Chia sẻ truyền cảm hứng mạnh mẽ của nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát: "Không gì là không thể!"

ANTD.VN - Ngày 2-5-2019, chị Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát - đã tham dự buổi tọa đàm "Nữ doanh nhân và khát vọng 'Vì một Việt Nam thịnh vượng'", trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Tại sự kiện này, nữ doanh nhân thành đạt đã có phần chia sẻ truyền cảm hứng lớn lao cho mọi người, khi kể về câu chuyện "Không gì là không thể" ở Tân Hiệp Phát, từ những ngày đầu phải sửa cỗ máy hỏng mua với "giá sắt vụn", cho tới khi đầu tư hệ thống đóng chai hiện đại nhất thế giới. Báo An ninh Thủ đô xin gửi tới độc giả toàn bộ phần chia sẻ này! 

Chia sẻ truyền cảm hứng mạnh mẽ của nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát: "Không gì là không thể!" ảnh 1

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về nữ doanh nhân, chị Trần Uyên Phương đã gây ấn tượng bằng việc không đứng tại bục diễn giả, mà tự tin đứng trên sân khấu với chiếc smartphone ở tay

"Ba câu chuyện của các đại biểu vừa rồi thực sự khiến tôi rất xúc động. Và tôi xin bày tỏ sự nể phục của thế hệ doanh nhân thứ 2 dành cho thế hệ thứ 1.

Chúng tôi là nhóm lãnh đạo trẻ đi qua thế giới của sự chuyển tiếp. Sự chuyển tiếp sang thời đại số đã có những ảnh hưởng lớn trong cuộc sống của chúng tôi, cho chúng tôi những cơ hội và sức mạnh mới.

Thời đại mà sách in giấy được chuyển thành sách nghe và sách điện tử, cả kho tàng tri thức nhân loại giờ nằm gọn trong 1 thiết bị cầm tay. Thời đại mà các buổi gặp mặt trao đổi giảm dần, chúng ta kết nối với nhau qua Facebook, Linkedin, Zalo. Thời đại mà mua bán ở các chợ đã đổi thành chợ online. Thời đại mà xe hơi cũng có trí tuệ thông minh và chuyển sang lái tự động không cần người lái.

Chúng tôi là thế hệ lãnh đạo chuyển tiếp. Chúng tôi không chỉ tận mắt chứng kiến mà còn phần nào được trải nghiệm khó khăn thách thức của thế hệ thứ 1, của 25 năm đất nước chuyển mình. Và năm nay cũng chính là kỉ niệm 25 năm thành lập Tân Hiệp Phát. Tôi đến đây hôm nay là để chia sẻ câu chuyện về “Biến điều không thể thành có thể” của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Đặc biệt khi sự kiện hôm nay là dành cho nữ doanh nhân.

Đây là bài học mà tôi được chứng kiến bằng cuộc sống của ba tôi một cách nhất quán trong suốt gần 40 năm.

Chia sẻ truyền cảm hứng mạnh mẽ của nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát: "Không gì là không thể!" ảnh 2

Các nữ doanh nhân tiêu biểu, nổi bật tham dự buổi tọa đàm trong sự kiện ngày 2-5-2019

Không gì là không thể, nếu chúng ta dám quyết tâm đi tới và không bỏ cuộc. Khi tôi nói như thế, chắc tất cả quý vị, đặc biệt là quý vị doanh nhân, sẽ liên tưởng được ngay câu chuyện của bản thân mình, với bao khó khăn, thách thức mà mỗi chúng ta đã đi qua. Và cũng như doanh nghiệp của các quý vị, Tân Hiệp Phát cũng có mục tiêu là lợi nhuận, làm doanh nghiệp là đi tìm lợi nhuận. Vậy xin hỏi ai trong quý vị đã từng có trải nghiệm từ chối lời đề nghị 2,5 tỉ đô la Mỹ?

Đó là câu chuyện từ năm 2012, chúng tôi sau 9 tháng trao đổi và đàm phán với Coca Cola, đã quyết định từ chối lời đề nghị 2,5 tỉ USD để tiếp tục hành trình xây dựng thương hiệu Việt.

Để có được thương hiệu và vị thế dẫn đầu ngành nước giải khát hiện nay, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế lớn nhất thế giới, để họ sẵn sàng ngã giá 2,5 tỷ USD mua Tân Hiệp Phát, chúng tôi đã phải nỗ lực, phải sáng tạo không ngừng, để biến cái không thể thành có thể.

Cuộc sống tôi lớn lên với những con người, những trải nghiệm biến điều không thể thành có thể, mà tôi xin chia sẻ một vài câu chuyện với quý vị.

Chia sẻ truyền cảm hứng mạnh mẽ của nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát: "Không gì là không thể!" ảnh 3

Là gương mặt quen thuộc trong làng doanh nghiệp Việt, chị Trần Uyên Phương nhiều lần tham dự các sự kiện truyền cảm hứng cho giới khởi nghiệp, cho nữ giới tham gia kinh doanh, và nhiều hoạt động ý nghĩa khác

Trải nghiệm thứ nhất là vào năm 1994, sau khi thành lập, khó khăn muôn bề, nguồn lực thì hạn chế, ba tôi, một kĩ sư cơ khí, đã quyết định mua lại dây chuyền phế thải đã cắt làm 3 mảnh của Bia Sai Gòn để đem về tái sử dụng.

Không một ai tin là ông có thể làm cho chiếc máy vận hành được. Câu nói nổi tiếng của ông đối với nhân viên Tân Hiệp Phát thời bấy giờ và kể cả đối với những kĩ sư kì cựu của bia Sài Gòn lúc đó là: “Có cái khung sườn còn tốt hơn là phải chế cái máy từ không có gì cả”. Sau 2 năm phục chế, với tất cả sự sáng tạo và nhiệt huyết, dàn máy đã chạy được và đạt công suất tới 80% công suất thiết kế của máy. Tân Hiệp Phát đã khởi sự bước vào ngành công nghiệp sản xuất bia, nước giải khát như vậy, với chi phí đầu tư thấp ở mức không thể.

Chia sẻ truyền cảm hứng mạnh mẽ của nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát: "Không gì là không thể!" ảnh 4

Câu chuyện "không gì là không thể" của Tân Hiệp Phát bắt đầu từ cỗ máy hỏng được mua về sửa chữa, cho tới những dây chuyền trị giá hàng trăm triệu USD, hiện đại nhất thế giới

Sau 7 năm tham gia ngành bia, năm 2001, Tân Hiệp Phát đã mở rộng sang nước uống không cồn. Các nhãn hiệu Pepsi và Cola chiếm gần như toàn bộ thị trường thời bấy giờ. Môt doanh nghiệp điạ phương, chưa hề có kinh nghiệm về mảng nước giải khát đã liều lĩnh bước vào thị trường mới.

Phân tích bài học thất bại của các doanh nghiệp trong nước trước đó, chúng tôi xác định muốn có cơ hội thành công, Tân Hiệp Phát phải vươn lên ngang bằng với các công ty hàng đầu thế giới về chất lượng, công nghệ, sản xuất, và cả về marketing, điều tưởng như không thể đối với doanh nghiệp Việt khi đó.

Tân Hiệp Phát đã đầu tư lớn, mua công nghệ hiện đại nhất thế giới, đầu tư mạnh cho nghiên cứu, để phát triển sản phẩm phù hợp khẩu vị người Việt, thuê các công ty tư vấn hàng đầu thế giới làm marketing, như Saatchi & Saatchi, O&M, Dentsu. Sau 7 năm, một loạt sản phẩm như nước tăng lực Number 1, Trà Xanh Không độ, Trà Thanh nhiệt Dr. Thanh,... đã đột phá thị trường, tạo ra trào lưu tiêu dùng mới, đưa Tân Hiệp Phát vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 VN, vượt trên cả Coca Cola, và đến nay chúng tôi luôn giữ vững vị trí số 2 ngành nước giải khát, đứng đầu ngành NGK có lợi cho sức khoẻ và là DN Việt Nam duy nhất trong TOP 5 DN nước giải khát lớn nhất Việt Nam.

Chia sẻ truyền cảm hứng mạnh mẽ của nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát: "Không gì là không thể!" ảnh 5

Với nữ doanh nhân thành công này, nữ tính là một ưu điểm lớn, chứ không phải nhược điểm như nhiều người nghĩ

Trải nghiệm thứ hai là khi đặt ra yêu cầu hiện đại hoá quản trị doanh nghiệp tại Tân Hiệp Phát. Khi doanh nghiệp đã lớn mạnh, muốn phát triển ổn định, đi xa, cạnh tranh được với thế giới, thì nhất định phải thay đổi cách quản trị theo hướng chuyên nghiệp.

Năm 1997, Tân Hiệp Phát quyết tâm thay đổi mạnh từ việc quản lý kiểm soát không có hệ thống, thậm chí tận dụng cả vé giữ xe đạp thay cho phiếu xuất hàng, chuyển sang quản lý theo chuẩn quốc tế ISO. Đơn vị tư vấn cũng liên tục từ chối vì theo kinh nghiệm của họ, ngành bia là ngành quá khó để triển khai hệ thống ISO với doanh nghiệp Việt lúc bấy giờ.

Sau một vài dự án không thành công, họ tin ngành bia Việt Nam không thể đạt chứng nhận ISO. Nhưng chỉ sau 5 tháng 19 ngày, Tân Hiệp Phát đạt chứng nhận ISO.

Để đưa ISO vào Tân Hiệp Phát, với trình độ toàn công ty chưa đến 20 nhân sự có được bằng đại học, trong hơn 5 tháng đó, chúng tôi đã kiên trì làm việc mỗi ngày từ 8h sáng đến 5h sáng hôm sau.

Không dừng lại ở đó, năm 2002, Tân Hiệp Phát tiếp tục nghiên cứu mô hình quản trị và tin học hoá. Tân Hiệp Phát cũng là doanh nghiệp Việt đầu tiên của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam triển khai ứng dụng giải pháp phần mềm ERP quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp, để theo kịp các công ty đa quốc gia.

Đây là dự án nhiều triệu đô la Mỹ, với giải pháp do công ty Baan, Hà Lan thiết kế. Ứng dụng ERP thành công, giá trị đem lại là một hệ thống quản trị hiện đại hàng đầu thế giới, 1 hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế. Giám đốc điều hành sản xuất của bia Carlsberg tại Anh sang hỗ trợ triển khai dự án tại Tân Hiệp Phát đã phải thốt lên: “Tân Hiệp Phát đã chuyển từ đi xe đạp sang đi hỏa tiễn khi dám triển khai hệ thống ERP”.

Khi đó, tôi mới du học nước ngoài về và làm việc ở công ty được 6 tháng, sau 6 tháng miệt mài, tôi được giao trực tiếp làm giám đốc dự án. Là một phụ nữ, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để khẳng định được mình trong một doanh nghiệp sản xuất và thoát khỏi cái bóng “con ông chủ”, phải dám ước mơ và dám biến những điều không thể thành có thể.

Chia sẻ truyền cảm hứng mạnh mẽ của nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát: "Không gì là không thể!" ảnh 6

Trước khi trở thành Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát, chị Trần Uyên Phương đã phải trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, để thể hiện năng lực bản thân

Trải nghiệm thứ ba mà tôi muốn chia sẻ chính là câu chuyện của nữ giới trong kinh doanh. Câu chuyện của thế hệ lãnh đạo trẻ 8X, 9X. Nhiều bạn nữ trẻ chia sẻ với tôi về rất nhiều khó khăn của họ khi họ là nữ giới. Và họ vật vã để làm những điều mà họ lo sợ là không thể: “Thành công trong một xã hội mà nam giới chiếm đa số”. Một câu hỏi cho tất cả các quý vị đang có mặt ở đây:

1. Ai tin, là sự nữ tính chính là điểm mạnh khi các vị trí lãnh đạo nam giới đang chiếm đa số?

2. Ai tin, là sự nữ tính chính điểm yếu khi các vị trí lạnh đạo nam giới đang chiếm đa số?

Bản thân mình, tôi tự hào mình được là phụ nữ. Được mặc đầm, được xinh đẹp, và đặc biệt được toả sáng ở những nơi toàn nam giới. Theo tôi, diểm mạnh của phụ nữ cũng chính là sự nữ tính, sự nhẹ nhàng. Tôi vẫn chia sẻ với các bạn nữ và nữ nhân viên của mình. Chúng ta không cần trở nên giống nam giới. Hãy để cho nam giới thể hiện điểm mạnh của họ. Tôi vẫn luôn quan niệm, phụ nữ giống như dòng nước, rất uyển chuyển, nhẹ nhàng nhưng vẫn quyết đoán, mạnh liệt và bền bĩ.

Chia sẻ truyền cảm hứng mạnh mẽ của nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát: "Không gì là không thể!" ảnh 7

Gia đình "không gì là không thể" của chị Trần Uyên Phương: Người cha đam mê công việc khó tả, người mẹ hết lòng hy sinh và đứng sau thành công của Tân Hiệp Phát

Ông bà ta không tự nhiên có câu: Lạt mềm buộc chặt. Theo tôi, đây chính là điểm mạnh của phụ nữ. Chúng ta nhìn vào điểm mạnh để phát huy và kết quả sẽ là sự xác nhận chứ không phải giới tính.

Và #standtaller - vươn tới - chính là yếu tố mà tôi nhìn thấy điểm chung của các nữ doanh nhân thành công. Và cũng nhìn thấy từ mẹ tôi, một người đóng góp rất lớn trong sự thành công của Tân Hiệp Phát ngày hôm nay.

Làm việc tại Tân Hiệp Phát, tôi cũng phải phấn đấu đi từ vị trí thấp đến cao, từ một thư ký giám đốc marketing kiêm nhân viên bán bia mỗi tối. Không ngại bất cứ công việc gì, bất kể ngày đêm. Ai kêu gì tôi cũng làm, từ phiên dịch đến dẫn các chuyên gia đi tìm hiểu về TP.HCM.

Miễn có cơ hội để được học thêm, hiểu thêm. Dần dần, tôi được giao các vị trí quản lý và nay là Phó TGĐ của Tập đoàn.

Tôi vẫn hướng dẫn cho nhân viên rằng, mình không chỉ là nhân viên nữ. Đến mơ mà mình còn không dám thì nói gì đến thực hiện. Hãy nghĩ đến ngày bạn làm Giám đốc Khối, TGĐ của Công ty này, và nuôi dưỡng ước mơ đó từ khi bạn còn trong giai doạn thử việc.

Tôi luôn truyền sức mạnh cho nhân viên và những người xung quanh để họ can đảm chấp nhận hiện tại và vượt lên để xây dựng tương lai. “Không phải chúng ta thì ai?”. Tôi có quan điểm vai trò kết nối và huấn luyện của lãnh đạo trở nên ngày càng quan trọng với sự phát triển của Tân Hiệp Phát hiện nay.

Tôi tự hào khi có được lòng tin của nhân viên, của đồng nghiệp bằng chính năng lực, sự tận tuỵ và cống hiến của mình. Tôi nhìn thấy sư phát triển của nhân viên bằng chính sự quan tâm và làm gương của bản thân là quan trọng.

Chia sẻ truyền cảm hứng mạnh mẽ của nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát: "Không gì là không thể!" ảnh 8

Những chia sẻ của "cô gái tỉ đô" thực sự là nguồn cảm hứng lớn lao dành cho những người yêu kinh doanh

Một điều cực kì quan trọng giúp tôi đứng đây chia sẻ với tất cả quý vị, chính là: Tôi yêu công việc mình đang làm. Những gì tôi đang thực hiện hằng ngày chính là sứ mệnh của cá nhân tôi: Tạo nên ảnh hưởng tích cực cho những người xung quanh.

Tôi rất thú vị với hành trình và mỗi ngày mới của mình. Hành trình Tân Hiệp Phát sẽ tiến tới 100 năm và xa hơn nữa. Năm nay, Tân Hiệp Phát kỷ niệm cột mốc 25 năm, 25 năm Tân Hiệp Phát phát triển cùng sự đi lên của đất nước.

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ là câu chuyện chuyển giao thế hệ. Các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam từ giai đoạn đầu đổi mới đến nay đã hình thành được 25 – 30 năm, thế hệ doanh nhân đầu tiên đang từng bước chuyển giao cho cho thế hệ sau. Vấn đề là là làm sao để những giá trị hữu hình và vô hình mà thế hệ đầu tiên đã tạo ra được kế thừa và phát triển, để doanh nghiệp tiếp tục phát triển và đất nước ta có một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng mạnh. Với Tân Hiệp Phát, chúng tôi tin một sứ mệnh rõ ràng, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp chính là tài sản vô hình, là văn hóa và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Không gì là không thể” chính là một trong những giá trị cốt lõi, quan trọng nhất của Tân Hiệp Phát. Những tài sản vô hình này phải được vun đắp, kế thừa qua các thế hệ. Đây chính là thách thức của thế hệ thứ 1 chuyển giao cho thế hệ thứ 2. Thế hệ thứ 2 cần sở hữu tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp, và gia đình chính là cái nôi để rèn giũa những giá trị của cá nhân đó.

Phi thường chính là làm những điều bình thường tốt hơn và trách nhiệm hơn người khác. Thế hệ thứ 2, bao gồm cả bản thân mình khi hiểu được: Niềm tin là do xây dựng và đạt được theo thời gian.

Niềm tin vào năng lực, tin vào giá trị, tin vào mục đích, tôi thấy tự tin và nhẹ nhàng hơn với các thách thức trong chuyển giao thế hệ, ngay cả khi đối mặt với những áp lực của chính các “bậc tiền bối” sinh ra và dạy dỗ mình.

Tôi tự hào được tham gia vào việc tiếp tục tạo nên sân chơi công bằng cho mọi người, để thể hiện tài năng bằng năng lực và kết quả thực sự, đóng góp cho xã hội. Tôi nhìn thấy sứ mệnh của mình trong thế hệ chuyển tiếp là “Đem thương hiệu Việt ra thế giới”.

Chia sẻ truyền cảm hứng mạnh mẽ của nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát: "Không gì là không thể!" ảnh 9

Sau "Không gì là không thể", "Hôm nay phải hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai", Tân Hiệp Phát tiếp tục thể hiện tầm nhìn lớn với chiến lược "Vươn ra biển lớn"

Thông qua câu chuyện của Tân Hiệp Phát để truyền cảm hứng không chỉ cho bản thân mà cho các doanh nghiệp trên thế giới, tôi muốn giới thiệu về một Việt Nam mới.

Cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ” (Competing with Giants) được Forbesbook xuất bản. Tôi đã đến trường Harvard, trường Babson, trường Đại học Ireland, Hiệp Hội các DN Châu Á ở Úc, cùng hàng trăm báo đài đã chia sẽ về câu chuyện các DN tư nhân Việt, một thế hệ doanh nhân nữ khát vọng được hội nhập và vươn tầm thế giới.

Tôi cũng xin cám ơn BTC đã có 1 chương trình rất ý nghĩa để tiếp tục truyền lửa và truyền cảm hứng cho các bạn nữ và các nữ doanh nhân, để kể câu chuyên Biến Điều Không Thể Thành Có Thể của các nữ doanh nhân Việt Nam".

Chị Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát - chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục