Có nên dạy con kiểu "Yêu cho roi cho vọt!?"

ANTĐ -Thời gian qua, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng nghiêm trọng, phức tạp hơn và đã trở thành một vấn đề xã hội cấp bách. Chưa bao giờ dư luận xã hội lại thấy bức xúc trước vấn nạn bạo hành trẻ em như lúc này.

Có nên dạy con kiểu "Yêu cho roi cho vọt!?" ảnh 1
Nhiều trẻ em trở thành tội phạm do lớn lên trong bạo lực


Yêu con thì yêu bằng roi!!

Trong xã hội hiện nay, nhiều gia đình vẫn còn giữ cách nuôi dạy con cái bằng đòn roi. Có những ông bố bà mẹ luôn “Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với con cái mình bất cứ khi nào họ bực tức. Mới đây, tại phố Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhiều người dân đã tức mắt khi chứng kiến cảnh một bà mẹ trẻ đánh con trai khoảng 3 tuổi, đứa bé vừa khóc vừa chạy, bà mẹ chạy theo vừa tát, vừa dúi đầu con xuống đất, miệng thì quát tháo ầm ĩ cả khu phố “Mày có câm mồm không?...”. Một đứa trẻ 3 tuổi có thể hiểu được những lời quát mắng của người mẹ! Hay chỉ thấy đau và khiếp sợ! Khi tìm hiểu ra cơ sự của hành động đánh con của bà mẹ này nhiều người không khỏi ngạc nhiên, chỉ vì con đòi mua kẹo, mẹ không mua, con lăn ra khóc, bà mẹ liền đánh chửi con té tát trước chỗ đông người.

Đành rằng các cụ ngày xưa có câu “Yêu cho roi vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, nhưng dường như hiện này nhiều ông bố, bà mẹ đang “Yêu con” quá đà. Thạc sĩ Đỗ Thu Hằng, giảng viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng: Câu nói ấy không nên hiểu theo nghĩa đen là cứ bằng đánh con thật lực mới là yêu, ý là dạy con thì không chỉ bằng tình cảm, mà phải coi trọng kỷ luật. Trước kia các cụ nhà ta theo lối giáo dục phong kiến, chỉ có roi vọt là hình thức kỷ luật. Còn nay ngày khoa học giáo dục phát triển, người thầy và các bậc cha mẹ hiểu biết có biết bao nhiêu hình thức kỷ luật thay thế rồi. Bởi đánh con là xâm phạm thân thể trẻ, để lại vết thương cả về thể xác và tâm hồn trẻ... Dùng roi vọt đánh trẻ có nghĩa là cha mẹ thiếu hiểu biết, cổ hủ, lạc hậu lắm... Và cũng có thể là bất lực vì không tìm ra giải pháp thay thế”.

Hành động khóa cửa dùng roi vọt, gậy gỗ, dây xích sắt để tra tấn con mình đến hằn những vết thương bầm tím, vết sẹo này chồng nối vết sẹo kia …Có những người sẵn sàng bạo hành với con thơ của mình như sự tra tấn thời trung cổ. Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên sự tàn nhẫn của người cha tẩm xăng và đốt người con trai mới 3 tuổi ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Hay mới đây thôi, người dân lại bức xúc và phẫn nộ trước hành động tàn bạo của người cha bạo hành con gái 10 tuổi ở huyện Từ Liêm, Hà Nội. Người cha nhốt con gái trong nhà đánh đến tím tái mặt mày, người đầy những vết roi rướm máu. Sự việc này đã diễn ra suốt một thời gian dài trước khi bị phát giác.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, việc cha mẹ đánh con cái tàn bạo như vậy thể hiện sự bất lực cho cha mẹ trong việc giáo dục con cái, họ đã không chuyển giao được mục đích giáo dục của mình vào con cái. Nhiều bậc cha mẹ có cái “tôi” quá lớn, đánh con cho bõ tức, nhưng thực chất đang thể hiện cơn cuồng lộ, độc đoán, hằn học, rối loạn mất phương hướng...Đánh con như vậy như đang đánh vào chính tương lai của các ông bố, bà mẹ.

Mối hiểm họa cho xã hội

Đằng sau tất cả những hành động tàn nhẫn của những ông bố, bà mẹ ấy là thảm cảnh của một gia đình tan vỡ. Tế bào của xã hội đã và đang có những vấn đề, những rạn nứt và đổ vỡ…Nó giống như tế bào trong cơ thể của một con người. Khi một tế bào bị nhiễm bệnh thì chính nó là nguy cơ làm cho cơ thể chúng ta suy kiệt, ốm yếu. Không những thế, việc bạo hành con cái đang trở thành mối nguy cho xã hội. Những đứa trẻ lớn lên trong bạo hành, thường có tâm lý “lệch chuẩn” trong cuộc sống.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình: “Nhiều đứa trẻ lớn lên trong sự bạo hành của cha mẹ thường tôn phục, tôn thờ sự cuồng bạo đó hoặc thù hận cha mẹ. Nếu đứa trẻ không trả thù được bố mẹ, nó sẽ trả mối hận thù đó vào người khác. Sự bạo hành có thể thu chột đứa trẻ, làm cho con trẻ phát triển lệch chuẩn”.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, cho biết: “Rất nhiều đứa trẻ lớn lên trong sự bạo hành dã man của cha mẹ trở thành tội phạm trong xã hội. Hành vi của những đứa trẻ đó khi phạm tội thường rất lạnh lùng, cuồng bạo như chính những gì mà cha mẹ những đứa trẻ đó đã “gieo” vào tâm hồn và thể chất của chúng. Khi thực hiện những hành vi phạm tội dã man những đứa trẻ đó mới cảm thấy thoản mãn”.

Như vậy có thể thấy, những câu chuyện về sự bạo hành của những bậc phụ huynh đối với con cái không chỉ đơn thuần là câu chuyện của một gia đình đơn lẻ, nó đang là mối nguy hiểm cho xã hội, là gánh nặng cho toàn xã hội, mà trách nhiệm đầu tiên chính là cha mẹ, gia đình.