Cố NSND Y Moan: Cháy đến giọt sống cuối cùng

ANTĐ - Cũng vào độ này cách đây 2 năm, dường như còn bao nhiêu nước của những ngày tận cùng mùa mưa Tây Nguyên, ông trời đã trút xuống để tiễn đưa chàng Đam San đương đại - NSND Y Moan về với rừng già. Để rồi mỗi khi những dạt hoa dã quỳ bắt đầu lấm chấm vàng trên xứ sở bazan thì ký ức về chàng nghệ sỹ thiên bẩm đã khắc tạc Tây Nguyên huyền thoại bằng âm nhạc lại bừng trở dậy…

Cố NSND Y Moan: Cháy đến giọt sống cuối cùng  ảnh 1
Y Moan “cháy” trong đêm diễn cuối cùng
Ơi! M’Drak… Thảo nguyên M’Drak (buôn M’Drak, huyện M’Drak, Đắk Lắk) bao la, hoang dã với những “đàn bò đùa nắng tung tăng mặt trời” đã sinh ra nghệ sỹ người Ê Đê tài năng thiên bẩm vào ngày 6-9-1957; nói như nhạc sỹ Trần Tiến thì “Không biết cao nguyên 100 - 200 năm nữa có còn ai như Y Moan - tiếng hát đặc biệt, hoàn toàn của rừng già”. Bởi khi cái bụng đã ưng nước suối K’rông Jin, đôi tai bị thôi miên khi tiếng khèn Đinh Năm du dương, mắt đã mòn đỉnh ChưPrông và bàn tay sạn chai vì nắng, gió trên khắp nương rẫy cà phê… thì Y Moan như có bổn phận phải hát thật quên mình, cháy lịm đến giọt sống cuối cùng để trả lại những gì mà M’Drak đã thai nghén ra anh. Và anh đã kể về Tây Nguyên với gia tài khởi thủy là giọng hát. “Tôi sinh, sinh từ nơi đây, cha tôi cũng sinh từ nơi đây... Ơi M'Drak, M'Drak ơi/Tôi đi khắp đất trời xa xôi, không nơi nào như quê tôi... Ơi M'Drak... M'Drak ơi...”, Y Moan đã kể câu chuyện về quê hương mình cách đây 25 năm khi ra Hà Nội thu âm bài hát này cho bộ phim về Tây Nguyên. Đến giờ thì giọng hát ấy, lời hát ấy vẫn tuôn chảy như con suối nguồn Tây Nguyên, như tiếng thác giữa đại ngàn đầy day dứt mà da diết; hoang dại mà chất chứa trữ tình, run rẩy… để thủ thỉ cho mọi người về miền đất anh đã cất tiếng khóc chào đời, khiến tôi không thể nguôi dứt và ám ảnh với “Ơi! M’Drak”.   Năm 1981, lần đầu tiên nhạc sỹ Nguyễn Cường đến với Tây Nguyên và gặp Y Moan. Họ đã cùng nhau cắt tay cho máu hòa vào chén rượu và uống cạn, kết nghĩa anh em. Và chính từ thời điểm ấy, nhạc sỹ Nguyễn Cường đã làm một lộ trình bản sắc, bền bỉ với Tây Nguyên và tên tuổi của Y Moan được thăng hoa từ đó. Giọng hát của Moan vững chãi tựa non cao, khi lại hùng tráng như ầm ầm thác lũ, lúc chứa đầy khát khao mãnh liệt của chàng Đam San đi bắt nữ thần Mặt trời... bởi giọng hát ấy, con người ấy đã chất chứa trầm tích văn hoá Tây Nguyên.  Y Moan tự nhiên, hoang dã. Khi không hát anh lại lên rẫy trồng cà phê, dứt khoát không bỏ Tây Nguyên về thành phố, bởi anh yêu tha thiết mảnh đất này. Và chất Tây Nguyên chính hiệu đó đã giúp anh chuyển tải một cách bản năng nhất, chân chất nhất, tinh tế nhất chất lửa Tây Nguyên, sợi tình Tây Nguyên trong giọng hát của mình. Live show cuối cùng… “Ngọn lửa cao nguyên” diễn ra vào ngày 6-8-2010 tại Nhà hát Lớn Hà Nội là liveshow đầu tiên cũng là liveshow cuối cùng khép lại 35 năm ca hát của NSND Y Moan. “Ngọn lửa cao nguyên” không còn ngùn ngụt cháy, hoang hoải cháy như Y Moan của thời trai trẻ hát giữa đại ngàn, thảo nguyên mênh mông, nhưng sức nóng lại lan tỏa, được truyền đi một cách mãnh liệt và thật lạ lùng vào đêm ấy. Nóng nhưng nước mắt vẫn tuôn chảy, nước mắt của nhân vật chính đang làm tiếp cuộc hành trình về đất mẹ Tây Nguyên, nước mắt của người thân, bạn bè anh và của khán giả đang lặng nghe anh đàn, hát, sẻ chia. Không kể về Tây Nguyên ở buôn làng, mà anh đã chọn Thủ đô làm nơi tâm tình. Bởi chính những ngày sống và học tập tại mảnh đất kinh kỳ “Y Moan đã biết ăn cơm bằng đũa, biết đánh đàn, biết hát đúng cách, biết nhìn ánh sáng” và tôi hiểu, ở đó còn là quê hương của nhạc sỹ Nguyễn Cường mà trọn đời Y Moan biết ơn vô hạn, và khán giả Hà Nội đã tha thiết và cháy hết mình với Y Moan.  Ca khúc “Giấc mơ Cha Pi” đã mở màn cho đêm biểu diễn của Y Moan. Khi tỉa những nốt nhạc dạo đầu tiên, cả khán phòng Nhà hát Lớn trào dâng tràng vỗ tay không dứt, đó không chỉ là sự cổ vũ, khích lệ mà còn là sự tin phục và trân trọng dành cho anh. “Ở nơi ấy đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi/ Một mái tranh nghèo/Một nhà sàn đơn sơ… Họ đã sống không mùa đông/Không mùa nắng mưa/ Chỉ có một mùa/Yêu nhau…”, tiếng hát của Y Moan vẫn ngân rền, âm vang trên nền nhạc, anh đang gom tất cả sức lực của mình để có thể hát giữa mọi người… lần cuối. Những quãng cao, thỉnh thoảng anh ngửa cổ khó nhọc để lấy hơi. Và đôi chỗ, người nghệ sỹ đã không thể lên tông nổi, cứ mặc tiếng đàn buông trôi… Chẳng ai cưỡng nổi quy luật nghiệt ngã của tạo hóa và con mãnh thú cao nguyên cũng bị quây tròn bởi vòng tục lụy ấy, nhưng anh đã kịp để lại cho đời trọn vẹn chữ tâm và chữ tài của một nghệ sỹ đích thực, mà đến tạo hóa cũng phải ghen tỵ. Chưa đầy 2 tháng sau đêm diễn đó, ngày định mệnh 1-10, Y Moan vĩnh viễn về với thế giới của gió, của đại ngàn, của suối rừng và thảo nguyên bao la. Về với sự vĩnh cửu, chẳng có gì có thể ngăn anh thôi hát nữa...

“Cuộc đời tôi vừa được ca hát, vừa trồng cà phê, vừa được sống giữa núi rừng, sống với thiên nhiên. Người ta vẫn hỏi tôi, tại sao không dời nhà về thành phố, tại sao không đi diễn nhiều, tại sao không làm kinh tế, câu trả lời của tôi rất giản dị, tôi yêu cuộc sống ở cao nguyên, tôi yêu thiên nhiên quê mình, tôi thích cách sống như vậy, và dù không biết đó có phải là lựa chọn đúng hay không, nhưng tôi không bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình”. (Y Moan)