Có quyết tâm, chưa đủ

ANTĐ - Lãnh đạo Bộ NN-PTNT từng lên án, buôn bán thực phẩm bẩn là có tội với cả dân tộc vì không những làm nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn đầu độc cả giống nòi, đầu độc tới thế hệ mai sau.

Dù đã có sự truy quét quyết liệt của cơ quan chức năng, đặc biệt sau khi Hà Nội và TP.HCM thành lập lực lượng thanh tra ATVSTP tại phường, xã, song càng đến gần Tết, các loại thịt gia súc, gia cầm bẩn, bốc mùi cùng với rất nhiều thực phẩm mất an toàn khác đang “tấn công” người tiêu dùng ở mức độ đáng báo động.

Lường trước vấn đề này, tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan mới đây, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt vi phạm ở mức cao nhất như đóng cửa, thu hồi giấy phép, thậm chí xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với hành vi sử dụng chất cấm, lạm dụng chất bảo quản, dùng hóa chất công nghiệp, các chất kháng sinh vượt liều lượng cho phép nhiều lần.  

Với sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Ban chỉ đạo 389 quốc gia cùng với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng từ cấp cơ sở, người dân hy vọng nạn buôn bán thực phẩm bẩn sẽ giảm rõ rệt hơn năm ngoái. Đương nhiên, đây là một cuộc chiến hết sức cam go, căng thẳng như chống buôn lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tuy nhiên, nỗi lo sợ, nói như một vị đại biểu Quốc hội: “Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”, cần phải được đẩy lùi. “Tư lệnh” ngành nông nghiệp đã thể hiện quyết tâm: “Đấu tranh với chất cấm trong chăn nuôi như đấu tranh với ma túy”. Không chỉ chất cấm mà tất cả các loại thực phẩm bẩn đều có thể gây hậu họa lâu dài đến giống nòi.

Quyết tâm của người đứng đầu ngành nông nghiệp phải trở thành hành động cụ thể, mạnh mẽ như yêu cầu của Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia: Phải nâng cao phẩm chất cán bộ, không thể thấy việc mà thờ ơ. Việc xảy ra địa bàn nào, người đứng đầu địa bàn phải chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, phải xử lý nghiêm khắc, kịp thời những cán bộ, công chức tiếp tay cho việc buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thực phẩm bẩn, mất ATTP. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu không đủ tiêu chuẩn thì phải đóng cửa, kể cả có phép mà vi phạm cũng phải đóng cửa. Chính quyền địa phương, một số lực lượng chức năng chưa vào cuộc tích cực. Một bộ phận cán bộ biến chất, tiếp tay, bảo kê, thờ ơ với lĩnh vực này cũng phải được xử lý nghiêm khắc.

Trong cuộc chiến này, rõ ràng là có quyết tâm vẫn chưa đủ. Còn phải có chế tài xử lý thật mạnh, có hành động quyết liệt của các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Bởi việc chống sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm bẩn không chỉ là để bảo vệ người dân, mà cần suy nghĩ đó là để bảo vệ giống nòi, bảo vệ các thế hệ mai sau của đất nước.