Khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi đến tập đoàn tỷ đô

ANTD.VN -  Không giấu giếm quá trình gây dựng nên Tập đoàn Tân Hiệp Phát từ những ngày còn gian khó, ông Trần Quí Thanh- Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã chia sẻ với gần 1.000 doanh nhân câu chuyện khởi nghiệp của mình.

Ông Trần Quí Thanh (áo trắng) chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp cùng doanh nhân (ảnh: Phú Khánh)

Sáng nay (15-4), sự kiện 1.000 CEO chính thức diễn ra tại Hà Nội. Phần trao đổi của ông Trần Quí Thanh và các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này được chờ đón nhất trong sự kiện, bởi lẽ Tân Hiệp Phát là tập đoàn quy mô gần 10.000 tỷ đồng và được xem là doanh nghiệp thành công nhất về marketing tại Việt Nam.

"Sau quãng đường kinh doanh 23 năm cùng Dr Thanh và cả tuổi trẻ của mình, tôi thấy trong quá trình sống, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Trong cuốn sách "Chuyện nhà Dr Thanh", Uyên Phương đã nói chuyện nhà Dr Thanh để cho thấy những khó khăn, thuận lợi của chúng tôi. Quý vị có thể đọc sách để thu lượm những điều có lợi cho mình"- ông Trần Quí Thanh mở đầu phần tọa đàm.

Cuốn sách "Chuyện nhà Dr Thanh" chia sẻ câu chuyện thành công và thất bại của Tân Hiệp Phát (ảnh: Phú Khánh)

Theo ông Trần Quí Thanh, quá trình khởi nghiệp của Tân Hiệp Phát vô cùng khó khăn khăn, cũng thiếu vốn như rất nhiều doanh nghiệp khác.

"Những năm 1990-1994, dù có tiền cũng không thể mua được thiết bị, huống chi thời điểm đó tôi chỉ có số vốn ít ỏi, chòm chèm 100.000 USD mà cái gì cũng cần tiền: thiết bị, kiến thức, xây dựng thương hiệu, thuê nhân viên... Nhưng với tinh thần không có gì là không thể, tôi đã đi tìm và mua dây chuyền cũ, người ta đã sử dụng 30 năm và thanh lý làm đồ phế liệu.

Tôi đấu giá trúng mà giá chỉ cao hơn người mua phế liệu có 20.000 đồng. Dây chuyền gồm 5 máy, mà mỗi máy họ chặt làm mấy khúc"- Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ.

Với tinh thần không lùi bước và những kiến thức về cơ khí học được tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ông chủ của Tân Hiệp Phát đã tháo lắp, chỉnh sửa để đưa được 1 máy vào sử dụng, giảm tỷ lệ hao hụt... Và từ những bước đi chập chững đó, Tân Hiệp Phát dần phát triển lớn mạnh.

Cùng với việc đầu tư dây chuyền sản xuất ngày càng hiện đại, tự động thì tập đoàn này còn quan tâm đầu tư đến quảng cáo, marketing... để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Mới đây nhất, Tân Hiệp Phát đã đầu tư dây chuyền hàng trăm triệu USD, nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm an toàn đối với người tiêu dùng.

Theo đại diện của tập đoàn này, marketing, quảng cáo là công việc quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là một trong những hạn chế của không ít doanh nghiệp Việt Nam, bởi lẽ doanh nghiệp không có vốn thì lấy đâu ra tiền để quảng cáo?

Giám đốc marketing của Tân Hiệp Phát, ông Stefan chia sẻ 10 bí quyết marketing hiệu quả (ảnh: Phú Khánh)

Ông Trần Quí Thanh cho rằng, bí quyết của doanh nghiệp chính là tiết kiệm và chi tiêu hợp lý. "Đừng nghĩ có nhiều tiền thì dùng nhiều, mà phải tiết kiệm vô cùng. Tân Hiệp Phát chi 1 năm mấy nghìn tỷ đồng nhưng làm sai 1 triệu đồng cũng đền, phải bồi thường cho doanh nghiệp"- lãnh đạo Tân Hiệp Phát cho hay.

Hiện nay, trong lĩnh vực đồ uống, Tân Hiệp Phát đang đứng đầu tại Việt Nam, vượt qua cả Tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh Coca Cola. Giai đoạn 1999-2000, Redbull là sản phẩm nổi tiếng thế giới, nhưng khi vào Việt Nam, nước uống Number One của Tân Hiệp Phát đã đánh bại. Năm 2017, tăng trưởng của Tân Hiệp Phát là 20% so với trước đó.

Thành công vang dội về marketing, song Tân Hiệp Phát cũng được biết đến là doanh nghiệp khủng hoảng truyền thông. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng?

Không né tránh đề cập đến vụ việc đình đám mà Tân Hiệp Phát từng đối diện trước gần 1.000 đại diện doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương- Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát cho hay, để vượt qua khủng hoảng, Tân Hiệp Phát phải hiểu được những tiêu chí và  giá trị cốt lõi của mình.

Với tư cách người lãnh đạo, bà Trần Uyên Phương khuyên các chủ doanh nghiệp cần bình tĩnh, "bản thân chúng ta lo lắng, khủng hoảng thì mới là cuộc khủng hoảng lớn nhất. Còn với người tiêu dùng, họ quan tâm nhất là sản phẩm. Họ mua sản phẩm của mình 10.000 đồng, thì họ nhận được giá trị là 12.000 đồng hay 15.000 đồng. Đó mới là điều quan trọng, là giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp hướng đến"- bà Trần Uyên Phương nói.

Theo ông Stefan Reicherstorfer- Giám đốc marketing của Tân Hiệp Phát, marketing thay đổi rất nhanh. Doanh nghiệp phải không ngừng học hỏi để có chiến lược kinh doanh thành công. Vị giám đốc marketing này cũng chia sẻ 10 bí quyết marketing cho doanh nghiệp tham gia, để họ tham khảo, vận dụng. 

Tin cùng chuyên mục