Có một Hà Nội trong lòng Trường Sa

ANTĐ - Trường Sa và Hà Nội, hai vùng đất thiêng của Tổ quốc, vốn cách nhau hàng nghìn hải lý, hàng nghìn cây số nhưng lại có sự gắn bó thân thương đến lạ kỳ. Đó là điều mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận khi đặt chân đến quần đảo đầy nắng và gió Trường Sa.

Thiêng liêng Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa

Hải trình để đời

Một tháng trước hải trình tới Trường Sa, chúng tôi, các cán bộ, phóng viên của đoàn công tác thành phố Hà Nội do đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn làm trường đoàn, hầu như đêm nào cũng mất ngủ vì sự háo hức với chuyến đi này.

Có người đi lần đầu tiên, cũng có người đã đi tới lần thứ hai, thứ ba, nhưng ai nấy đều không giấu được tâm trạng hồi hộp, phấn chấn trước khi đặt chân tới vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Anh Hữu Thu, một đồng nghiệp của chúng tôi ở báo Quốc phòng Thủ đô dặn dò: “Cố gắng giữ sức khỏe nhé vì khi đặt chân lên đó, sẽ lâng lâng khó tả lắm và khó có thể có lúc nào ngồi yên được”. Câu nói ấy của anh bạn đồng nghiệp càng khiến chúng tôi thêm chộn rộn.

Những nụ cười trẻ thơ trên đảo Trường Sa

Rồi ngày chuyến tàu HQ561 đưa đoàn công tác số 9 ra Trường Sa cũng tới. Trước khi nhổ neo tại Cảng Cát Lái (TP.HCM), Đại úy Hoàng Đình Duyến, Thuyền trưởng của tàu cùng thủy thủ đoàn rất tận tình và chu đáo trong việc sắp xếp nơi ăn, chốn ở cho đoàn công tác, cũng như mô tả chi tiết về hải trình mà chúng tôi sắp đi, qua những đảo nổi như Trường Sa lớn, An Bang, Phan Vinh… hay đảo chìm như Đát Lát, Tiên Nữ, Tốc Tan, Thuyền Chài… và nhà giàn DK1/14 Tư Chính.

Một cảm giác thân quen như ở nhà lập tức ùa tới. Đáp lại, nhiều thành viên trong đoàn công tác cũng phụ giúp thủy thủ đoàn những công việc mà các anh rất thiếu người, như nhặt rau, nấu ăn, dọn dẹp các khoang trên tàu… Tất cả khiến con tàu 561 như một đại gia đình. Điều đó càng khiến cho hải trình từ đất liền ra với Trường Sa thêm gần hơn với chúng tôi.

Uy nghiêm lễ chào cờ ở Trường Sa

Công trình Nhà khách Thủ đô trên đảo Trường Sa lớn

Sau hơn 48 giờ lênh đênh trên biển, đảo Trường Sa lớn dần hiện lên kiêu hãnh trước mắt chúng tôi. Quả thật, cảm giác lần đầu nhìn thấy tận mắt hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc thật đặc biệt và khó diễn tả thành lời. Cảm giác ấy càng được nhân lên khi chúng tôi được đặt chân xuống đảo, đi bộ qua những tán bàng vuông, ngắm nhìn nụ cười lính đảo vẫn tươi tắn và đầy khí phách bất chấp sóng gió và bão tố nơi đây.

Nhưng đáng nhớ nhất chính là được tham dự một Lễ chào cờ trên đảo. Với những người con nước Việt, lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Được nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa bao la Trường Sa và cất lên lời hát Quốc ca “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...” là một cảm xúc vô cùng vinh dự và tự hào.

Nhiều người trong đoàn chúng tôi mắt nhòa lệ, giọng cất lên nghẹn ngào khi hướng lên lá cờ Tổ quốc tung bay. Trong mênh mang trời biển và sóng nước nơi đây, 10 lời thề danh dự của quân đội nhân dân Việt Nam sau đó được đọc lên dõng dạc từ một chiến sĩ. Cứ sau mỗi lời thề được cất lên, hai tiếng “xin thề” đồng thanh vang lên sang sảng và hào hùng như sóng dậy. Khoảnh khắc ấy khiến lòng yêu nước lại cuộn trào mạnh mẽ trong lòng những ai được chứng kiến.

Hiên ngang pháo đài giữa biển khơi

Đảo Trường Sa lớn được coi như Thủ đô của huyện đảo Trường Sa và nơi đây cũng mang đậm dáng vóc “Trái tim của cả nước” là Thủ đô Hà Nội. Dưới sự hỗ trợ của nhân dân cả nước và nhân dân Hà Nội trong nhiều năm qua, các thế hệ quân và dân huyện đảo Trường Sa đã xây dựng nơi đây thành một đô thị phát triển giữa biển khơi.

Thị trấn Trường Sa bây giờ đã thay da đổi thịt so với nhiều năm trước. Đường xá được bê tông hóa, những ngôi nhà khang trang được xây dựng,  những hệ thống điện năng lượng gió, năng lượng mặt trời đã xuất hiện dày đặc. Những cột sóng điện thoại, các thiết bị thu tín hiệu truyền hình cũng đã xuất hiện nhiều hơn. Bên cạnh đó, bưu điện, trạm y tế, trường học và đặc biệt là ngôi chùa Trường Sa cũng như nhiều công trình văn hóa khác cũng đã được xây dựng để mang lại một đời sống tinh thần phong phú hơn, vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương cho bà con nơi đây.

Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Hải quân, từ năm 2008 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã quyên góp được hơn 150 tỷ đồng để xây dựng, phát triển quần đảo Trường Sa. Trong đó, đặc biệt có công trình “Nhà khách Thủ đô” trên đảo Trường Sa lớn, địa điểm có tạc hình Khuê Văn Các sẽ khiến cho bất cứ ai cũng có cảm giác gần gũi, thân thương như đang đi giữa phố phường Hà Nội.

Chiến sĩ Nguyễn Cảnh Hải, tuổi đời mới vừa 20, quê Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ: “Sự hiện diện của Nhà khách Thủ đô thực sự có ý nghĩa với chúng tôi. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường ngồi bên ngoài khu nhà hóng gió và ngắm biểu tượng Khuê Văn Các, giúp chúng tôi vơi đi rất nhiều nỗi nhớ nhà, để có thể tận tụy công tác, vững hơn tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương”.

Trong điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả về địa lý, thời tiết và tình hình phức tạp trên Biển Đông, nhưng quân và dân Trường Sa vẫn vững vàng như những cây phong ba, cây bão táp… hiên ngang giữa sóng gió biển khơi, với sức sống mãnh liệt bằng tinh thần, trách nhiệm với chủ quyền đất nước. Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đào Đức Toàn khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Hà Nội vẫn luôn đồng lòng, chung sức với Trường Sa để bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.