Cơ sở y tế không có hệ thống xử lý chất thải

ANTĐ - Hỏi: Trung tâm Y tế huyện nơi tôi đang sinh sống nằm trên địa bàn thị trấn. Năm 2011, Trung tâm được đầu tư nâng cấp thành Bệnh viện đa khoa nên số lượng bệnh nhân tăng mạnh. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải bệnh viện nên các chất thải sau phẫu thuật, bông băng đã qua sử dụng không được thu gom, xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân sống xung quanh. Nhiều lần đại diện các hộ dân gặp lãnh đạo Bệnh viện đề nghị có biện pháp xử lý các nguồn chất thải độc hại, khắc phục ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. Trước thực tế này, người dân đã gửi đơn kiến nghị tới UBND thị trấn yêu cầu tổ chức buổi làm việc, đối thoại trực tiếp với dân để thống nhất biện pháp giải quyết. Những kiến nghị này có đúng trình tự pháp luật và sẽ được giải quyết thế nào?
Trần Thị Nụ (Thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình)

Rác thải y tế cần được thu gom và xử lý đúng quy định
(Trong ảnh: Vận hành lò đốt rác, xử lý rác thải y tế tại bệnh viện)

Trả lời: Khoản 1, Điều 105 Luật Bảo vệ môi trường 2005 về thực hiện dân chủ cơ sở quy định, tổ chức, cá nhân quản lý khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ quan chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường có trách nhiệm công khai với nhân dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về tình hình môi trường, các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường và biện pháp khắc phục ô nhiễm, suy thoái bằng một trong các hình thức sau đây: tổ chức họp để phổ biến cho nhân dân, người lao động; thông báo, phổ biến bằng văn bản cho nhân dân, người lao động được biết. Đồng thời, luật cũng quy định một trong các biện pháp để giải quyết các vấn đề về môi trường là hình thức tổ chức đối thoại. Đây là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa phát sinh mâu thuẫn do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra. Theo quy định tại khoản 2, Điều 105 Luật Bảo vệ môi trường thì việc tổ chức đối thoại về môi trường phải được thực hiện trong các trường hợp sau: theo yêu cầu của bên có nhu cầu đối thoại; theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp; theo đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong trường hợp người dân sống xung quanh bệnh viện, là những người đang chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường do bệnh viện gây ra đã có yêu cầu đối thoại gửi cho UBND thị trấn, cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường thì căn cứ quy định nói trên, UBND thị trấn cần khẩn trương nắm tình hình và tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa người dân và lãnh đạo Bệnh viện càng sớm càng tốt. Kết quả đối thoại phải được ghi chính xác, trung thực thành biên bản ghi nhận các ý kiến, thỏa thuận, làm căn cứ để các bên có trách nhiệm liên quan thực hiện hoặc để xem xét xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định tại Ðiều 624 - Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 133 - Luật Bảo vệ môi trường 2005.

Tin cùng chuyên mục