Có nên hạ chuẩn cho đủ hướng dẫn viên?

ANTĐ - Không giống như hướng dẫn viên nội địa, theo quy định của Luật Du lịch 2005, để được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế, người lao động bắt buộc phải tốt nghiệp đại học. Trong đó, họ sẽ phải đáp ứng một trong các điều kiện: hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác trở lên và có thẻ hướng dẫn viên nội địa; hoặc nếu tốt nghiệp đại học ngành du lịch trở lên nhưng không thuộc chuyên ngành hướng dẫn du lịch thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch… Cùng với đó là chứng chỉ ngoại ngữ tương đương. 

Có nên hạ chuẩn cho đủ hướng dẫn viên? ảnh 1Ngành Du lịch sẽ phải có phương án giải quyết bài toán thiếu hụt hướng dẫn viên 

Đây được coi là mức chuẩn tương đối cao so với mặt bằng chung. Với mức chuẩn này, trong một thời gian ngắn, Việt Nam khó có thể chuẩn bị đủ số lượng hướng dẫn viên để cung ứng cho thị trường, nhất là khi lượng khách quốc tế ngày càng tăng. Bởi, với gần 8 triệu lượt khách quốc tế vào Việt Nam và 6 triệu khách từ Việt Nam ra nước ngoài, thì ngành du lịch Việt Nam cần ít nhất khoảng… 25.000 hướng dẫn viên. Trong khi, mỗi năm trường Đại học KHXH&NV chỉ đào tạo khoảng 150 sinh viên chuyên ngành du lịch hệ chính quy, còn trường Đại học Công nghiệp xấp xỉ 600 sinh viên… Rất khó để bổ sung cho con số 10.000 hướng dẫn viên hiện tại.

Sự thiếu hụt trầm trọng này dẫn đến nhiều hệ quả, trong khi công ty lữ hành “giật gấu vá vai”, các hướng dẫn viên quay vòng vẫn không đủ sức chạy tour thì ngày càng nhiều hướng dẫn viên “chui” ngang nhiên hoạt động tại Việt Nam. Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lữ hành, ngành Du lịch cũng đề xuất và lấy ý kiến về phương án thay đổi điều kiện đối với hướng dẫn viên quốc tế theo hướng cởi mở hơn và điều này đã được đưa vào dự thảo Luật Du lịch sửa đổi để trình Quốc hội dự kiến vào tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, điều này đang nhận được ý kiến trái chiều từ phía nhà đào tạo và doanh nghiệp du lịch. 

Theo một cuộc thăm dò ở trang web của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) tính đến ngày 20-7, có 56% số người được hỏi ủng hộ bỏ điều kiện phải tốt nghiệp đại học khi cấp thẻ hướng dẫn viên đối với các nhóm ngoại ngữ hiếm (Hàn, Thái, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Đức, Nga…). Tuy nhiên, có khoảng 32% số người được hỏi không ủng hộ. 

Rõ ràng, ngành Du lịch không muốn làm theo kiểu “ăn xổi”, nhưng để giải quyết bài toán nhân lực, ngành Du lịch sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi tính đến phương án “hạ chuẩn” để bổ sung đội ngũ hướng dẫn viên vốn đang hết sức khan hiếm hiện nay.