Cổ phần hóa chậm do lãnh đạo doanh nghiệp... "sợ trách nhiệm"

ANTD.VN - Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân của việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ là do số lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai cổ phần hóa, thoái vốn.

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tháng 7-2017 có 7 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Lũy kế 7 tháng năm 2017 đã có 26 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; trong đó, 7/44 doanh nghiệp thuộc danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa năm 2017, số còn lại thực hiện theo Quyết định phê duyệt giai đoạn 2011- 2016.

Tổng giá trị thực tế của 26 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 71.880 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 18.368 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 26 đơn vị là 22.633 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.063 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 6.528 tỷ đồng, bán cho người lao động 156 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 16 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.869 tỷ đồng.

Việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước còn chưa đạt tiến độ (Ảnh minh họa)

Về thoái vốn, theo Cục Tài chính doanh nghiệp thì các đơn vị đã thoái được 3.693 tỷ đồng, thu về 15.770 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 7 tháng năm 2017).

Cụ thể, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm đạt 103 tỷ đồng, thu về 103 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác đạt 2.195 tỷ đồng, thu về 3.428 tỷ đồng.

Trong đó, SCIC đã bán vốn tại 20 doanh nghiệp với giá trị là 1.394 tỷ đồng, thu về 12.238 tỷ đồng (đã bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk).

Theo đánh giá của Cục Tài chính doanh nghiệp, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ. Lý giải cho tình trạng này, Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng là do số lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai cổ phần hóa, thoái vốn.

Cùng với đó, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán Nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.

Việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm. Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chậm thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán đã hồi phục xong vẫn chưa thực sự thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước những tháng cuối năm 2017, Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng cần giao Bộ Công Thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1/12/2017.

Hoàn thiện phân công, phân cấp việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, ngành, địa phương đối với vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp. Đồng thời có cơ chế, chế tài để các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ được phân công, phân cấp.

Nghiêm túc thực hiện cổ phần hoá và thoái vốn theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản và đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục