Có “tĩnh” mới có “động”

ANTĐ - Đúng như tên gọi “Năm 2012: Năm An toàn giao thông”, Thủ đô Hà Nội đã đi đầu cả nước tiến hành một loạt biện pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, hướng tới mục tiêu giảm 20% số người chết, 30% số vụ tai nạn giao thông. Sau khi thí điểm phân làn, phân luồng phương tiện thay đổi giờ làm, giờ học, là quyết định rút giấy phép trông giữ xe tại hơn 260 tuyến phố. Có việc làm trước, có việc làm sau, nhưng cho tới thời điểm này đã có thể sơ bộ nhìn nhận và đánh giá hiệu quả mang lại so với mục tiêu đề ra cũng như những tác động của nó tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Trong buổi làm việc mới đây với thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông của Quốc hội đã biểu dương Hà Nội giảm được cả ba tiêu chí, số vụ TNGT giảm số người chết, bị thương từ 20-30% (gấp đôi so với cả nước) trong hai tháng của Năm ANGT, đặc biệt là tạo được sự thông thoáng ban đầu trên các tuyến phố khi thực hiện đổi giờ làm, giờ học và cấm dừng đỗ xe trên 262 tuyến phố.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban, để không gây ảnh hưởng nhiều đến người dân khi thực hiện các giải pháp trên, cần có những đánh giá hiệu quả. Kém hiệu quả nhất là phân làn trên nhiều tuyến phố. Hầu như tất cả các tuyến phố được phân làn bằng dải phân cách mềm đều bị xe cộ đâm gãy. Trước đây còn có bóng dáng thanh tra giao thông đứng sau cột biển báo vì sợ bị xe húc phải, giờ thì không còn một ai. Mọi phương tiện cứ vô tư chen lấn làn của nhau. Ngay từ khi triển khai giải pháp này, dư luận đã thấy trước sự bất cập và bất thành của nó. Lực lượng CSGT hay thanh tra giao thông làm sao đủ quân để túc trực và càng không thể xử lý hết các trường hợp vi phạm.

Giám đốc Công an Hà Nội đã nhận xét, sau thời gian thực hiện việc phân làn đã xuất hiện những bất cập do cơ sở hạ tầng và ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế. Ông giám đốc đề xuất: “Từ những thực tế này, chúng ta nên xem xét và tính toán lại việc tổ chức phân làn hiện nay”. Việc đổi giờ học, giờ làm bước đầu đã tạo được sự thông thoáng trên nhiều tuyến phố, đó là nhận định của Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia. Song, theo ông này, vào giờ cao điểm buổi chiều, trước các cổng trường học vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Trong những giải pháp đề ra sẽ có tác dụng dần dần, chứ không có một giải pháp nào trở thành “phép mầu” để chữa được “căn bệnh” ùn tắc. Người dân cũng hiểu điều đó, nhưng quyết định thu hồi giấy phép trông giữ xe trên 262 tuyến  phố đã gây ra phản ứng nhiều chiều. Quyết định này hầu như không đụng chạm đến quyền lợi của người đi xe máy, đi bộ. Ngược lại, họ còn hoan hỉ vì hè thoáng, đường thông không phải len lách khổ sở. Còn những chủ xe ô tô thì như “gà mắc tóc”.

Không còn chỗ đỗ thì họ chui vào ngõ ngách hoặc tìm bãi đỗ... hợp pháp. Câu hỏi mà họ đặt ra là, trong khi chưa phê duyệt địa điểm trông giữ xe thay thế, thì việc dẹp bỏ 262 điểm đỗ xe chẳng khác gì buộc họ để xe... trong nhà hoặc bán xe đi. Hà Nội đã quy hoạch để xây dựng nhiều bãi đỗ xe, nhưng các dự án triển khai ì ạch, thậm chí một số dự án biến thành trung tâm thương mại hoặc xây dựng nhà cao tầng.

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội thừa nhận, tầm nhìn năng lực quy hoạch đô thị và giao thông đúng là có “vấn đề”. Giao thông đô thị không thể thiếu giao thông “động” và “tĩnh”. Thiếu “tĩnh” thì không thể giải quyết triệt để “động” được.

Tin cùng chuyên mục