Có một phiên chợ đặc biệt

ANTĐ - Được hình thành cách đây chừng 20 năm, chợ gia súc Nghiên Loan (Pác Nặm - Bắc Kạn) đã trở thành nơi buôn bán gia súc lớn nhất miền Bắc với số lượng trâu bò tập trung hàng vạn con. Để đem được gia súc từ các vùng miền xa xôi như Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn về đây bán, người dân phải đi bộ mấy trăm cây số qua những cung đường hiểm trở...

Có hàng nghìn gia súc được người dân đem đến chợ Nghiên Loan để bán

Cuộc ngã giá trong đêm

3h sáng, anh Hoàng Văn Tú - một người buôn gia súc bản địa lồm cồm bò dậy nghiêng đầu ra phía cửa sổ nghe ngóng: “Đến rồi, cánh trâu bò ở Hà Giang thường đem theo nhiều trâu mộng, tôi phải theo họ mua một con mới được”. Tôi cũng thò đầu ra cửa sổ nghe ngóng, tiếng nhạc ngựa, tiếng mõ trâu, bò lộc cộc, leng keng cứ đều đều phát ra trong đêm và mỗi lúc một gần hơn. Chúng tôi đợi ở đầu thị trấn Pác Nặm, một đoàn 5 người đang dẫn khoảng 15 con gia súc gồm cả trâu, bò dần hiện lên trong màn đêm. Tú dùng đèn pin soi: “Con trâu này bao nhiêu tiền?”, từ trong bóng tối vang lên tiếng trả lời: “30 triệu”. Tú cười khanh khách: “Con này mà 30 triệu đồng có mà bán cho ma à? Bố cứ đùa”.

Không thấy tiếng trả lời nào, Tú tiếp tục dùng đèn pin soi kỹ con trâu từ mông, chân, đầu, tai, sừng... rồi quay sang bảo, con trâu này nhìn sơ qua có thể đáp ứng được yêu cầu của khách dưới xuôi. Trâu chọi mắt phải tinh nhanh như mắt cọp, đầu phải to, sừng đều, cổ lừng lững và rắn chắc, móng chân phải to khép kín vào nhau, hai mông cũng phải kín vào nhau. Để trời sáng ngắm lại cho kỹ, nếu mà mua được thì 30 triệu đồng cũng “hốt”, nếu “ngon” thì bán lại cho dân chọi trâu với giá khoảng 50 triệu đồng.

Len lỏi qua đám gia súc đang tiến về phía trước, tôi gặp được chủ nhân của đoàn gia súc ở Hà Giang, đó là ông Vàng A Chư, ông Chư kể: Đoàn người cùng trâu, bò đã đi hơn 3 ngày đường từ Hà Giang đến đây. Nếu đem được gia súc xuống chợ Nghiên Loan thì sẽ bán được với giá cao hơn so với ở nhà. Nếu các anh em của ông mà bán được hết số trâu, bò đem xuống chợ lần này thì mỗi người sẽ có tầm 50 triệu đồng bỏ túi, khi về nhà sẽ có tiền mua xe máy và làm nhà. Mỗi năm, anh em trong gia tộc của ông chỉ đem trâu xuống chợ Nghiên Loan một lần, thậm chí có khi đến hai, ba năm mới xuống chợ. Ông Chư chỉ tay sang phía con trâu mộng mà Tú vừa ngã giá bảo: “Con trâu đó ở Hà Giang lái trả 23 triệu đồng mà tao không bán. Mất công đem xuống chợ Nghiên Loan thì phải được 30 triệu đồng mới bán, nếu không tao lại đem trâu về để đó đợi lên giá”.

Khi chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện, bỗng Tú nhảy xổ ra, chấp nhận mua con trâu đực mộng với giá 30 triệu đồng, chủ trâu Chư đồng ý bán ngay trong đêm. Tú liền lôi trong túi ra một bình sơn nâu rồi xịt vào hai bên hông con trâu chữ T để đánh dấu, ám chỉ rằng con trâu này đã có người mua để khi đến chợ Nghiên Loan thì không ai được hỏi mua con trâu đó của ông Chư nữa.

Bà Nông Thị Lụa, một người dân trong xã Nghiên Loan đem trâu ra chợ

Đại bản doanh gia súc

Ông Mã Nông Hứa, Trưởng ban quản lý chợ gia súc kể lại: Chợ gia súc hình thành từ năm 1993 do một lái buôn có tên Dương Văn Tu. Ban đầu, người lái buôn này đi mua bán trâu bò ở khắp nơi trong vùng, sau đó đem về Nghiên Loan tập kết và biến nơi đây thành điểm trung chuyển trâu bò từ miền núi về xuôi. Lúc đó, người dân trong huyện thấy Nghiên Loan tập kết nhiều gia súc nên đã đem trâu, bò, ngựa của gia đình mình đến bán. Cũng từ đó ông Tu chỉ ngồi một chỗ mua trâu, bò, ngựa... 

Khi điểm tập kết gia súc ở Nghiên Loan lớn dần lên cũng là lúc số lượng thương lái ở miền xuôi lên mua gia súc tăng. Việc thông thương trao đổi gia súc với tần suất cao đã biến Nghiên Loan thành nơi trung chuyển gia súc lớn nhất khu vực phía bắc.

Vai trò của thương lái Dương Văn Tu cũng biến mất cùng sự lớn mạnh của chợ gia súc. Ban đầu, người dân đem trâu, bò, ngựa của mình xuống chợ bán trực tiếp cho ông Tu, nhưng khi qui mô chợ lớn dần lên đã vượt tầm kiểm soát của người lái buôn này. Đồng thời, hình thức giao dịch cũng đa dạng hơn. Người dân có thể trực tiếp bán gia súc của mình cho thương lái dưới xuôi, hoặc có thể mua đi bán lại cho người khác ngay trong chợ.

Ông Mã Nông Hứa bảo, Chợ trâu, bò Nghiên Loan đã tạo ra bức tranh kinh tế khá tốt trên địa bàn với trên 1000 hộ làm dịch vụ ăn theo chợ bò như bán cỏ, ăn uống, nghỉ ngơi... Để tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch, ở mỗi phiên chợ Trung tâm Thú y huyện Pác Nặm đều cử cán bộ xuống phối hợp với ban quản lý để kiểm tra, phát hiện sớm gia súc bị bệnh nhằm cách ly, ngăn chặn mầm bệnh phát tán. 

Trăm nẻo đổ về

Chợ bò Nghiên Loan họp vào ngày 3, ngày 8 hàng tháng theo lịch âm. Đến phiên chợ, rất nhiều bà con dân tộc từ các vùng xa xôi như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang đem theo bò, ngựa, trâu đến  bán. Chúng tôi đã gặp anh Giàng Bá Lù, một người dân tộc Mông ở Hà Giang đem trâu và ngựa xuống chợ. Anh Lù kể: Để có mặt ở phiên chợ này, gia đình anh đã phải cho trâu và ngựa nghỉ ngơi và cho chúng ăn no rồi lên đường trước khi diễn ra phiên chợ một ngày. Khi “hành quân”, cả người và gia súc chỉ được nghỉ giữa trưa ở Cao Bằng. Gia súc được ăn cỏ ven đường, trong khi người thì ăn cơm nắm được chuẩn bị từ sáng sớm. Sau khoảng 30 phút nghỉ trưa, người và gia súc tiếp tục lên đường, phải căn thời gian đến Nghiên Loan trước khi trời tối để mua cỏ ở chợ cho trâu, ngựa ăn và đợi đến phiên chợ chính thức sẽ diễn ra sáng ngày hôm sau. Anh Lù cho biết: Trong khi đi đường, không ai được phép cưỡi ngựa bạch vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng xương của loại ngựa chuyên dùng để nấu cao này. Theo định giá của anh Lù, một con ngựa bạch chuẩn mà anh dẫn theo có giá tới 50 triệu đồng, con ngựa bạch bình thường giá chỉ 24 triệu, còn con trâu đực mộng giá khoảng 17 triệu đồng. Tuy nhiên chuyến đi lần này chỉ cần bán được con trâu và một con ngựa bạch coi như thắng lớn. 

Khác với anh Lù, anh Thào A Ban ở Bảo Lâm, Cao Bằng lại đem tiền xuống chợ để mua trâu bò rồi bán lại cho người khác để kiếm lãi. Anh mua lại trâu, bò hợp với túi tiền mà mình có, sau đó ngã giá lại với thương lái được lời là bán. Anh Ban cho biết: “Làm như vậy mình kiếm tiền nhanh hơn. Mình phải nhìn con vật xem có béo không, có bệnh tật không, nếu mổ thịt thì con vật sẽ được bao nhiêu cân móc hàm, rồi suy ra giá thị trường hiện nay mà trả giá. Nếu thấy có lãi thì mua rồi bán lại cho người khác khi được giá. Thường những người buôn gia súc dự đoán độ chênh lệch trọng lượng gia súc tương đối chuẩn.

Một lái buôn ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã chọn được những con bò ưng ý đem về lò mổ

Sáng sớm, tinh mơ, chúng tôi len lỏi qua trung tâm chợ gia súc với bạt ngàn trâu, bò, ngựa... để đi lên một con dốc nhỏ. Vượt qua con dốc này là hàng chục đoàn xe tải các loại mang biển số từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Nội... Những đoàn xe này lên Nghiên Loan cách phiên chợ một ngày để mua gia súc. Anh Lê Văn Thuận, một lái buôn ở huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh kể: Mỗi phiên chợ anh mua từ 20 - 25 con trâu, bò về thịt. Bò ở đây chủ yếu được người dân chăn thả tự do nên chất lượng thịt rất tốt, khi bán ra thị trường được nhiều người tin tưởng, ưa chuộng. Anh cũng thỉnh thoảng mua trâu chọi ở chợ gia súc Nghiên Loan để bán lại cho dân chơi trâu chọi. Riêng chọn trâu chọi thì phải lựa chọn rất công phu. Trâu tốt phải đầu to, cổ rộng, mi dày, sừng cân và hướng về phía trước, ức to, da dày, nhiều lông. Chân ngắn, săn chắc và có bộ móng đặc biệt kín như móng hươu. Gốc đuôi to, đầu đuôi nhỏ và không bao giờ chọn những con trâu có sẹo ở phía sau mông vì dân chơi cho rằng con trâu đó nhát chết, trong các trận chiến đấu thường bỏ chạy nên mới bị đối phương húc phía sau mà nên sẹo. Khi gặp phải khách sộp có thể họ sẵn sàng bỏ ra 50 - 80 triệu đồng để tậu được một chiến ngưu như ý.