Có nên điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo các chuyên gia lao động, đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm hay 10 năm là phương án tốt cho người lao động. Tuy nhiên, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội có thể kéo theo mức hưởng lương hưu thấp, cho nên cần cân nhắc thận trọng.

Tại dự thảo tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm lớn của các chuyên gia cũng như người lao động.

Ủng hộ đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, chị Nguyễn Thị Hải Yến (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều lao động ở công ty tôi phải giảm thời gian làm việc, có người phải nghỉ việc.

Chưa có việc làm, không có thu nhập, nhiều người đã tính đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải sinh hoạt trước mắt.

Thu nhập bấp bênh về già được hưởng lương hưu là mong mỏi của tôi cũng như đa số người lao động. Chính vì vậy, nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để nhận lương hưu được rút ngắn còn 15 năm hay 10 năm thì người lao động sẽ có nhiều cơ hội hơn, không phải lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần nữa."

Theo các chuyên gia lao động, đề xuất giảm thời gian đóng BHXH còn 10 hay 15 năm là phương án rất tốt dành cho người lao động.

Đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên việc điều chỉnh thế nào cần có lộ trình và tính toán phù hợp.

Chia sẻ quan điểm về đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết, khi tham gia góp ý vào Nghị quyết 28-NQ/TW, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã từng đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu.

Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ khiến nhiều người lao động có thể tiếp cận với chính sách lương hưu, đảm bảo an sinh xã hội.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cũng cho rằng, đề xuất trên đưa ra là nhân văn. Thực tế có rất nhiều trường hợp người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội muộn, đến tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội mới khoảng 10 năm.

Nếu chi trả bảo hiểm xã hội một lần thì không đúng mục tiêu của lương hưu là bảo đảm cho người nghỉ hưu hằng tháng có một khoản để chi trả cuộc sống. Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội về hưu còn tạo ra động lực, khuyến khích lao động tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Huân cũng lưu ý, khi rút ngắn thời gian đóng còn 15 năm hay 10 năm thì mức hưởng sẽ giảm đi, lương hưu vì vậy rất thấp. Về lâu dài, nên khuyến khích người lao động đóng tích lũy nhiều năm để sau này hưởng mức lương hưu cao hơn.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu.

Mức hưởng hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng theo quy định.

Việc quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ và quá dài dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội trước tuổi nghỉ hưu khá lớn, nhất là những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Hệ luỵ lâu dài của thực trạng này là người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực đơn lẻ để bảo đảm an sinh, chăm sóc y tế.

Do đó, theo Bộ LĐTB&XH, việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, phương án này cũng sẽ khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống, làm tăng nguồn thu vào quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn và trung hạn; nguồn chi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng sẽ tăng.

Theo Bộ LĐTB&XH sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia và tầng lớp nhân dân, Bộ sẽ tổng hợp ý kiến để trình Chính phủ dự kiến vào tháng 7 tới. Dự thảo sửa đổi luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua trong các kỳ họp năm 2022 và năm 2023. Thời gian luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 1/1/2024.