Đứng dậy từ thành công: Câu chuyện của đam mê và lòng dũng cảm

ANTD.VN - Khi làn sóng khởi nghiệp trở nên ngày càng mạnh mẽ, những bí quyết thành công của các tập đoàn có thực lực trở thành nguồn thông tin được nhiều chủ start-up tìm kiếm. Trong đó, những chia sẻ của ban lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã được đón nhận nhiệt tình, bởi đó đều là triết lý được rút ra từ thực tiễn của doanh nghiệp trị giá tỷ đô này. Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương từng nói rằng: “Đứng dậy từ thất bại là điều đương nhiên. Đứng dậy từ thành công mới là dũng cảm!”.

Cuốn sách “Competing with Giants” (tạm dịch: Vượt lên người khổng lồ) của nữ doanh nhân Trần Uyên Phương hiện nay vẫn là cuốn sách đầu tiên và duy nhất của một tác giả người Việt viết về doanh nghiệp Việt Nam được phát hành tại Mỹ

Câu chuyện “Hai nguyên lý, một mục tiêu”

Được biết tới là một những doanh nghiệp có trách nhiệm, thường xuyên tham gia các buổi chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, ban lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã đưa ra những quan điểm nhất quán và có nhiều giá trị cho những người làm start-up.

Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát - Trần Uyên Phương - bày tỏ rằng, khi một doanh nghiệp thất bại, họ có 2 lựa chọn: Từ bỏ hoặc đứng dậy và đi tiếp. Còn với một doanh nghiệp đã thành công, thì câu chuyện không đơn giản như vậy, vì họ chỉ có một con đường để phát triển: Tạo ra điều khác biệt để đứng lên, không rơi vào cảnh “ngủ quên trên chiến thắng”.

Nếu so sánh, thì sức ép đối với những doanh nghiệp tỷ đô như Tân Hiệp Phát còn lớn hơn nhiều so với các công ty khởi nghiệp. Điều được nữ doanh nhân Trần Uyên Phương lặp lại nhiều lần trong các bài nói chuyện của mình là phải tìm ra con đường khác biệt. “Nếu không có khác biệt, start-up hay doanh nghiệp đã thành công đều sẽ lao dốc”, nữ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ.

Nhưng làm sao để có đủ dũng cảm tạo ra sự khác biệt, khi mọi thứ xung quanh đã trở nên hoàn hảo và thành công?

Tại Tân Hiệp Phát, có lẽ tất thảy nhân viên và ban lãnh đạo đều thuộc nằm lòng 2 nguyên lý mà vị “cha đẻ” của tập đoàn đưa ra: “Hôm nay phải hơn hôm qua, nhưng không bằng ngày mai” và “Không gì là không thể”. Với 2 nguyên lý đó, cùng mục tiêu xuyên suốt và mãnh liệt “vươn ra biển lớn”, Tân Hiệp Phát không ngừng phát triển, với tinh thần vững vàng của “chiến binh khởi nghiệp”, dù tập đoàn này đã chiếm lĩnh được thị phần lớn trong nước với giá trị hàng tỷ USD.

Những quan điểm trên là một trong những chia sẻ được đề cập trong cuốn sách “Competing with Giants” (tạm dịch: Vượt lên người khổng lồ) của Trần Uyên Phương. Hiện nay, đây vẫn là cuốn sách đầu tiên và duy nhất của một tác giả người Việt viết về doanh nghiệp Việt Nam được phát hành tại Mỹ.

Nói thêm về sự khác biệt, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ: “Chúng tôi không đi theo sản phẩm thông dụng trong ngành nước giải khát như sản phẩm có ga, mà tìm thị trường ngách như: Trà xanh, trà thảo mộc, sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Sự khác biệt là làm không giống mọi người, nhưng sản phẩm phải có ích, chất lượng tốt và tiện dụng”.

“Đứng dậy từ thất bại là điều đương nhiên. Đứng dậy từ thành công mới là dũng cảm!”.  

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương 

Bên cạnh đó, Tân Hiệp Phát cũng là cái tên ghi dấu ấn đẹp trong lòng đối tác. Hơn bao giờ hết, tập đoàn hiểu rằng “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Bởi thế, một trong những điểm ưu việt mà Tân Hiệp Phát rất tự hào là hệ thống đối tác gắn bó, hỗ trợ nhiệt tình cho các sản phẩm có ích cho sức khỏe mà họ sản xuất.

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương cho biết, hiện Tân Hiệp Phát đang có mạng lưới với hơn 2.500 nhà cung cấp. Tập đoàn và các công ty “vệ tinh” này thường xuyên trao đổi, tìm giải pháp để đem lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Nói cách khác, Tân Hiệp Phát đang hòa nhập trong môi trường kinh doanh đầy biến động, nhưng không hòa tan, không quên liên tục cải tiến, tạo nên sự khác biệt để đứng vững trên thương trường.

Không thay đổi, sẽ bị đào thải

Tại cuộc tọa đàm mới đây về “Kết nối thương hiệu Việt”, PGS.TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp (Bộ Công Thương), nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - đã rất tán thành những quan điểm nữ doanh nhân Trần Uyên Phương đưa ra. 

Theo vị chuyên gia này, liên kết để tạo nên thương hiệu mạnh của Việt Nam là điều vô cùng cần thiết, dù mối liên kết giữa các doanh nghiệp rất khó khăn và mong manh do tư duy thời vụ, chỉ vì lợi ích trước mắt của không ít doanh nghiệp. “Ở Việt Nam, câu chuyện không dừng lại ở xây dựng thương hiệu theo hàng dọc hay hàng ngang, mà quan trọng hơn là thực hiện theo phương thức gì. Theo tôi quan trọng nhất là gắn kết về tài chính”- ông Phan Đăng Tuất nêu quan điểm.

Còn theo nữ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương, tư duy thay đổi, quyết liệt không bỏ cuộc thì mới có hành động đúng - “Chỉ có suy nghĩ dài hơi mới có giải pháp cho môi trường, con người. Chúng tôi nghĩ tới một ví dụ rất đơn giản, chúng ta từng thắp sáng bằng đèn cầy, chúng ta có thể làm đèn cầy tốt hơn nhưng nếu chỉ làm thế thì vẫn không thể bằng phát sáng bằng đèn điện được. Và nếu không dịch chuyển kịp thì chúng ta sẽ bị đào thải”.

Nói về những mô hình doanh nghiệp trong nước thành công trong việc liên kết, xây dựng thương hiệu, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: “Nhược điểm lớn nhất của chúng ta là cứ nghĩ phải đi học nước ngoài nhưng thực tế trong nước đã có rất nhiều mô hình thành công. Vì thế, cần có sự vận dụng mô hình thành công ở vùng này vào những vùng khác và nhân rộng mô hình đó”.

Tân Hiệp Phát đã lớn mạnh nhưng còn chặng đường dài phải đi. Và để chuẩn bị sức lực cho hành trình ấy, đội ngũ lãnh đạo của Tập đoàn đang tiếp tục thay đổi và hoàn thiện tư duy kinh doanh, đạo đức kinh doanh với sự đồng hành của những đối tác tin cậy. 

Tin cùng chuyên mục