm "chiến binh" khởi nghiệp xếp hàng vào đối thoại ảnh 4Các bạn trẻ hào hứng chụp hình cùng “thần tượng startup” - nữ doanh nhân Trần Uyên Phương

Chinh phục “chiến binh”: Bằng tư duy mạch lạc, rõ ràng

Mặc dù khác biệt về phong cách, nhưng cả 2 diễn giả đều thể hiện sự lôi cuốn và thu hút riêng. Chẳng hạn như một bạn nữ đứng lên, đặt câu hỏi cho Trần Uyên Phương rằng: “Hiện em đang làm startup về trái cây nhập ngoại. Em thấy có những người giỏi quanh mình, nhưng không biết họ có làm được việc cho mình không, và làm sao lôi kéo họ vào làm, vì em sợ không đủ lương trả họ?”. Trả lời câu hỏi này, doanh nhân Trần Uyên Phương lựa chọn cách hỏi ngược lại: “Tại sao em biết họ giỏi? Vì nếu giỏi, tại sao em lại nghĩ họ không thể làm được việc của em? Mà nếu họ không làm được việc cho em, thì lấy lương ở đâu trả cho họ? Chính câu hỏi của em đã hàm chứa câu trả lời, và em cần phải thấy rằng khi vận hành mô hình khởi nghiệp, tất cả phải rõ ràng, cụ thể. Đừng để quá nhiều thông tin ở dạng “hay là, nếu như”. 

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã chinh phục các “chiến binh” khởi nghiệp bằng sự thông minh, tư duy mạch lạc và cách trao đổi tự tin, thẳng thắn. Trong suốt 3 tiếng giao lưu hỏi - đáp, diễn giả giúp cho các bạn trẻ hiểu rằng: Họ đang có cơ hội rất lớn để khởi nghiệp, nhưng thành công không hề dễ dàng. Từ ý tưởng đi đến một bản kế hoạch hoàn chỉnh đã là quãng đường dài, rồi từ kế hoạch đó đi tới thực tế lại là quãng đường dài hơn nữa. “Và con đường dài nhất là duy trì được dự án kinh doanh của mình, mà phải làm ăn có lãi”, doanh nhân Lê Đăng Khoa chốt lại.

“Chị Trần Uyên Phương có phong cách rất thú vị! Chị ấy chọn giải pháp trả lời là hỏi ngược lại các bạn, để chỉ ra những điều chưa rõ ràng, còn bất hợp lý, từ đó nảy ra câu trả lời. Phong cách này khiến mỗi phần trả lời chỉ ngắn gọn mà rất rõ ràng”. 

Chị Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC); Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM

Tin cùng chuyên mục