Có quỹ cũng như không

ANTĐ - Nghịch lý giá xăng dầu đang tái diễn trên thị trường. Trong nhiều ngày qua, giá xăng dầu thế giới đang giảm mạnh, người tiêu dùng thấp thỏm mong giá bán lẻ trong nước giảm theo, nhưng điều đó không xảy ra mà bất ngờ tăng vọt với mức giá chóng mặt. 

Không ít chuyên gia nhận định, người dân lại tiếp tục è cổ trả thêm tiền, còn doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn “thản nhiên” ngồi hưởng lãi nhờ có Quỹ bình ổn giá. Sau hơn ba năm vận hành, quỹ này đang trở thành sự bất cập trong cơ chế, điều hành giá xăng dầu hiện nay. Quỹ được dùng vào mục đích bình ổn giá, khi giá xăng dầu trên thế giới tăng làm giá cơ sở tăng cao hơn giá bán lẻ, thì doanh nghiệp đầu mối được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Mức sử dụng quỹ phụ thuộc vào mức tăng giá thế giới và quyết định của tổ điều hành giá này. Thế nhưng qua nhiều lần điều chỉnh, hiện mức sử dụng quỹ đã cao hơn nhiều lần so với mức trích quỹ. Với mức trích quỹ hiện nay, một chuyên gia kinh tế cho rằng, lẽ ra giá xăng bán lẻ sẽ rẻ hơn 300 đồng/lít, song người dân vẫn phải trả thêm 300 đồng/lít để gây quỹ nhằm bù lại khi giá thế giới tăng.

Theo vị chuyên gia này, giá xăng dầu trong nước không thể nào điều chỉnh theo giá thế giới là vì Bộ Tài chính đang cho tính giá cơ sở trong 30 ngày. Đây là quãng thời gian quá dài khiến giá cơ sở càng lên xuống vênh quá nhiều so với giá thế giới. Chỉ khi nào chấm dứt sử dụng Quỹ bình ổn thì lúc đó mới có hy vọng điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo sát với tín hiệu thị trường. Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại cho rằng, không nên bỏ quỹ mà chỉ nên giảm mức sử dụng quỹ bởi gần một tháng nay, mức sử dụng quỹ đối với mặt hàng xăng dầu đang giữ ở mức quá cao là không hợp lý khi ở nhiều doanh nghiệp quỹ này đã cạn từ lâu.

Không đồng tình với việc vận hành quỹ bình ổn giá, một chuyên gia kinh tế chỉ rõ, hiện nay không có nước nào sử dụng quỹ này. Bản chất của quỹ là “đáng ra mua rẻ lại thành mua đắt để nhỡ sau này đáng ra mua đắt hơn thì lại mua đắt vừa vừa”. Bất cập hơn là, quỹ bình ổn giá lại giao cho doanh nghiệp quản lý nhưng việc chi dùng quỹ thì do Nhà nước điều hành. Giá xăng dầu được điều chỉnh rất nhiều lần trong một năm, biên độ điều chỉnh lớn. Như vậy, có quỹ cũng điều chỉnh mà không có quỹ cũng điều chỉnh, có quỹ cũng như không. Vừa trích quỹ lại vừa sử dụng quỹ, rõ ràng là gây phức tạp trong cách tính giá xăng dầu. Ở các nước, giá xăng dầu cao hay thấp chủ yếu phụ thuộc nguồn thu ngân sách Nhà nước từ các loại thuế, còn giá cơ bản gần như nhau với những nước phụ thuộc giá thế giới. 

Được biết, Bộ Tài chính đang xem xét sửa quy định về chiết khấu hoa hồng cho các đại lý, kinh doanh xăng dầu. Với mức chiết khấu mà doanh nghiệp đầu mối trích cho đại lý lên tới 700-800 đồng/lít xăng bán lẻ, nên bán được càng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu càng có lãi, thu lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi ngày. Đương nhiên là người tiêu dùng phải gánh những khoản chi phí hoa hồng “khủng” này.