Có thể được xét đặc xá chỉ sau 1/3 thời gian chấp hành án

ANTD.VN - Sáng 3- 11, TAND tối cao đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến triển khai công tác đặc xá năm 2016”. Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao chủ trì.  Tham dự hội nghị còn có đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số Bộ, ngành liên quan.

Tại hội nghị trực tuyến, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đã công bố các điều kiện để phạm nhân được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Theo đó, người được đề nghị đặc xá phải chấp hành hành tốt nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động và trong quá trình chấp hành án phạt tù liên tục được xếp loại cải tạo từ khá trở lên.

Tiếp đến là phạm nhân đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Ngoài ra, người được xét đặc xá phải là người bị kết án phạt tù có thời hạn nhưng đã chấp hành ít nhất một phần ba thời gian.  

Hội nghị trực tuyến về đặc xá của TAND Tối cao

Đối với người bị kết án phạt tù chung thân thì trước đó đã được giảm xuống tù có thời hạn và phải chấp hành ít nhất là 13 năm. Trường hợp phạm nhân đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù hoặc là thương binh, bệnh binh, người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và được tặng thưởng một trong các danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân… cũng được xem xét đặc xá.

Đối tượng tiếp theo là phạm nhân có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh, chị, em ruột hoặc bố nuôi, mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp, con đẻ, con nuôi hợp pháp của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, con của gia đình được Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng bằng “Gia đình có công với nước”.

Và sau cùng là các phạm nhân đã chấp hành hình được 1/3 thời gian nhưng ở thời điểm phạm tội chưa đủ 18 tuổi; người từ 70 tuổi trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo; người từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau; người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình và nữ phạm nhân đang có thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Cũng theo Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, các trường hợp không được xét đặc xá là phạm nhân trong bản án hoặc quyết định của Tòa án đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; người trước đó đã được đặc xá; người có từ hai tiền án trở lên; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia.

Tiếp đến là người đã bị kết án tù về một trong các tội khủng bố, phá hoại hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, chống người thi hành công vụ có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng; người bị kết án từ 10 năm tù trở lên đối với tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người do cố ý; bị kết án từ 7 năm trở lên đối với tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sản xuất trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy, chiếm đoạt ma túy.

Hội đồng tư vấn đặc xá cũng không đề nghị đặc xá đối với người phạm các tội: giết người có tổ chức, giết người có tính chất côn đồ, cố ý gây thương tích có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần với cùng một người hoặc nhiều người; hiếp dâm có tính chất loạn luân; hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân.

Kế đến là những người phạm tội cướp tài sản có sử dụng vũ khí, cướp tài sản có tổ chức, cướp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; cướp giật tài sản có tổ chức, cướp giật tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; trộm cắp tài sản có tổ chức, trộm cắp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và một số tội phạm có tính tổ chức, chuyên nghiệp…