Có nên làm mới tượng đài Vua Quang Trung?

ANTĐ - Hôm qua, 4-6 dưới sự chủ trì của UBND quận Đống Đa một cuộc hội thảo bàn về phương án tu bổ tôn tạo di tích gò Đống Đa đã được tổ chức. Đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm khánh thành, Công viên văn hóa Đống Đa được đưa ra bàn thảo. Hiện dự án tu bổ tổng thể đã được đề xuất, tuy nhiên, để thực hiện, theo các chuyên gia đầu ngành về lịch sử thì “còn phải sửa và cân nhắc nhiều”.

Công viên - di tích: Hai trong một

Theo đánh giá thực trạng của đơn vị tư vấn thiết kế là Viện Bảo tồn di tích thì gò Đống Đa hiện có diện dích hơn 6.000m2. Trên gò có Trung Liệt miếu (hay còn gọi là đền Trung Liệt) nay chỉ còn dấu tích nền móng. Trong quần thể gò Đống Đa còn có các công trình quan trọng khác là tượng đài Vua Quang Trung, phù điêu, sân lễ hội… Sau tròn 23 năm xây dựng, các hạng mục này đều đang bị xuống cấp. Một số phần đất xung quanh được cho thuê để kinh doanh. Trên thực tế, hiệu quả phát huy giá trị của khu công viên này chưa cao.

Xuất phát từ thực tế, Viện Bảo tồn di tích (đơn vị tư vấn) và chủ đầu tư là Công ty CP XNK Tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO) đưa ra hướng bảo tồn với các phương án như: Thứ nhất, giữ nguyên khu tượng đài Vua Quang Trung nhưng phục dựng lại miếu Trung Liệt tại vị trí cũ trên đỉnh gò. Mở rộng và cải tạo lối vào di tích hiện nay, dựng lại cổng vào. Sân phía trước gò tôn tạo thành sân lễ hội. Quy hoạch lại cây xanh, cảnh quan cho phù hợp với tính chất khu di tích.

Phương án 2, tu bổ lại tượng Vua Quang Trung (chất liệu bê tông) bằng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, khắc phục hư hại về kết cấu, đảm bảo tồn tại lâu dài. Di chuyển các phù điêu tượng đài cho phù hợp quy hoạch mới. Trên đỉnh gò sẽ là một lầu bát giác, vừa là điểm nhấn, vừa lưu giữ dấu tích Trung Liệt miếu. Một đền thờ Vua Quang Trung sẽ được xây dựng giáp với đường Đặng Tiến Đông. Tôn tạo lại cổng phía đường Tây Sơn, cổng này sẽ trở thành cổng chính. Du khách bắt đầu tham quan từ đây, qua chứng tích gò Đống Đa, rồi đến quần thể đền thờ và tượng đài. Đơn vị tư vấn thiết kế cũng đề xuất một phương án khác (tạm gọi là phương án thứ 3) là quy hoạch lại tượng đài, biến tượng đài mới và đền thờ Vua Quang Trung thành một quần thể. Đền quay về hướng Nam - Đông Nam, phía trước là tượng đài quay về hướng Bắc. Lối vào chính từ đường Đặng Tiến Đông đối diện là các phù điêu thể hiện sự kiện lịch sử đã diễn ra tại nơi đây từ mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789.

Những ý kiến trái chiều

Theo ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, tượng Vua Quang Trung là một trong số ít tượng đài đẹp của Hà Nội, nhưng chất liệu tượng không tốt, cũng như quy hoạch ở đây còn có phần lỡ dở. Việc sửa sang lại Công viên Văn hóa Đống Đa cũng là việc nên làm, nhưng chọn phương án phải kỹ lưỡng và thấu tình đạt lý. Vì đã từ nhiều chục năm nay, người dân đã quen với một gò Đống Đa như bây giờ. Quan trọng nhất hiện nay là vị trí đặt tượng, có thể xoay tượng ra một vị trí khác. Do hoàn cảnh, cho đến thời điểm này chưa phục dựng được đền Trung Liệt cũng là điều khiến nhiều người dân Thủ đô thấy áy náy.

 Ông Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, tượng hiện xây bằng chất liệu bê tông cốt thép nên đã xuống cấp rất mất thẩm mỹ. Vì thế, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa ( Bộ VH-TT&DL) đề xuất chỉnh trang lại tượng bằng chất liệu bền vững hơn. Đồng thời, nghiên cứu lại vị trí đặt tượng theo hướng nhìn thẳng ra đường Đặng Tiến Đông, tạo điểm nhấn giữa đền thờ Quang Trung sẽ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống. Đặt tượng ở đó sẽ tạo được góc nhìn rộng suốt dọc đoạn đường chạy qua di tích. PGS. Vương Học Bảo (nguyên Trưởng khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật) cũng đề xuất thay đổi chất liệu tượng, có thể là đồng, vì tính bền vững cao, an toàn, khả thi, đảm bảo về nghệ thuật. Tuy nhiên, PGS. Vương Học Bảo lại cho rằng không nên thay đổi vị trí đặt tượng, vì hiện tại, tượng được đặt ở vị trí có hướng ánh sáng tốt.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết, chỉ “tán thành” một phần tinh thần của phương án một gói trong mấy chữ ở tiêu đề “giữ nguyên hiện trạng”, không chỉ tượng đài mà là tổng thể công viên. Giáo sư Lê Văn Lan sau khi đưa ra nhiều chứng cứ lịch sử chứng minh, đền Trung Liệt không liên quan gì đến nghĩa quân Tây Sơn cũng như Vua Quang Trung, vị giáo sư khẳng định: “Việc chủ đầu tư cho dựng một ngôi đền trong khu di tích nhằm làm tăng tính thiêng cho nơi này, nhưng với kinh nghiệm làm bảo tồn bảo tàng nhiều năm qua cũng đã cho thấy, có nhiều cách để tạo ra (hoặc tăng cường) tính thiêng cho di tích chứ không có mỗi một điều, muốn thiêng thì xây đền thờ… Vấn đề ở đây là quản lý khai thác chứ không phải thiếu một cái đền”. Giáo sư Lê Văn Lan cũng khuyên chủ đầu tư và đơn vị quản lý Công viên Văn hóa Đống Đa, nếu đầu tư tu bổ mà chưa có sự hiểu thấu, kỹ lưỡng về lịch sử e sẽ góp thêm vào “phong trào” (thực ra là đại họa) đang được gọi là: “tu bổ tôn tạo”. 

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Tuân (Trưởng ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội) lại cho rằng, không nên di chuyển tượng đài Vua Quang Trung vì tượng đang yên ổn, thanh bình, hà cớ gì mà phải thay đổi. Còn chuyện phục dựng đền Trung Liệt, TS. Nguyễn Doãn Tuân cho rằng, toàn bộ nền móng đền còn nguyên vẹn nếu dựng lại, hãy dựng trên nền đền cũ. Song điều cần thiết bây giờ là nghiên cứu lại lịch sử, bởi dựng đền xong thì thờ ai?