Con át chủ bài

ANTĐ - Vụ tàu ngầm Nga hoạt động bí mật tại Vịnh Mexico mà không bị phát hiện càng trở nên bí ẩn khi Lầu Năm góc ra sức phủ nhận nhưng phía Nga thì úp mở, không khẳng định mà cũng chẳng bác bỏ.

Tàu ngầm nguyên tử Shark của hải quân Nga

Vụ việc trên được tờ báo Mỹ Washington Free Beacon nêu ra đầu tiên. Tờ báo này cho biết, chiếc tàu ngầm hạt nhân này có tên “Shark” thuộc lớp tàu ngầm Akula - một trong những tàu ngầm khó bị radar phát hiện nhất hiện nay của Nga, đã hoạt động bí mật hơn một tháng tại Vịnh Mexico cho tới khi nó rời khỏi vùng biển được xem là chiến lược này của Mỹ mới bị phát hiện.

Theo tờ Washington Free Beacon, việc chiếc tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới lớp Akula có sử dụng tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn xuyên lục địa hoạt động bí mật tại Vịnh    Mexico trong một thời gian dài mà không bị phát hiện đã khiến giới chức Mỹ vô cùng quan ngại. Sự việc diễn ra sau các vụ máy bay ném bom chiến lược Nga bay gần không phận của Mỹ gần 2 bang miền Tây là Alaska và California hồi tháng 6 và tháng 7 vừa qua.

Cách đây 3 năm, thông tin về sự xuất hiện của 2 chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga khi tiến hành tuần tra tại vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển phía Đông của Mỹ tháng 8-2009 đã khiến dư luận Mỹ hết sức xôn xao. Bởi đây là lần đầu tiên tái xuất hiện tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga tại vùng bờ biển phía Đông nước Mỹ kể từ sau chiến tranh lạnh.

Tuy sự xuất hiện lần này của tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga sát vùng biển nước Mỹ không gây chấn động như cách đây 3 năm song việc chiếc “Shark” có thể đặt hầu hết các mục tiêu chiến lược trọng yếu của nước Mỹ trong tầm ngắm của tên lửa đạn đạo hạt nhân khiến người Mỹ hết sức quan ngại. Song do “điệp vụ bí mật không thể tiết lộ” của chiếc “Shark” như tuyên bố của phía Nga nên Lầu Năm góc cũng không ngần ngại lên tiếng bác bỏ kiểu “làm gì có chuyện tàu ngầm hạt nhân của Nga tới sát bờ biển nước Mỹ mà không bị phát hiện”.

Thông tin về sự hiện diện của chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược “Shark” sát vùng biển nước Mỹ có thể còn bí ẩn song có điều ai cũng biết là hiện Nga đang đẩy mạnh nỗ lực phát triển và hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm mà nước này coi là xương sống, là át chủ bài của hải quân Nga trên các đại dương. Nỗ lực này của Nga có thể thấy qua việc Nga liên tục đưa vào hoạt động các tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới thời gian vừa qua.

Trong đó đáng kể nhất là việc Nga đã đưa chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược hiện đại nhất mang tên Yuri Dolgorukyi, thuộc dự án 955 lớp Borei, vào hoạt động trong lực lượng hải quân từ tháng 7-2012. Tàu Yuri Dolgorukyi được trang bị tên lửa Bulava là thế hệ tên lửa chiến lược mới nhất của Nga, có tầm bắn 8.000km, mang 6 đầu đạn hạt nhân siêu thanh tự chia tách khi đến gần mục tiêu và có thể thay đổi quỹ đạo bay về độ cao cũng như hướng bay.

Việc đưa vào hoạt động của tàu Yuri Dolgorukyi nằm trong kế hoạch hiện đại hoá hạm đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược đến năm 2020 của hải quân Nga. Theo đó, hải quân Nga sẽ nhận được ít nhất 10 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey mới - lực lượng nòng cốt của hải quân Nga trong tương lai, 10 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Graney và 20 tàu ngầm chạy bằng điện-diesel.

Tổng thống  Nga Vladimir Putin khẳng định việc hiện đại hóa tàu chiến và tàu ngầm cho hải quân sẽ được coi là ưu tiên hàng đầu trong thập kỷ tới. Chính phủ Nga cũng đã chi 166 tỷ USD cho mục đích này.