Có nên chi mạnh tay?

ANTĐ - Nền kinh tế đang phải đối mặt với cân đối lớn về ngân sách. Mức bội chi và dư nợ đang tiệm cận tới giới hạn thiếu an toàn. Tình hình thu ngân sách rất căng thẳng, nhu cầu chi cho đầu tư phát triển cũng rất cấp bách và theo Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, việc sử dụng đồng tiền hiệu quả chưa cao “sờ đâu cũng thấy lãng phí, thất thoát”. Thu ngân sách 9 tháng qua chỉ đạt mức 66,6% dự toán, trong khi chi tiếp tục cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 cho biết, nét nổi bật đã đạt được là kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát giảm, nhập siêu không đáng kể. So với tháng 12-2012, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 vừa qua tăng 4,63% là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Ghi nhận những kết quả đã đạt được là rất đáng mừng, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, cần phải phân tích sâu hơn mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội có giữ được mức tăng trưởng hợp lý hay không. Một trong những điểm cần phân tích thêm là “những điểm sáng nhưng chưa thật sáng”. Chẳng hạn tình hình giải quyết việc làm, tuy năm 2012 đạt 1,52 triệu việc làm, năm 2013 là 1,54 và dự kiến năm sau giữ ở mức 1,6 triệu, trong khi tăng trưởng kinh tế, đầu tư xã hội trên GDP giảm sút thì thực chất vấn đề lao động là gì. Thực tế phản ánh bức tranh việc làm khá rõ: thiếu việc làm ở nông thôn có xu hướng tăng, theo báo cáo tỷ lệ thất nghiệp giảm, nhưng thực ra là do lao động ở khu vực chính thức đã chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức. 

Trong khi đó, nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Còn một điểm cần làm sáng tỏ hơn là tình hình doanh nghiệp Nhà nước, mặc dù được hỗ trợ nhiều ưu đãi, nhưng trong giai đoạn kinh tế khó khăn, khu vực kinh tế này chưa thực sự bật lên, tạo bước đột phá. Ý kiến của ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội lần này, cử tri và doanh nghiệp mong đợi cần phải làm rõ một số chủ trương chính sách đã ban hành và việc triển khai thực hiện đã đạt được kết quả đến đâu? Ví như việc thực hiện gói kích cầu nhà ở 30.000 tỷ đồng, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho… có thể kết quả chưa đạt được như mong đợi, tuy nhiên về phía người dân và doanh nghiệp sẽ thấy được các cơ quan chính phủ đã làm được những gì và vì sao chưa làm được việc gì. Điều này có tác động lan tỏa và củng cố lòng tin của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp. 

Không phủ nhận những điểm sáng trên “bức tranh” kinh tế ngày càng rõ về cuối năm, song một số chủ nhiệm ủy ban, hội đồng của Quốc hội lưu ý rằng, trong khi nguồn thu khó khăn, ngân sách căng thẳng phải hết sức thận trọng trong chính sách tài khóa. Nếu chi mạnh tay lúc này có thể khiến lạm phát quay trở lại, “đụng” đến nguồn lực kinh tế và toàn bộ cuộc sống. Có nên chi mạnh tay hay không? Vì muốn chi thì phải đi vay và dẫn đến ảnh hưởng sự an toàn của nợ công.