Còn bất đồng ý kiến về cúm gia cầm

ANTĐ - Trong khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên chim yến chưa có biện pháp kiểm soát thì Cục Thú y cho biết, dịch vừa được phát hiện trên đàn chim trĩ. Bên cạnh đó, virus cúm A/H7N9 dù chưa được phát hiện ở Việt Nam, nhưng buôn lậu gia cầm dạng nhỏ lẻ, phân tán vẫn lọt vào nước ta.

Gia cầm nhập lậu chứa hóa chất độc hại và tiềm ẩn virus cúm A/H5N1

Phát hiện cúm A/H5N1 trên chim trĩ

Tại cuộc họp BCĐ Quốc gia phòng chống cúm gia cầm chiều qua 16-4, ông Đàm  Xuân Thành, Phó cục trưởng cục Thú y cho biết, dịch cúm gia cầm vừa được phát hiện trên đàn chim trĩ 177 con tại tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh đó, đến nay đã có 4.000 con chim yến tại tỉnh Ninh Thuận chết vì cúm A/H5N1. “Tất cả các mẫu thịt chim yến chết do các đơn vị lấy xét nghiệm và người dân gửi đến đều cho kết quả dương tính với cúm A/H5N1. Tuy nhiên, mẫu chim sống, phân và tổ chim yến lại cho kết quả âm  tính”. Theo đó, các cơ quan chức năng đã lấy 180 mẫu chim yến sống, 120 mẫu phân và 144 mẫu tổ yến, nhưng đều cho kết quả âm tính.

Trả lời về việc, đại diện tỉnh Ninh Thuận cho rằng, chưa thể kết luận có cúm A/H5N1 trên chim yến, ông Thành cho biết, các mẫu thịt chim yến chết do người dân gửi đến Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, Viện Thú y, Cơ quan Thú y vùng VI rồi Chi cục Thú y Ninh Thuận cũng lấy mẫu chim yến đều cho kết quả dương tính. Trước hiện tượng này, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kết luận, chim yến tại Ninh Thuận chết vì cúm A/H5N1. Bên cạnh đó, ông Thành lo ngại cho đàn chim yến ở các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, nếu bị lây lan thì rất khó kiểm soát. Ông Thành nói: “Chim yến bay và kiếm ăn rất xa, vì vậy, khả năng phát tán virus bệnh, lây lan rất lớn. Trong khi đó, khả năng phòng chống dịch trên đối tượng này rất khó”. 

Về virus cúm A/H7N9 ông Thành cho biết, chủng virus này đã được phát hiện trên chim hoang tại Mông Cổ, Hàn Quốc từ khá lâu. Song, trên thế giới cho đến nay chưa ghi nhận nước nào có dịch cúm này xảy ra trên gia cầm. Tại Trung Quốc, cũng mới ghi nhận trên người. Có thể, khi lây lan sang người, virus cúm A/H7N9 đã có sự biến đổi với độc lực mạnh, gây tử vong cao. 

Buôn lậu gia cầm giảm nhưng không triệt để

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sau sự vào cuộc của các Bộ, ngành địa phương, tình hình buôn bán gà lậu đã giảm đáng kể, nhưng không giảm được triệt để vì đây là món hàng siêu lợi nhuận. Cũng theo thông tin Cục Chăn nuôi cung cấp, tại chợ gia cầm giống Đại Xuyên (Phú Xuyên) vẫn có gia cầm lậu trà trộn. Không riêng trên địa bàn Hà Nội, tại tỉnh biên giới Cao Bằng vào các ngày 1 và 6 hàng tháng ở 6 chợ thuộc TP và 2 chợ huyện, gà Trung Quốc về rất nhiều, thậm chí, còn xuất hiện cả thương lái Trung Quốc sang buôn bán gia cầm. 

Kết quả giám sát các mẫu gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc của Cục Thú y cho thấy, các mẫu thịt lấy tại chợ Hà Vĩ, ở biên giới các tỉnh phía Bắc có đến 46,2% dương tính với virus cúm A/H5N1. Đặc biệt, 95% số mẫu có phát hiện tồn dư kháng sinh, hóa chất độc hại bao gồm cả hoormone, kích thích tăng trưởng. 

Trong khi các địa phương và bộ, ngành Trung ương còn bất đồng về dịch cúm trên chim yến, về tình hình buôn lậu gia cầm thì đến nay, vẫn chưa có cơ quan nào quản lý đàn chim yến đông hàng vạn con tại các tỉnh, thành. Theo cảnh báo, nếu chỉ 10% đàn chim yến hiện tại nhiễm cúm A/H5N1 thì việc bùng phát dịch là khó tránh khỏi, cùng với đó việc khống chế cũng không đơn giản như trên gà, vịt.