Có một Hà Nội kiêu hãnh vượt qua dịch giã (4): Ngời sáng phẩm chất người Hà Nội trước phép thử đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dịch bệnh chính là một phép thử của lòng người và cũng là một phép thử đối với bản lĩnh, phẩm chất của người Hà Nội. Thủ đô - trái tim yêu thương của cả nước, đã chứng tỏ niềm kiêu hãnh của người Hà Nội khi vượt qua dịch giã.
Hà Nội điềm tĩnh vượt qua đại dịch bằng chuỗi ngày giãn cách đáng nhớ. Ảnh: KHIẾU MINH

Hà Nội điềm tĩnh vượt qua đại dịch bằng chuỗi ngày giãn cách đáng nhớ. Ảnh: KHIẾU MINH

Phép thử trong đại dịch

Kiêu hãnh không là kiêu căng, tự phụ. Kiêu hãnh chính là tự hào về giá trị của mình, về những cái bản thân mình đã có và đang có. Hà Nội kiêu hãnh vượt qua dịch giã là bởi những giá trị của chính những người con sinh sống trên vùng đất mẹ Thăng Long văn hiến nghìn năm này, mà có được nó là nhờ sự trao truyền qua nhiều thế hệ. Thái độ trầm tĩnh, bình thản trước những biến cố, khẩn nguy dường như đã ăn sâu vào mạch ngầm những con dân đất Việt trên vùng đất Thăng Long kinh kỳ. Đi cùng với thái độ trầm tĩnh, bình thản là khả năng thích ứng, thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh sẵn có của người Hà Nội.

Nói về niềm kiêu hãnh của người Hà Nội, nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương lý giải, người Hà Nội có niềm tự hào bên trong. Quê mẹ ở Từ Liêm, nhà thơ Vũ Quần Phương từng là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, có quãng thời gian ông làm Tổng biên tập Báo Người Hà Nội, nên ông hiểu thấu và thấm đẫm chất Hà Nội bên trong. Tác giả của tập thơ “Chỗ ấy sóng...” cho rằng, những năm tháng chiến tranh đã rèn luyện cho người Hà Nội tính kỷ luật, vượt khó, chịu đựng gian khổ. Họ gác lại nguyện vọng riêng tư, đi theo kỷ luật chung, có tính tự giác, lâu dần thành thói quen tuân thủ lãnh đạo, tôn trọng kỷ luật của cộng đồng. “Bây giờ, cuộc sống tốt hơn trước nên họ biết trân trọng. Trong thời dịch, người Hà Nội chấp nhận gian khổ để cuộc sống sớm trở lại bình thường, bữa cơm có bớt thịt cũng không thấy bấn loạn” - nhà thơ Vũ Quần Phương nói.

Dường như sự khẳng khái, bình tĩnh, hiên ngang, hào hiệp của người Hà Nội còn lớn hơn ở bất cứ đâu. Và như chúng ta thấy những ngày vừa qua, một số hành vi lệch chuẩn trong giai đoạn dịch giã tuy có thật, nhưng chỉ là số ít và thứ yếu, không phải hình ảnh, mẫu số chung phản ánh chân dung xã hội của cả một Hà Nội đồng tâm, đồng thuận tuân thủ giãn cách xã hội phòng, chống dịch. Tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết một lòng cùng nhau chống dịch, ứng xử văn minh, thanh lịch đúng với phẩm cách của người Tràng An, là xu hướng, là cảm nhận và là thực tế không thể đảo ngược. Các hành vi ứng xử xấu xí, lệch chuẩn như: sự tùy tiện bất tuân giãn cách, cá nhân chủ nghĩa, coi thường quy tắc “5K”, sống vô cảm, khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng hoặc vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ… đang dần bị lấp đi, bị bài trừ, loại ra khỏi dòng chảy xã hội chung trong giai đoạn dịch giã. Phép thử đại dịch làm ngời sáng lên những phẩm chất tốt đẹp của người Tràng An.

Đừng đánh mất những điều tốt đẹp

Nhưng một băn khoăn có thật là, khi dịch bệnh đi qua, rồi những khó khăn vơi dần, giãn cách xã hội bay biến, trạng thái “bình thường mới” quay trở lại, thì những phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội làm cách nào và bằng cách nào để không mất đi, mà vẫn tiếp tục ngời sáng? Mang băn khoăn trên đến với Giáo sư Phong Lê (Viện Văn học Việt Nam), những người viết bài này muốn cùng vị giáo sư uyên thâm và đáng kính của Hà Nội chia sẻ vấn đề giữ gìn, nhân lên những phẩm chất của người Hà Nội nằm trong phẩm cách con người Việt Nam.

Đó là tình yêu thương giữa con người với con người, bao giờ hoạn nạn cũng nhớ đến nhau, thương người như thể thương thân. Chưa kể, Hà Nội là nơi tập trung những tinh hoa với biết bao con người ưu tú cùng hội tụ ở mảnh đất địa linh nhân kiệt. Văn hóa Hà Nội đã được gạn đục khơi trong từ văn hóa các địa phương, làm nên một nền văn hiến lâu đời và có bề dày. Trong cuộc chiến với đại dịch, Hà Nội dù khó khăn nhưng vẫn chi viện cho Sài Gòn, Hải Dương, Bắc Giang máy thở, các bác sĩ giỏi… để dập dịch.

Người Hà Nội hay người Việt Nam đều có tinh thần đoàn kết trong hoạn nạn, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” là bởi vậy! Nếu không có sự đoàn kết, đồng lòng, thì làm sao Hà Nội có thể truy vết khoanh vùng dập dịch nhanh gọn, làm sao có thể thắng nổi trong cuộc chiến đấu với “giặc” Covid-19 đầy cam go, thử thách.

Với những phẩm chất tốt đẹp của người Tràng An được nhân lên trong đại dịch, Giáo sư Phong Lê nói với những người viết bài này rằng, sau khi đại dịch đi qua, Hà Nội cần tiến hành cuộc tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để nhìn nhận lại vai trò của văn hóa và con người. Giáo sư Phong Lê tin rằng, khi dịch bệnh được dập tắt, kinh tế sẽ vọt lên mạnh mẽ, và khi ấy, mọi người lại lao vào guồng quay của cuộc sống, khi mưu sinh mải miếng cơm manh áo thì có thể lại quên đi những điều tốt đẹp mà chúng ta đã thể hiện trong đại dịch. Mặt trái của nền kinh tế thị trường sẽ tiếp tục tác động tới con người Hà Nội, làm biến đổi thậm chí làm lu mờ những đức tính được hun đúc từ ngàn đời, làm nên một thương hiệu, một biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Giáo sư Phong Lê nhấn mạnh: “Đừng bao giờ quên, văn hóa và con người mới là mục tiêu số 1. Kinh tế tăng trưởng cũng là vì cuộc sống của con người. Chủ thể ấy đóng vai trò quyết định trong mọi hoạt động của đời sống”.

Siêu thị 0 đồng tại Hà Nội được lập nên, giúp đỡ những người khó khăn trong đại dịch

Siêu thị 0 đồng tại Hà Nội được lập nên, giúp đỡ những người khó khăn trong đại dịch

Khắc họa đậm nét hơn hình tượng người Hà Nội

Đề cao văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành ủy Hà Nội từ nhiệm kỳ trước đã đẩy mạnh Chương trình 04 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Kết quả thu được rất đáng trân trọng! Nếp sống văn hóa và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm tổ chức thực hiện.

Việc triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử được triển khai mạnh mẽ, chú trọng xây dựng mô hình điểm như: Mô hình “Xây dựng ngõ văn minh”, “Tổ dân phố xanh - sạch - đẹp”, chương trình viết về gương điển hình trong thực hiện quy tắc ứng xử… Triển khai Chương trình 04 của Thành ủy từ khóa trước, thành phố Hà Nội đã có 2 Bộ Quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử trong cơ quan của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Những quy tắc này đã góp phần quy chuẩn hóa nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của không chỉ công chức, viên chức mà cả với người dân Thủ đô và du khách khi đến Hà Nội. Việc thực hiện quy tắc ứng xử đã góp phần khơi dậy ý thức, trách nhiệm, niềm tự hào của người Hà Nội, qua đó đề cao, vun đắp nếp sống văn minh, thanh lịch ở một thành phố có bề dày lịch sử văn hiến.

Thành ủy Hà Nội khóa này có Chương trình số 06 “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Trong bối cảnh đại dịch, hiệu quả của Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội khóa trước và Chương trình 06 khóa này cần được phát huy để tiếp nối và nhân lên sự tử tế, tình người, cách cư xử có văn hóa, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong từng con phố, từng thôn xóm, làng quê ở Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 11 của thành phố Hà Nội nhận xét, trong thời dịch đã xuất hiện những cá nhân làm hỏng đi hình ảnh đẹp về Hà Nội kiên cường trong chống dịch. Nhưng số ít đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, không đáng để chúng ta khái quát thành một hiện tượng tiêu biểu của Thủ đô. Các biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng cũng là nhằm hướng những cá thể vi phạm đi đúng đường. Còn tuyệt đại đa số người dân Hà Nội đều thực hiện và có ý thức tuân thủ rất tốt các Chỉ thị của thành phố, làm nên một tinh thần chống “giặc” Covid-19 rất ấn tượng. Để nhân lên những điều tử tế, tình người, ngời sáng phẩm chất Hà Nội trong mọi thời đại thì cần đề cao, khơi dậy tính tự giác của người Hà Nội. Đó mới là gốc rễ của vấn đề.

“Để phát huy những nét đẹp của văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Nội, thành phố cần tiếp tục tuyên truyền, vận động mạnh mẽ, đồng thời tăng cường giáo dục từ trong nhà trường. Đó là lòng nhân ái, tính nhân hậu, tinh thần đoàn kết cộng đồng và những nét ứng xử đẹp khác. Có thể coi đấy là một thương hiệu của thành phố, của quốc gia”, TS Nguyễn Viết Chức khẳng định.

Đứng ở góc độ văn học nghệ thuật, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, “sẽ có nhiều tác phẩm viết về đề tài này. Có thể hiện nay các nhà văn, các văn nghệ sĩ chưa làm ngay. Họ đang ghi chép. Nhưng sau này sẽ có những tác phẩm hay, phản ánh không khí xã hội của một giai đoạn. Do vậy, theo nhà thơ Vũ Quần Phương, để lan tỏa những phẩm chất của người Hà Nội trong đại dịch, không gì dễ dàng và tốt hơn là thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đó là một kênh phương tiện chuyển tải hữu ích và ai cũng có thể tiếp cận. Văn học nghệ thuật với sức mạnh đến từ ngôn từ, ngôn ngữ hình ảnh, màu sắc… sẽ ghi chép lại, khắc họa đậm nét hơn tình người Hà Nội trong hoạn nạn, lời ăn tiếng nói của con người Thủ đô thời dịch…

Xây dựng phẩm chất người Hà Nội, cần một chiến lược

Nói với những người viết bài này, nhà thơ Vũ Quần Phương đề xuất giải pháp nên tổ chức một cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật sau dịch để nhân dân, các văn nghệ sĩ tự tổng kết, tự viết về những kỷ niệm chống dịch ở Thủ đô. Nhờ có cách nhìn lại này mà chúng ta sẽ thấy rõ hơn ưu - nhược điểm của tính cách Hà Nội thời dịch, từ đó khích lệ cái tốt, cái ưu điểm tiếp tục phát huy, lan tỏa trong đời sống, trạng thái “bình thường mới”.

Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, ý thức của người Tràng An, cách xử lý vấn đề của họ cũng khác, cái đó thể hiện rất rõ trong chống dịch. Nếu không có ý thức ấy thì không có thành công. Quan trọng hơn nữa là sự đồng lòng, đoàn kết giữa các lực lượng chức năng và người dân để chống “giặc” Covid. Khi dịch bệnh đi qua sẽ để lại những bài học cho người dân Việt Nam và người dân Hà Nội. Những bài học sâu sắc ấy sẽ hoàn thiện hơn nữa tính cách Tràng An, tính cách con người Việt Nam trong một cuộc chiến rất đặc biệt. Và dù đề ra bao nhiêu giải pháp để lan tỏa hình ảnh Hà Nội trong đại dịch vẫn không thể sánh bằng ý thức của người Hà Nội. Ý thức chấp hành và tuân thủ mệnh lệnh của người Hà Nội được rèn giũa qua nhiều thế hệ, sẽ còn tiếp tục được phát huy trong nhiều hoàn cảnh khó khăn, gian khổ.

Có thể thấy rằng, bên cạnh các giải pháp do các văn nghệ sĩ trí thức đã nêu, vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một chiến lược lâu dài, là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá của Thủ đô Hà Nội trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Nghị quyết đã xác định trong nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 của thành phố có nội dung: “Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc”.

Trong 3 đột phá của Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII cũng đã chỉ rõ: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô”. Đây được coi là một nội dung quan trọng đặt thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu của tiến trình đổi mới Thủ đô, được khai triển bằng nhiều giải pháp thiết thực, bám sát thực tiễn đời sống.

Hai năm vừa qua chiến đấu “giặc” Covid với lịch sử chỉ như cái chớp mắt, nhưng sau này nhìn lại - các thế hệ bây giờ sẽ lại kể cho con cháu mình nghe về Hà Nội những ngày chống “giặc” Covid, bằng một niềm kiêu hãnh, giống như cách các thế hệ người Hà Nội đã kể về thời họ từng sống trong kháng chiến, hay thời bao cấp thế nào.

“Sau khi đại dịch đi qua, Hà Nội cần tiến hành cuộc tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để nhìn nhận lại vai trò của văn hóa và con người”.

Giáo sư Phong Lê

“Để nhân lên những điều tử tế, tình người, ngời sáng phẩm chất Hà Nội trong mọi thời đại, thì cần đề cao, khơi dậy tính tự giác của người Hà Nội”.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức

“Tôi sẽ lan tỏa nét đẹp và cách người Hà Nội vượt qua đại dịch”

- Phóng viên: Làm dâu trong một gia đình Hà Nội truyền thống, chị sống thế nào trong những ngày phố phường Thủ đô vắng lặng chống “giặc” Covid?

- NSƯT, diễn viên Chiều Xuân: Những ngày này, tôi có thời gian xem lại phim cũ mình đã đóng. Tôi là người may mắn được góp mặt trong bộ phim điện ảnh “Hà Nội 12 ngày đêm”, phản ánh lại không khí của một thời kỳ lịch sử của Thủ đô. Trong phim, tôi vào vai nhà báo Ngân Hà. Mỗi lần xem lại bộ phim này, cảm xúc xót xa, đau đớn lại ùa về trong tôi, với tiếng đạn bom, với vành khăn tang trên gương mặt những đứa trẻ Hà Nội. Nhớ những ngày Hà Nội sơ tán, dù mới chỉ 4, 5 tuổi nhưng tôi vẫn không quên Thủ đô khi ấy khá vắng lặng. Người dân được yêu cầu sơ tán ra các vùng nông thôn, chỉ còn lại các lực lượng chiến đấu trong nội thành.

Và ngày hôm nay, trong thời bình, tôi một lần nữa được chứng kiến khung cảnh vắng lặng của Thủ đô trong một cuộc chiến khác, cuộc chiến với giặc Covid-19. Nhìn phố phường vắng vẻ, ít bóng người qua lại mà tôi rớt nước mắt vì sự tàn khốc của nó, và rớt nước mắt vì sự kiên cường của người Hà Nội. Nhiều khi chúng ta tưởng rằng, phẩm chất của người Hà Nội đang mai một dần theo thời gian thì trong cuộc chiến này, tinh thần Hà Nội bất khuất lại một lần nữa trỗi dậy. Cuộc chiến này không ai mong muốn. Người Hà Nội đã từng vất vả, từng chịu đựng, chịu thương chịu khó, vượt qua thử thách khó khăn thì bây giờ vẫn y nguyên như vậy. Các thế hệ người Hà Nội đã trao truyền cho con cháu mai sau những phẩm chất tốt đẹp. Chỉ có điều, không phải lúc nào chúng ta cũng có dịp thấy điều này.

- Phóng viên: Chị có cách làm nào để lan tỏa hình ảnh đẹp về người Hà Nội trong đại dịch?

- NSƯT, diễn viên Chiều Xuân: Cuộc chiến với “giặc” Covid còn dài, mình phải có cách sống mới, làm mới, suy nghĩ tích cực, giữ cho sức khỏe của mình thật tốt. Cách sống trong cuộc chiến này là bảo vệ mình và bảo vệ người thân. Thời gian với tôi chưa bao giờ là thừa. Tôi thấy các bạn trẻ làm YouTube, làm Tiktok giỏi lắm. Dù đã lên chức bà nhưng không có nghĩa, trẻ làm được mà già không làm được. Các bạn trẻ làm giỏi 10 phần thì mình cũng làm được 2, 3 phần. Vì thế, thời gian giãn cách, tôi cũng tập tành làm kênh YouTube cá nhân. Gia đình tôi ai nấu ăn cũng ngon và nấu cầu kỳ. Chồng tôi - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân mà vào bếp thì ai cũng phải xuýt xoa. Tôi cũng vậy, làm dâu đã mấy chục năm trong một gia đình có truyền thống nên nấu nướng được rèn luyện kỹ năng từ ngày còn trẻ. Tôi lập một kênh YouTube nho nhỏ đưa hình ảnh của mình lên, hướng dẫn mọi người nấu các món truyền thống. Ban đầu là những món đơn giản, sau sẽ nâng dần lên các món khó hơn. Ẩm thực của đất Thăng Long luôn nổi tiếng với những món ăn thanh đạm. Với kênh YouTube vừa lập, tôi sẽ lan tỏa nét đẹp của ẩm thực Hà thành và cách người Hà Nội đã vượt qua trong đại dịch.

NSƯT Chiều Xuân vai nhà báo Ngân Hà trong phim "Hà Nội 12 ngày đêm"

NSƯT Chiều Xuân vai nhà báo Ngân Hà trong phim "Hà Nội 12 ngày đêm"

- Phóng viên: Ngưỡng mộ về tổ ấm của chị, vậy phải chăng giữ cho gia đình hạnh phúc lúc này có lẽ cũng là một cách vượt qua đại dịch?

- NSƯT Chiều Xuân: Đại dịch làm con người đau đớn và mất mát. Những lúc ở nhà giãn cách, nếu không có niềm vui gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau nấu một bữa cơm, cùng nhau thưởng thức món ăn vừa nấu ra, thì con người sẽ rất cô đơn và buồn chán. Chính vì thế, hạnh phúc gia đình là điều cần đề cao trong đại dịch, giúp con người không cảm thấy chông chênh những lúc khó khăn, dịch bệnh hoành hành. Tôi lập kênh YouTube nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ cô con gái út. Hồng Khanh giúp tôi quay clip, làm hình ảnh để đưa lên kênh mới lập. Chồng tôi dù bận rộn nhưng cũng giúp vợ một tay để làm đẹp phần hình ảnh. Mỗi người một việc nên một ngày qua đi thật nhanh.

Bệnh dịch lấy đi quá nhiều điều quý giá của con người. Khi bệnh dịch qua đi, cuộc sống mới trở lại, những cái tốt đẹp cần phải giữ lại. Mình cần phải sống khoan dung, có trật tự, biết lắng nghe và sống có kỷ luật hơn. Đơn giản như việc xếp hàng. Xếp hàng cách xa nhau một chút, con người ta phải học cách điềm tĩnh. Bởi vì càng nôn nóng, vội vàng, thì càng dễ hỏng việc… Rồi lâu nay, có người sống dễ dãi buông thả, chỉ cần cái tôi của mình mà không cần đếm xỉa đến người khác, họ nên nghĩ lại!

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!