Có quan chức “dọn chỗ” rất sớm trước khi nghỉ hưu

ANTĐ - Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III-2014 ngày 23-10, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong những trường hợp được ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ bổ nhiệm (cán bộ hàm cấp vụ và cấp phòng) có một số ít trường hợp trong quá trình công tác đã có khuyết điểm. Ngày 24-10, bên lề Quốc hội, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Có quan chức “dọn chỗ” rất sớm trước khi nghỉ hưu ảnh 1
- PV: Thưa ông, làm sao hạn chế được tình trạng trước khi về hưu, các quan chức ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm nhân sự hay kinh tế có lợi cho mình? 

- Ông Lê Như Tiến: Nên có quy định cấm cán bộ lãnh đạo, quản lý trước khi nghỉ hưu ký quyết định về nhân sự hay công trình đầu tư, dự án. Đây là biện pháp phòng ngừa cần thiết. Khi chúng ta chưa có quy định chặt chẽ của pháp luật thì vẫn tồn tại những kẽ hở và hiện tượng này sẽ tái diễn. Bên cạnh việc xử lý nghiêm, các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.

- Tới nay, vẫn chưa có kết quả xác minh khối tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ?

- Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc, chúng ta không thể nói mà thiếu căn cứ. Sự vào cuộc đó cần khẩn trương bởi căn cứ pháp lý của khối tài sản đấy không quá phức tạp.  Nếu đó là tài sản mồ hôi nước mắt hoặc của người thân ở nước ngoài gửi về thì ông Trần Văn Truyền vô can. 

- Cần phải làm gì để chống tham nhũng được triệt để, thưa ông?

- Muốn làm tốt công tác phòng chống tham nhũng cần phải làm rõ 2 việc: minh bạch tài sản và nghĩa vụ giải trình. Nếu không làm tốt phải quy trách nhiệm người đứng đầu. Để kiểm soát được tài sản tăng thêm của quan chức, trước tiên là phải trung thực trong kê khai tài sản. Cấp trên phải kiểm soát được. Lâu nay chúng ta có kê khai nhưng không công khai. Phải công khai ở nơi cư trú và nơi công tác. Việc này sẽ phát huy được hiệu quả giám sát của nhân dân. Khi có tài sản chuyển dịch cho người thân, hoặc chuyển tiền ra nước ngoài thì đó là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

- Cần có các quy định để quản lý cán bộ cao cấp sau khi nghỉ hưu?

- Công dân bình thường còn phải quản lý nói gì cán bộ cao cấp. Vừa rồi có một số quan chức sau khi nghỉ hưu lại ngồi vào vị trí có vẻ “thơm thảo” hơn, thu nhập lớn hơn. Họ có sự chuẩn bị từ rất sớm, rất kỹ lưỡng, bố trí mua bán, tham gia cổ đông nhiều công ty để sau này hưởng lợi. Có những doanh nghiệp thuộc bộ chủ quản mua đến hàng vạn cổ phần cho các quan chức lãnh đạo. Những cổ phần, tài sản này được đứng tên con, cháu, người thân. Đây là một hình thức chuyển dịch tài sản tinh vi, nếu không có quy định chặt chẽ rất khó xử lý.

Tin cùng chuyên mục