"Con đường danh vọng" và tượng "Vua cõng Phật" trên phố Hòe Nhai

ANTD.VN - Phố Hòe Nhai đối với tôi là những buổi tối mùa đông mưa phùn lâm thâm đi ăn cơm bụi với mấy đồng nghiệp xa nhà. Con phố có nhiều hàng cơm bụi một thời. Những quán nhỏ, vài cái bàn gỗ, mấy chiếc ghế nhựa chen chúc, những hàng cơm nhỏ hẹp, chật chội mà ít ai nhớ rằng con phố này từng danh giá của một thời xa lắm rồi.

Chùa Hòe Nhai là một ngôi cổ tự lâu đời, tương truyền có từ thời Lý, là chốn tổ của phái Tào Động, một trong hai phái Phật giáo lớn nhất miền Bắc

Cây hòe: Loài cây quý phái bậc nhất

Gọi là Hòe Nhai vì con đường trồng cây hòe. Tại sao là cây hòe và tại sao trồng ở đây? Người xưa quan niệm, hòe là một những loại cây quý phái bậc nhất, trồng hòe trước cửa thì mang giàu sang phú quý. Theo thư tịch cũ để lại thì có một lệ vào thời Lý, những quan lại trong triều phải trồng một cây hòe trên con đường từ Hoàng thành ra bến Đông Bộ Đầu. Triều đình có bao quan lại, mỗi người trồng một cây, chắc hẳn con đường ấy rất râm mát, rộng rãi, mỗi đời cây hơn cả một đời người…

Từ câu chuyện của lịch sử thời trước có thể rút ra hai điều. Thứ nhất, những con đường ở kinh đô xưa kia có thể đã được trồng cây từ rất sớm. Thứ  hai, đường Hòe Nhai xưa hẳn phải rất quan trọng, hoặc mang một ý nghĩa biểu tượng nào đấy để tạo một “con đường danh vọng”.

Hòe là một loại cây gỗ, thân thẳng, có thể cao trên 15m, hoa màu trắng thanh khiết. Ngoài làm bóng mát, hòe còn mang lại nhiều lợi ích: nụ, hoa làm trà uống, làm thuốc chữa nhiều bệnh. Nhưng thêm một câu hỏi đáng lưu ý nữa là loài hoa thanh khiết có tác dụng chữa bệnh này lại được ghép với một loài hoa khác, hoa sói, để thành thành ngữ  “hoa hòe, hoa sói” chỉ sự lòe loẹt, cầu kỳ.

Đây là sự biến hóa khôn lường của tiếng Việt khi ghép các từ có nghĩa thông thường vào nhau và tạo ra một nghĩa khác biệt, hay từ sự cầu kỳ trong việc ướp trà hoa hòe, hoa sói mà người ta nói vậy? Dù sao khi ngắm loài hoa này và biết công dụng của nó, tôi không thấy thỏa mãn với ý nghĩa của thành ngữ kia, hoa hòe mang một tiếng xấu dù ý nghĩa xa xưa của nó là thanh cao, quý phái và có ích cho người.

Hòe là một loại cây gỗ, thân thẳng, có thể cao trên 15m, hoa màu trắng thanh khiết

Chùa Hòe Nhai: Chốn tổ của phái Tào Động

Còn vị thế của đường Hòe Nhai? Có thể suy đoán ý nghĩa biểu tượng hoặc sự quan trọng của nó một phần lý do vì con đường dẫn đến bến Đông Bộ Đầu, là cảng thủy của kinh thành Thăng Long năm xưa khi sông Hồng chưa đổi dòng. Và tất nhiên địa danh này còn ẩn chứa một sự kiện vô cùng quan trọng không chỉ đối với Thăng Long.

Năm 1258, Tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai xua quân đánh vào Đại Việt, đây là trận chiến đầu tiên của quân dân Đại Việt với đội quân hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Quân Mông Cổ ngồi trên lưng ngựa giao chiến, sức mạnh như trẻ tre, vua Trần Thái Tông cùng thái tử Trần Hoảng (vua Trần Thánh Tông sau này) thấy chưa thể thắng ngay được địch bèn rút khỏi kinh thành Thăng Long và thực hiện kế “thành không nhà trống”. Ở trong một cái thành trống không có dân và lương thảo ẩn chứa bao hiểm họa khôn lường, giặc chiếm được Thăng Long nhưng không dám ở lại trong thành, đi cướp phá thì bị quân đánh tỉa dữ dội. Quân Mông Cổ chọn bến Đông Bộ Đầu, gần đường sông và không xa kinh thành làm nơi trú quân để dễ bề xoay xở.

Chỉ tạm rút khỏi kinh thành chục ngày, thừa lúc giặc sơ hở, vua Trần Thái Tông cùng thái tử Trần Hoảng đã điều quân đánh một trận kịch liệt ở bến Đông Bộ Đầu, giặc thua phải rút khỏi Thăng Long và trên đường tháo chạy về nước còn bị Hà Bổng, một thổ quan người Tày truy kích cho khốn đốn. Trận Đông Bộ Đầu là trận đánh quan trọng nhất của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, là cơ sở tự tin rằng quân dân nước Việt hoàn toàn có thể đánh bại kẻ xâm lược hung hãn nhất thời bấy giờ.

Và vì sao chúng ta biết chính xác địa điểm Đông Bộ Đầu, chính nhờ một văn bia do Tiến sĩ Hồ Tông Mục soạn năm 1703 trong chùa Hòe Nhai đã khẳng định, bến Đông Bộ Đầu (bến Đông) chính là ở nơi này. Chùa Hòe Nhai là một ngôi cổ tự lâu đời, tương truyền có từ thời Lý, là chốn tổ của phái Tào Động, một trong hai phái Phật giáo lớn nhất của miền Bắc và bản thân ngôi chùa cũng chứa đựng những điều đặc biệt.

Phố Hòe Nhai ngày nay

Đặc sắc tượng “Vua cõng Phật”

Chùa Hòe Nhai sở hữu những pho tượng đặc biệt. Đó là tượng “Vua cõng Phật” độc nhất vô nhị mà tôi đã từng nói một lần. Vị vua quỳ xuống để cõng Phật trên lưng, sức mạnh của Phật pháp đã thắng quyền lực, nhà vua sám hối vì đã có lúc cay nghiệt với đạo Phật.

Nhưng không chỉ có pho tượng “Vua cõng Phật” lừng danh, chùa Hòe Nhai còn có pho tượng Cửu Long sơ sinh thuộc vào loại cổ nhất trong các chùa Hà Nội. Tượng Đại Thế Chí Bồ Tát và Quan Thế Âm Bồ Tát thì còn khác lạ hơn, thông thường các vị này sẽ có tóc trên đầu, dân gian quen gọi là “bụt ốc” vì những lọn tóc xoăn của tượng giống hệt những con ốc nhưng hai tượng kể trên ở chùa Hòe Nhai không có bụt ốc. Đầu tượng nhẵn nhụi như các vị sư, là một điều rất hiếm gặp hoặc chưa từng thấy ở nơi khác.

Trước sân chùa có 3 tháp gạch và có một cái tháp rất đáng chú ý. Đó là tháp Ấn Quang thờ hòa thượng Thích Quảng Đức (1897-1963). Hòa thượng Thích Quảng Đức chính là người đã tự thiêu ngày 11 tháng 6 năm 1963 để phản đối sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn với Phật giáo. Và vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức là trong những bước ngoặt quan trọng góp phần dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã để lại tấm gương hy sinh anh dũng vì Phật pháp, Tổ quốc, được người đời tôn vinh như một vị Bồ Tát.

Nhà văn Uông Triều

Phố của ẩm thực

Phố Hòe Nhai xưa là con đường của quyền quý thì giờ nó là phố của ẩm thực. Con phố nhỏ này có rất nhiều hàng ăn, nổi tiếng bậc nhất là các hàng bít tết mang phong vị của văn hóa phương Tây. Xen kẽ những hàng bít tết là những món ăn đặc trưng truyền thống như bún ốc. Những hàng bún ốc luôn đông nghịt người vào những giờ cao điểm.

Và Hòe Nhai cũng là một cái chợ nhỏ với những hàng hoa quả, tôm cá, rau cỏ bày luôn ở trên hè phố. Sự giản dị và dân dã này có lẽ khiến ít ai nhớ rằng đây đã từng là con đường danh vọng nơi các vị triều thần trồng loài cây hòe quý phái. Giá mà con phố được trồng lại vài cây hòe, tôi cứ suy tư như thế khi nghe tiếng chuông chùa vọng ra và ngắm nhìn những ngôi biệt thự đã mốc thếch với thời gian còn sót lại.