Có một thời Hà Nội quật cường và hào hoa

ANTD.VN - 95 tuổi, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) vẫn còn rất minh mẫn. Ký ức về 60 ngày đêm Hà Nội sục sôi khí thế “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của 70 năm trước vẫn còn in đậm trong tâm trí người chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô năm xưa.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm chia sẻ ký ức về Hà Nội 60 ngày đêm

Tấm lòng người dân Thủ đô với kháng chiến

Sống cùng lịch sử dân tộc, chứng kiến giờ phút khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời cũng là người kinh qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm luôn trân trọng những ngày đất nước hòa bình và máu xương đã đổ xuống cho Tổ quốc được độc lập, tự do.

Trực tiếp cầm súng chiến đấu trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô, chính vì thế, các câu chuyện gắn với Ngày Toàn quốc kháng chiến luôn đọng lại trong ông tinh thần hào sảng, ý chí quật cường và hòa hoa của người Hà Nội. 

Để đáp trả lại sự gây hấn của thực dân Pháp tại nhiều nơi trong thành phố, quân và dân Thủ đô đã giăng khẩu hiệu đanh thép: “Sống chết với Thủ đô”. Không chỉ vậy, cuộc họp nhận chỉ thị của Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội đối với cán bộ Tự vệ đã trở thành lễ tuyên thệ “Thề quyết tử bảo vệ Thủ đô” vào sáng 19-12-1946.

Người Hà Nội đã ý thức được cuộc chiến đấu sắp diễn ra nên chủ động tích trữ lương thực và giúp đỡ bộ đội lúc khó khăn. Điều đó tạo điểm tựa rất lớn để các chiến sỹ tự vệ bám thành trong suốt 60 ngày đêm. 

Cũng giống như bao chàng trai cô gái của Hà Nội thời gian ấy, trước tình thế khó khăn của đất nước đang phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, chàng trai 24 tuổi Nguyễn Trọng Hàm, nhà ở phố Hàng Thiếc dù chưa một lần biết tới súng ống, dao găm nhưng đã làm đơn tình nguyện gia nhập Trung đoàn Thủ đô.

Tại đây, ông đã được chứng kiến tinh thần chiến đấu quả cảm của các chiến sỹ Hà Nội. 70 năm đã qua đi, nhưng trong hồi ức của ông vẫn vẹn nguyên khí thế sôi sục của Hà Nội một thời đạn bom và anh hùng.

Tiếng cuốc đào đường, tiếng xe bò chở đất, cát, gạch đắp ụ hối hả hay hình ảnh những chiếc xe điện bị lật nhào ở các ngã ba, ngã tư thành phố, bàn ghế, sập gụ, tủ chè, hòm xiểng được đưa ra làm chướng ngại vật ngăn bước tiến của Thực dân Pháp, thể hiện tấm lòng người dân Thủ đô với kháng chiến vẫn hiển hiện trong tâm trí ông. 

Quân dân Thủ đô đào hầm sẵn sàng chiến đấu - Ảnh: Tư liệu

Chiến công nối tiếp chiến công

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm chia sẻ, dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế và vũ khí thô sơ nhưng chính sự chủ động của quân và dân Thủ đô đã làm quân Pháp bất ngờ. Những công trình, tòa nhà do người Pháp thiết kế sau một trận càn quét bỗng tan hoang, lại hóa thành nơi ẩn nấp, hầm trú ẩn cho những người lính tự vệ Thủ đô.

Lợi dụng địa hình, địa vật và sống dựa vào nhân dân, các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô đã góp phần giữ Hà Nội trong 60 ngày đêm, vượt ngoài sức tưởng tượng của quân địch và làm cả thế giới bất ngờ. 

Mỗi người dân Hà Nội là một người chiến sỹ trên mặt trận chống quân thù, mỗi nhà dân là một pháo đài, mỗi khu phố là một chiến tuyến. Cả Hà Nội đã biến thành một chiến trường. Từng góc phố, hàng cây của Hà Nội đã được bộ đội của ta biến thành các chốt tiêu diệt địch. Các công nhân, thanh niên, học sinh, viên chức, tiểu thương… đều trở thành lực lượng tự vệ cùng nhân dân hăng hái, sôi nổi và sẵn sàng chiến đấu. 

Sau 60 ngày đêm kìm chân địch, Trung đoàn Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có cuộc rút lui thần kỳ ra khỏi Trung tâm Thủ đô, đảm bảo an toàn, quân không thiếu một người, vũ khí không thiếu một cây súng.

Chiến công này đã cho thế giới thấy, Việt Nam có khả năng giữ vững độc lập, tự do, toàn quốc tin tưởng vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm khẳng định: “Dù chỉ giữ Hà Nội trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của quân và dân Thủ đô tạo tiền đề cho chiến công nối tiếp chiến công. Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ Hà Nội 60 ngày đêm chỉ có dao găm, mã tấu đến chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và Đại thắng mùa Xuân 1975”. 

Dù tuổi đã cao, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm vẫn dành nhiều thời gian đi đến các địa danh trên đất nước Việt Nam. Ông bảo, còn sống ngày nào, ông còn thăm thú cảnh đẹp của đất nước. Những nơi đường sá khó khăn, hiểm trở như Hà Giang, huyện đảo Lý Sơn đều đã in dấu chân người lính già.

Ông tâm sự, điều  làm ông trăn trở nhất hiện nay là việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ cần được thực hiện sát sao hơn. Ông cho rằng, khi hiểu về lịch sử, hiểu về giá trị của những ngày hòa bình đã được đổi bằng máu xương của bao thế hệ người Việt, lớp trẻ sẽ có động lực để vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ đất nước.