Còn đâu văn hóa bán hàng

(ANTĐ) - Đời sống được nâng cao, người dân Thủ đô giờ rất quan tâm đến thái độ, cung cách của người kinh doanh, phục vụ. Nhưng nhiều cơ sở kinh doanh không nhận thức được tầm quan trọng của việc này dẫn đến mua không thuận, bán không xuôi.
Khinh khỉnh và chỏng lỏn Văn hóa dịch vụ (VHDV) là một khái niệm mang nội hàm rộng bao gồm những thói quen mang tính truyền thống hay đặc thù của mỗi thị trường, những quy tắc ứng xử trong khuôn khổ luật pháp và đặc biệt là những quy tắc bất thành văn nhưng được các bên tham gia ngầm hiểu và chấp nhận, đảm bảo sự trung thực và tôn trọng giữa các bên. Không phải quá lời khi nói VHDV là thứ “xa xỉ” ở Hà Nội, đến nỗi khi tới những chỗ bình dân, người dân Thủ đô phải chấp nhận những câu nói khó nghe hay thái độ không đúng mực của người bán hàng.
Còn đâu văn hóa bán hàng ảnh 1
Làm sao để văn hóa dịch vụ không còn là “xa xỉ” với người Hà Nội       
Hình ảnh cô mậu dịch viên thời bao cấp không mấy thân thiện, phục vụ với phương châm “nhất thân, nhì quen” trong thời buổi hàng hóa khan hiếm ngày xưa vẫn còn đâu đó tồn tại trong xã hội Thủ đô hiện đại. Cùng với đó thì một thực tế khá kỳ lạ và nực cười ở Hà Nội là càng những nơi “buôn may bán đắt” thì thái độ kiêu kỳ, khinh thường khách lại thường được “tặng kèm”. Người dân Thủ đô đã không còn mấy xa lạ với những địa chỉ mà sự khó chịu của người kinh doanh còn nổi tiếng hơn cả chất lượng sản phẩm được bán như “bún mắng”, “cháo quát”, “phở chửi”...Cần tư duy dịch vụ Cùng với sự phát triển và hội nhập kinh tế, văn hóa “Kẻ chợ” (chỉ Hà Nội hay người Hà Nội) xưa cũng âm thầm bị mai một. Lời ăn tiếng nói của các tiểu thương trở nên cộc lốc, sỗ sàng hơn, những câu chào hỏi thưa gửi: “Hôm nay bà/cô đi chợ mua gì cho cháu ạ?” bị thay bằng những cái hất hàm “Mua gì đấy?” không chỉ khiến chuyện mua không thuận, bán chẳng vừa mà còn làm nhòa đi nét thanh lịch vốn được người dân Thủ đô tự hào gìn giữ. Điều mà người kinh doanh nhỏ lẻ ở Hà Nội còn thiếu nhất chính là tư duy làm dịch vụ. Nhiều người nghĩ về công việc của mình chỉ đơn giản là bán hàng - thu tiền mà quên mất là mình đang kinh doanh trong ngành dịch vụ và sự hài lòng của khách hành chính là chìa khóa cho một quá trình kinh doanh bền vững, phát triển. Suy nghĩ “không cần khách” của một số người làm kinh doanh là một suy nghĩ quá lạc hậu, bởi một người khách hài lòng thường không quay lại một mình. Và khi “tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn xa” thì những vị khách không hài lòng hẳn cũng không bỏ đi một mình. “Người kinh doanh khi đã xác định được là mình đang làm ngành dịch vụ thì làm không khó và khi làm thì phải quên cái tôi của mình đi một chút mà đặt sự hài lòng, cảm nhận của khách hàng lên trên. Và làm sao để không chỉ giữ được sự hài lòng đó mà còn khiến cho khách hàng cảm thấy gắn bó, yêu thích dịch vụ của mình thì dù là người kinh doanh nhỏ lẻ cũng sẽ nhận thấy được sự khác biệt trong kết quả kinh doanh”, Tiến sỹ Mai Thế Cường, giảng viên bộ môn Kinh doanh Quốc tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ.