Nữ doanh nhân và khát vọng Vì một Việt Nam thịnh vượng

ANTD.VN - Ngày 2-5-2019, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 đã diễn ra với 1 phiên tổng thể, 6 hội thảo chuyên đề và 1 phiên tọa đàm. Trong đó, buổi tọa đàm “Nữ doanh nhân và khát vọng Vì một Việt Nam thịnh vượng” đã thu hút sự quan tâm của dư luận khi những nữ doanh nhân tiêu biểu đứng lên chia sẻ tầm nhìn, quan điểm và trở thành nguồn cảm hứng tại sự kiện đặc biệt này.

Bà Cindy Hook - Tổng Giám đốc của Deloitte châu Á - Thái Bình Dương: Thay đổi hôm nay, thành công ngày mai

Nữ doanh nhân và khát vọng Vì một Việt Nam thịnh vượng ảnh 1

Để đạt được thành công trong bất kỳ tổ chức nào, các nhà lãnh đạo phải cân bằng giữa việc mong muốn đạt thành quả ngày hôm nay với sự thay đổi doanh nghiệp của họ để sẵn sàng cho tương lai.

Bà Hook cho rằng, một lãnh đạo thành công cần phải làm được 5 điều quan trọng để đưa doanh nghiệp đi lên. Đó là: Có mục tiêu; Chiến lược táo bạo; Làm việc theo nhóm; Tư duy cởi mở và Tạo ra văn hóa truyền cảm hứng. Tổng Giám đốc của Deloitte châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, khi đặt ra mục tiêu rõ ràng và cụ thể, người lãnh đạo còn phải đảm bảo các cá nhân làm cùng tổ chức hiểu và cam kết thực hiện những mục tiêu đó.

Một lãnh đạo giỏi cũng phải là người luôn có chiến lược táo bạo để sẵn sàng tạo ra những thay đổi, thích ứng với sự biến đổi của tương lai. Bà Cindy Hook cũng đánh giá rất cao việc lãnh đạo biết phát huy sức mạnh của mô hình làm việc theo nhóm để khai thác tối đa hiệu quả từ những người giỏi làm cùng. Bên cạnh đó, “Tư duy cởi mở”" và “Tạo ra văn hóa truyền cảm hứng” là những đặc điểm để nhà lãnh đạo khích lệ tối đa sự sáng tạo, nỗ lực của các nhân viên dưới quyền, từ đó tạo nên không khí làm việc tích cực thực chất.

Khi nói về vai trò của nữ doanh nhân, bà Hook nhận định, thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, lãnh đạo nữ cần phải làm quen với nhiều mảng công việc khác nhau, phải dũng cảm đưa ra mục tiêu mang tính chiến lược, chấp nhận thách thức và cần đạt những mục tiêu về doanh thu. Theo kế hoạch đến năm 2022, doanh nghiệp của bà Cindy Hook sẽ nâng tỷ lệ lãnh đạo nữ châu Á từ 22% lên 32% về số lượng và nâng cao chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG: Luôn có khát vọng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào

Nữ doanh nhân và khát vọng Vì một Việt Nam thịnh vượng ảnh 2

Là doanh nhân từ ”thế hệ 1”, bà Nguyễn Thị Nga đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc và những va chạm trên thương trường. Theo bà, điều tâm đắc và mong muốn chia sẻ chính là khi người lãnh đạo - dù ở vị trí cao nhất - nhưng khi cảm thấy mình chưa mạnh ở mảng nào thì không ngần ngại tìm sự hỗ trợ.

Bà Nga chia sẻ câu chuyện tham gia khóa đào tạo đặc biệt tại Mỹ do phu nhân Tổng thống Mỹ Hillary Clinton tài trợ dành cho các nữ doanh nhân toàn cầu. Trong đó, nữ Chủ tịch Tập đoàn BRG đã bước ra sân chơi lớn với vốn tiếng Anh hạn chế. Nhưng bà đã nhận được sự giúp sức đắc lực từ các cố vấn, từ đó thu nhận nhiều kiến thức hữu ích và dần tự tin với khả năng ngoại ngữ của mình, dù khi tiếp xúc với tiếng Anh, bà đã ở vai trò lãnh đạo với bộn bề công việc.

Bên cạnh đó, bà Nga tin rằng, yếu tố giúp cho nữ doanh nhân thành công là luôn duy trì và bồi đắp khát vọng vươn cao trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó cũng là lý do khiến vị chủ tịch này kiên quyết đưa 2 chữ ”khát vọng” vào slogan của BRG.

Trong sự nghiệp của mình, một trong những điều tâm đắc nhất của nữ Chủ tịch BRG là có cơ hội để chia sẻ, chứng minh với thế giới rằng, tại Việt Nam, doanh nhân nói chung, nữ doanh nhân nói riêng, được tạo nhiều điều kiện để phát triển. Do vậy, vấn đề cốt yếu của mỗi nữ doanh nhân chính là sự nỗ lực tự thân để vươn lên trong môi trường này. “Phụ nữ rất thông minh nhưng đôi khi lại thiếu chiều sâu. Vì thế, hãy làm mọi thứ hết mình với quyết tâm và sự kiên trì lớn nhất” - bà Nguyễn Thị Nga nói.

Bà Trần Thị Lệ - Tổng Giám đốc Công ty NutiFood: Đào tạo đội ngũ kế cận là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển

Nữ doanh nhân và khát vọng Vì một Việt Nam thịnh vượng ảnh 3

Xuất thân là một bác sĩ, bà Trần Thị Lệ chưa từng nghĩ bản thân sẽ trở thành một doanh nhân. Tổng Giám đốc Công ty  NutiFood chia sẻ rằng, từ nhỏ bà đã có ước mơ đóng góp cho xã hội, cộng đồng, góp phần hỗ trợ những đứa trẻ khỏe hơn, thông minh hơn, cao lớn hơn.

Khi bắt đầu sự nghiệp, bà lại được truyền cảm hứng từ câu chuyện của nhà sáng lập cơ sở thực phẩm Đồng Tâm (tiền thân của NutiFood). Đó là một vị bác sĩ từng rất trăn trở khi chứng kiến những em nhỏ tử vong hàng ngày tại Bệnh viện Nhi TP.HCM do không nạp đủ dinh dưỡng để chống chọi với bệnh tật. Vị bác sĩ sau đó đã nghĩ ra cách dùng máy xay sinh tố để xay nhuyễn nhiều loại thực phẩm, bổ sung men tiêu hóa, từ đó có thể nuôi các bệnh nhi qua ống thông dạ dày. Nhờ vậy, hàng nghìn trẻ em đã được cứu sống.

Câu chuyện nói trên là tiền đề để NutiFood tạo ra những sản phẩm dễ dùng, có hàm lượng dinh dưỡng cao, phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. Dù không nói nhiều về vai trò của mình, song qua những nội dung trình bày về lịch sử, chiến lược, cho tới những giai đoạn khó khăn tưởng như không thể vượt qua, bà Trần Thị Lệ đã thể hiện được nhiệt huyết, sự quyết tâm và bền bỉ đáng khâm phục.

Ngoài ra, một điều tâm huyết mà Tổng Giám đốc Công ty NutiFood chia sẻ tại tọa đàm chính là quá trình đào tạo đội ngũ lãnh đạo trẻ kế cận. Dù tốn kém chi phí, song bà Lệ tin rằng, đây là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển trong tương lai. Những người được chọn đều có năng lực xuất chúng, có nhiệt huyết và sẽ được tạo điều kiện để phát huy đam mê, để luôn cảm thấy hạnh phúc khi làm việc, đóng góp cho doanh nghiệp.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương - Phó Tổng giám đốc kiêm CFO của Công ty CP Hàng không Vietjet: Hạnh phúc đến từ những điều giản dị, vì thế hãy sống có niềm tin và đam mê

Nữ doanh nhân và khát vọng Vì một Việt Nam thịnh vượng ảnh 4

Ngay khi bước vào nội dung chia sẻ, bà Hồ Ngọc Yến Phương đã nhấn mạnh tới hai yếu tố “niềm tin” và “đam mê” mà mình theo đuổi. Bà coi đó là những từ khóa giúp cho phụ nữ gặt hái thành công trong môi trường công việc vốn có nhiều thuận lợi hơn cho nam giới.

Đặc biệt, lĩnh vực hàng không vốn là ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, có tỉ lệ nam cao hơn nữ nhiều. Trong bộ máy nhân sự gồm 3.850 người của Vietjet Air, tỉ lệ nhân viên nữ chiếm 34%. Trong đó, gần 30% nắm giữ vị trí quản lý. Một điều thú vị là dù tỉ lệ nữ giới trong doanh nghiệp không ở mức cao, nhưng những vị trí quản lý cấp cao nhất, có quyền ra quyết định của Vietjet Air  lại đều thuộc về phái đẹp. 

Bên cạnh đó, bà Phương cũng chia sẻ về thời điểm hình thành hãng hàng không giá rẻ phổ biến này. Đó là khi Vietjet Air đã dành rất nhiều công sức để thực hiện khâu chuẩn bị, nhằm đảm bảo mọi việc được vận hành trơn tru khi chính thức đi vào hoạt động. Ở thời điểm đó, đã có những băn khoăn ở cấp lãnh đạo công ty về việc đi theo mô hình “hãng hàng không hạng sang” để phục vụ một bộ phận khách cao cấp, hay “hãng hàng không bình dân” để phục vụ đại bộ phận người dân. Sau cùng, ban lãnh đạo gồm nhiều phụ nữ của Vietjet Air đã quyết định chọn mô hình “hãng hàng không bình dân” nhằm hiện thực hóa giấc mơ bay cho mọi người.

“Đó là điều tâm huyết của chúng tôi. Vietjet Air muốn ai cũng có thể sử dụng dịch vụ bay với chi phí hấp dẫn nhất. Ngay trong chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội để tham dự buổi tọa đàm này, một bạn trẻ ngồi cạnh tôi đã nói rằng: “Chị ơi, chị nhường em ngồi gần cửa sổ để nhìn ra ngoài trời, đây là lần đầu tiên em được đi máy bay”. Đó là khoảnh khắc khiến tôi rất xúc động, vui và hạnh phúc, vì cảm nhận được điều tâm huyết trong một câu chuyện giản đơn như vậy” - bà Hồ Ngọc Yến Phương bày tỏ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: 5 kỳ vọng với các nữ doanh nhân Việt

Nữ doanh nhân và khát vọng Vì một Việt Nam thịnh vượng ảnh 5

Buổi tọa đàm đã mang tới một cảm xúc đặc biệt, khi gắn kết giữa vai trò của những nữ doanh nhân với khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Đề nghị các nữ doanh nhân tham gia tọa đàm tìm ra giải pháp cho 5 vấn đề chính: Làm sao để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào làn sóng khởi nghiệp? Làm sao để Việt Nam có thêm nhiều nữ doanh nhân trở thành tỉ phú? Nữ doanh nhân cần tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho xã hội, thể hiện đậm nét trách nhiệm xã hội. Nữ doanh nhân có thể cân bằng giữa công việc và gia đình như thế nào? Giải quyết các rào cản, bất cập trong chính sách, nhận thức để nữ doanh nhân phát huy khả năng hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục