Có quyền rút yêu cầu xử lý hình sự ngay cả khi có cáo trạng truy tố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Sau khi uống rượu, gã hàng xóm kiếm chuyện rồi đánh tôi gây thương tích 16%. Mới đây, Viện Kiểm sát ra cáo trạng truy tố người đánh tôi, theo khoản 1, Điều 134-BLHS về tội “Cố ý gây thương tích”. Xin hỏi luật sư, bây giờ tôi có đơn đề nghị không xử lý hình sự người này có được không? Nguyễn Hồng Mây (Hưng Yên)
Luật sư Đặng Văn Sơn - VPLS Đặng Sơn và Cộng sự. Địa chỉ: Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội

Luật sư Đặng Văn Sơn - VPLS Đặng Sơn và Cộng sự. Địa chỉ: Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội

Luật sư trả lời: Theo quy định tại Điều 134 - Bộ luật Hình sự 2015: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Như vậy, người hàng xóm gây thương tích cho bạn 16% thường đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”, theo khoản 1 của điều luật trên và phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, việc Viện Kiểm sát truy tố người hàng xóm của bạn là đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, Điều 155 - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định cho phép người bị hại có thể rút yêu cầu khởi tố vụ án vào bất cứ giai đoạn tố tụng nào trong quá trình giải quyết vụ án, nhằm đảm bảo cho bị hại có nhiều thời gian để cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại trong việc đưa vụ án ra xét xử. Theo đó, điều luật này quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự (BLHS) khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần, thể chất hoặc đã chết.

Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.

Cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng theo mức độ vụ việc xảy ra. (Ảnh minh họa)

Cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng theo mức độ vụ việc xảy ra. (Ảnh minh họa)

Việc không giới hạn giai đoạn thực hiện quyền rút yêu cầu khởi tố giúp cho bị hại có thời gian cân nhắc để quyết định có yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội hay không, phù hợp với những sửa đổi, bổ sung trong chế định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 3, Điều 29 - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với các nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Cụ thể, khoản 3 - Điều 29 quy định: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Từ những quy định và phân tích nêu trên có thể khẳng định, nếu bạn tự nguyện có đơn đề nghị không xử lý hình sự đối với người hàng xóm đã gây thương tích cho bạn thì hoàn toàn được chấp chấp nhận, trừ khi bạn bị ép buộc hạy bị cưỡng ép.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.