Cố tình "bịt mắt" camera giám sát trên xe ô tô bị phạt tới 12 triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP, từ 1-7-2021, ô tô từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera giám sát. Hiện có trên 50% phương tiện tuân thủ quy định này song không ít camera được lắp đặt chỉ để cho có do đã bị lái xe vô hiệu hoá bằng nhiều chiêu thức tinh vi…

Số liệu thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có trên 103.000/ 205.000 xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo đã lắp camera giám sát. Song trên thực tế, số camera đã được lắp đặt phát huy hiệu quả như mong muốn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để vô hiệu hóa camera giám sát trên xe, nhiều lái xe đã sử dụng nhiều chiêu thức khác nhau, từ việc dùng băng dính, lấy khẩu trang, miếng vải phủ kín camera đến chà vaseline, dầu bôi trơn, hoặc một chất nhớt vào ống kính của camera để làm cho hình ảnh thu được bị mờ.

Một số lái xe còn chỉ cho nhau cách đối phó bằng cách che, bịt kín mắt camera hành trình bằng bìa các tông, băng dán tối màu, lắp công tắc nguồn để khi nào kiểm tra thì bật hoặc tháo luôn dây nguồn hoặc quay hẳn hướng camera giám sát ra ngoài đường.

Một trong những chiêu bịt mắt camera hành trình để tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng

Một trong những chiêu bịt mắt camera hành trình để tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng

Thậm chí trên mạng xã hội đã xuất hiện một số hội, nhóm phản đối việc lắp đặt camera giám sát hành trình trên phương tiện đồng thời đăng nhiều hình ảnh camera lắp trong xe khách được bịt, cột thắt chằng chịt… để ngăn camera ghi và truyền hình ảnh về trung tâm xử lý hình ảnh của cơ quan quản lý.

Trong quá trình kiểm tra lực lượng CSGT một số địa phương cũng đã phát hiện nhiều lái xe đã có hành vi che chắn, vô hiệu hoá camera giám sát trong xe. Tuy vậy, trong một số trường hợp việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do lái xe viện cớ “bỏ quên” khẩu trang hay miếng vải trên camera hoặc nhanh tay vứt chúng ra chỗ khác hay lập tức chỉnh lại hướng camera theo quy định.

Về chế tài xử lý đối với hành vi trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải. Theo đó, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật, tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông đồng thời bảo đảm tối thiểu các yêu cầu lưu trữ và truyền dẫn các thông tin.

Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.

Cũng theo Luật sư Thu, Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt quy định:

Phạt từ 5-6 triệu đồng với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng với tổ chức nếu sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera, có lắp nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông; không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu từ 1-3 tháng -Luật sư Thu nhấn mạnh.