Cổ tích tình yêu

ANTĐ - Hôm tôi đến nhà Lê Nguyên Ngữ, trời Phan Thiết mưa tầm tã, vừa đến cửa thì điện trong nhà tắt phụt. Thấy có bạn văn nghé thăm, vợ ông, nhà thơ Võ Thị Hồng Tơ vội vã lấy ô chạy ra che cho tôi, dù lúc đó, mưa đã khiến tôi ướt nhẹp từ đầu đến chân. Lê Nguyên Ngữ kéo chiếc bàn đá dịch ra gần chỗ ánh sáng buổi chiều còn rớt lại để đón khách. Ngôi nhà cấp bốn thấp tè phả ra một hơi ấm khác lạ.

Cổ tích tình yêu  ảnh 1
Một phần tư thế kỷ, vợ chồng Lê Nguyên Ngữ vẫn hạnh phúc trong “túp lều tranh”


Nhà thơ Võ Thị Hồng Tơ khơi lại cái bếp củi đun ấm nước, pha trà mời khách. Tôi bùi ngùi nhìn mái tóc bạc của nhà văn Lê Nguyên Ngữ mà thương cảm với dấu vết thời gian. Cho dù đã mấy chục năm trôi qua, hai vợ chồng ông vẫn không thoát ra được mái tranh nghèo. Nhắc đến sự tần tảo của vợ mình, nhà văn Lê Nguyên Ngữ kể, ông may mắn đến nay cũng do tình yêu thương của bà đem lại. Ông sôi nổi bộc bạch, nhiều lúc cả nhà thiếu tiền ăn, nhận được món tiền nhuận bút thơ của bà là như bắt được của và niềm vui tràn ngập trong gia đình.

Nhà văn lim dim con mắt nhớ lại, cũng vào một chiều mưa, hai người gặp nhau. Lúc ấy nhà văn Lê Nguyên Ngữ ở cảnh “gà trống” một nách nuôi tới 4 đứa con. Người vợ trước của ông mất sớm vì bệnh hiểm nghèo. Lúc đó chẳng làm gì khác hơn là phải bán dần mọi thứ kể cả ngôi nhà nhỏ mà ông đang ở để lấy tiền mua thuốc cho vợ, nhưng cũng không thể nào níu kéo được. Khi vợ mất, Lê Nguyên Ngữ nuôi các con trong cảnh nghèo túng, còn đâu dám nghĩ đến việc đi bước nữa. Vậy mà số trời run rủi vào chiều mưa ấy, và trời vận đúng vào câu thơ của Lê Nguyên Ngữ nổi tiếng một thời: “Tôi dong thuyền vào một chiều xuân/Uống ly nước đò em vừa ghé bán/Ánh mắt ai nhìn lòng tôi say chếnh choáng...”. Lê Nguyên Ngữ và Võ Thị Hồng Tơ gặp nhau trong sự tình cờ ấy. Họ bén duyên. 

 Nhưng khốn nỗi, nhà họ Lê nghèo thì đã đành, lại không nhà không cửa. Còn nữ sĩ Hồng Tơ cũng gặp cảnh trôi dạt, một nách hai con, từ Hà Tĩnh vào Phan Thiết làm ăn. Giờ kết hợp làm sao đây? Nhà văn Lê Nguyên Ngữ nhụt chí, yêu thì yêu quá đi nhưng lấy gì đảm bảo hạnh phúc cho người mình yêu?  Mình có 4 đứa con. Người yêu cũng có 2 con. Kiếm tiền bằng cách nào đầy đủ sống cho cả 8 miệng ăn?

Nhưng lòng người nữ sĩ đã quyết, phải sống, gắng lao động để tồn tại và bảo vệ hạnh phúc của mình. Cuối cùng họ đã đồng lòng và đã tổ chức đám cưới một cách đạm bạc, với những đồng tiền ít ỏi do bạn bè đồng nghiệp giúp đỡ, rồi dọn về ngôi nhà tập thể cơ quan vợ, xin ở nhờ. Đó là câu chuyện nổi tiếng năm 1988, về tình duyên của hai văn nhân đất Phan Thiết, một gia đình mới, một hạnh phúc mới với 6 đứa con.

Tôi đang nghĩ lan man về câu chuyện tưởng như cổ tích ấy, thì nhà thơ Võ Thị Hồng Tơ mang ấm trà lên cho chồng tiếp khách. Cơn mưa vẫn chưa dứt. Nhà văn Lê Nguyên Ngữ kéo tay vợ lại bắt bà đọc cho tôi nghe bài thơ mới nhất vừa viết xong đêm qua. Nữ sĩ Võ Thị Hồng Tơ hơi đỏ mặt vì ngại ngần nhưng vẫn ngồi xuống thì thầm đọc bài thơ còn nóng hổi từng con chữ. Một giọng thơ ấm ngọt, dịu dàng:   

“Bởi lời nói dối dễ thương

Để em khăn gói đánh đường theo anh
Nửa đời mặn muối chua chanh
Dối gian cất lại để dành dạy con”

Nữ sĩ bồi hồi nhìn trời mưa, biết bao kỷ niệm trôi về theo cơn gió biển. Ai ngờ cảnh nghèo túng không cản được tình yêu của hai người, khi quyết tâm sinh thêm một đứa con chung. Thế là gia đình “đôi lứa xứng đôi” này đúng với nghĩa đầy đủ, con anh, con tôi và con chúng ta. Nhưng cuộc đời kỳ diệu sao, bảy đứa con rất thương yêu nhau, cùng lớn lên theo năm tháng cho dù bữa đói bữa no. Và cũng có thể nói, từ đây Lê Nguyên Ngữ viết như một sự hối thúc của mưu sinh. Ông chuyển sang viết nhiều truyện ngắn và được in liên tục, một dạo trở thành “hiện tượng văn chương” của đất Bình Thuận. Trong nhiều năm ông sống bằng nhuận bút. Đồng thời, hai vợ chồng ông làm đủ thứ, từ chăn nuôi đến bán sách báo và viết văn, làm thơ. Chính trong hoàn cảnh đầy thử thách này, cả hai cùng hăng say sáng tác. Nhà văn Lê Nguyên Ngữ còn khoe, vợ ông đến nay đã có tới 1.500 lần được in thơ. 

Mới đó mà đã 25 năm trôi qua, hạnh phúc của hai người từ sau cái phút nhìn chếnh choáng ấy cho đến nay, các con đã trưởng thành, mỗi người đã có gia đình riêng. Đứa con út, là con chung cũng đã đi làm ở TP Hồ Chí Minh. Mái nhà nghèo chỉ còn lại hai người, lầm lụi già nua, hàng ngày mong ngóng tin con trẻ. Hôm nào có con cháu về thăm, thì hôm đó là ngày hội của vợ chồng nhà văn. 

Mưa dần tạnh. Ngôi nhà nhỏ bập bùng ánh đèn dầu. Bất ngờ, có người gọi ngoài đường, nữ sĩ Võ Thị Hồng Tơ chạy ra ngoài rồi quay trở lại với hai chiếc bánh đa vừng, cùng một chai rượu nhỏ. Thì ra chị đã gọi điện để mua bánh đa chiêu đãi tôi. Ngọn đèn được khêu cháy sáng hơn, nhà văn Lê Nguyên Ngữ rót rượu, và lẩm nhẩm đọc mấy câu thơ tặng vợ. Hình như mới ngửi thấy hơi rượu ông đã say. Tôi thấy ấm lòng vì hạnh phúc của hai người. Câu thơ của Lê Nguyên Ngữ tặng Hồng Tơ ngày nào như đóng dấu vào tâm hồn tôi: “Mắt em buồn nhớ ngày phiêu dạt/ Nhìn ướt đời tôi tự thuở nào”.