Có một Hà Nội kiêu hãnh vượt qua dịch giã (1): Thăng Long trong lịch sử những lần “vườn không nhà trống” đánh giặc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - LTS: Trải qua 4 làn sóng Covid-19, Thủ đô cho thấy một dòng chảy văn hóa không ngừng nghỉ, cho dù người người ở trong nhà, các hoạt động tạm dừng hoặc “đóng băng” trong những lần giãn cách xã hội phòng, chống đại dịch. Đó chính là quãng thời gian cho thấy sự tử tế của người Hà Nội và văn hóa người Hà Nội với cách ứng xử văn minh, chấp hành chỉ thị của các cấp chính quyền và tình người trong cơn hoạn nạn. Khoảng lặng của các đợt giãn cách xã hội cũng là thời điểm văn nghệ sĩ tập trung sáng tác và đã cho ra đời các tác phẩm nghệ thuật thiết thực, hữu ích.
Phố cổ Hà Nội vắng lặng trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội đợt 2 chống “giặc” Covid-19 - Ảnh: Công Thọ

Phố cổ Hà Nội vắng lặng trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội đợt 2 chống “giặc” Covid-19 - Ảnh: Công Thọ

Văn hóa ở vùng đất văn hiến nghìn năm một phần được bồi đắp từ chính hành vi, thói quen, lối sống của người Hà Nội. Sự thích ứng với hoàn cảnh cũng là một phần tính cách người Tràng An. Trong kháng chiến thì anh hùng, trong thời đổi mới thì năng động vươn lên, còn trong đại dịch thì tuyệt đối chấp hành giãn cách phòng chống dịch…

Trong lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội

Tính tới nay, Hà Nội đã trải qua 2 năm dịch bệnh bùng phát. Mọi người đều cảm thấy thời gian ngưng trệ, ngưng đọng. Mỗi lần bị giãn cách, ai cũng đều thấy không hoàn toàn dễ dàng và khó thực hiện. Người Hà Nội cũng vậy, nhưng điểm khác biệt làm nên văn hóa Hà Nội thời dịch chính là thái độ bình tĩnh, bình thản. Điều này không phải tự dưng mà có. Những câu nói đùa như “Hà Nội không vội được đâu”, “muốn nhanh thì phải từ từ” hóa ra lại trở thành tính cách của người Hà Nội.

Văn hóa Hà Nội là ngấm dần, không phải xô bồ bạo liệt một cách mạnh mẽ, tức thời, và càng không phải thứ văn hóa “mì ăn liền”. Chính vì thế, xung quanh câu chuyện “giặc” Covid-19 tác động tới Hà Nội có thể thấy rằng, ban đầu Covid-19 xâm nhập không ồ ạt, nhưng lại khiến người Hà Nội từ ngỡ ngàng đến cảnh giác. Nhưng sau đấy, Hà Nội chấp nhận nó, bình tĩnh ứng phó giống như lúc đất nước rơi vào tình thế nguy cấp, khó khăn những lần chống quân xâm lược phương Bắc, chống Pháp và chống Mỹ.

Tinh thần bình tĩnh và bất khuất ấy đã được minh chứng qua nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, làm nên một tính cách Hà Nội anh hùng. Điều đó được minh chứng bằng lịch sử oanh liệt của quân và dân thời nhà Trần 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông xâm lược và để thắng địch, cha ông ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp, không chỉ đánh địch bằng tinh thần và lực lượng của cả nước, mà còn bằng “mưu, kế, thế trận”, trong đó có kế sách “vườn không nhà trống” ở Thăng Long đô hội.

Khi đó, chúng ta thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” (nhiều người về sau gọi là trạng thái “Thăng Long phi chiến địa”) kết hợp với cách đánh giặc sáng tạo của chiến tranh toàn dân, toàn diện (phục kích, tập kích, quấy rối, đánh phá cơ sở hậu cần, kỹ thuật…), phá vỡ âm mưu chiến lược nêu trên của địch, đẩy địch vào thế cùng quẫn, tạo lập thời cơ tiến lên tổng phản công quân xâm lược, giải phóng đất nước.

Điều đó cũng được minh chứng bằng tinh thần quả cảm của quân và dân Hà Nội trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mà điển hình là 12 ngày đêm chống lại cuộc tập kích chiến lược ném bom bằng máy bay B-52 của Không quân Mỹ. Người Hà Nội luôn đón nhận mọi khó khăn nguy cấp bằng thái độ bình tĩnh, bình thản. Những đau thương mà người Hà Nội đã gánh chịu không từ ngữ nào có thể diễn tả hết. Vượt lên trên nỗi đau này, họ đã làm nên những kỳ tích và góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc Việt Nam.

Câu nói “Thăng Long phi chiến địa” hàm ý không có kẻ thù nào đánh gục được thành Thăng Long, không có thế lực ngoại xâm nào đánh gục được ý chí và tinh thần người Hà Nội. Và người Hà Nội có niềm tin về điều đó. Có lẽ vì thế, trong đại dịch này, cả nước đã được chứng kiến tinh thần chống “giặc” Covid-19 của người Hà Nội mạnh mẽ đến nhường nào. Thủ đô đã khoanh vùng dập dịch bằng mọi giá. Làn sóng dịch càng về sau càng khốc liệt hơn, nhưng những người dân Thủ đô không có sự hoang mang, sợ hãi. Họ chấp hành nghiêm các Chỉ thị của Chính phủ và thành phố. Phố phường vắng lặng, những con phố tĩnh mịch đến lạ thường. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân là một pháo đài chống dịch với những khẩu hiệu rất đơn giản như: “Ở nhà là yêu nước”.

Người Hà Nội đã chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ

Người Hà Nội đã chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ

Dù ở trong thời bình, nhưng cuộc chiến với “giặc” Covid-19 không thua kém bất cứ cuộc chiến tranh nào mà Việt Nam từng trải qua. Để nói về mức độ tàn phá của virus Corona với đời sống của người dân Hà Nội, chúng ta có thể lấy Bệnh viện Bạch Mai làm ví dụ. Trong đợt ném bom mà Mỹ trút xuống Hà Nội, nơi đây từng bị bom đánh trúng. Nhưng bệnh viện vẫn hoạt động, các y bác sĩ vẫn kiên cường bám trụ với công tác cứu người. Còn khi Covid-19 ập về, bệnh viện từng bị phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập cách ly 14 ngày.

Công tác cứu chữa bệnh nhân bị đình trệ đủ nói lên sức tàn phá khủng khiếp do “giặc” Covid-19 gây ra. Trong lần trao tặng bức tranh do Báo An ninh Thủ đô phối hợp cùng Công ty Mỹ thuật Tầm nhìn Đông Dương - IndochineArt thực hiện nhằm tiếp sức cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, GS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện sẽ treo bức tranh này ở phòng khách trang trọng của bệnh viện như một sự nhắc nhớ về những ngày chống dịch nhiều âu lo, khốc liệt để thấy đại dịch cũng nguy hiểm không kém gì chiến tranh.

Người Hà Nội nhập vai trong trạng thái “bình thường mới”

Dù cuộc chiến với “giặc” Covid-19 không có tiếng bom, không có tiếng súng nổ, nhưng nhiều người đã liên tưởng tới Hà Nội thời chống Mỹ. Bây giờ, người dân đồng thuận và đồng lòng, quyết tâm cùng Chính phủ dập dịch. Tinh thần của người Hà Nội nhận được sự ngưỡng mộ của người dân cả nước. Điều đó được thể hiện bằng việc người dân Hà Nội thay đổi hành vi của mình khi tới nơi công cộng, đeo khẩu trang như một thói quen và giữ khoảng cách.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đang thi vị hóa câu chuyện đại dịch tác động vào đời sống của người Hà Nội. Ngay lúc này vẫn có nhiều người lo lắng, khi “giặc” Covid-19 ngáng trở. Nhưng người Hà Nội dần dần đã thích nghi. Bây giờ người ta đã quen hơn với câu chuyện dạy học online, các câu chuyện tuyển dụng trực tuyến, giao hàng online, đi chợ online… Khái niệm online đã gia nhập cuộc sống của người Hà Nội một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Rõ ràng, đại dịch ập đến là điều không ai mong muốn, người Hà Nội cũng vậy.

Nhưng Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện giãn cách xã hội và cũng là địa phương đầu tiên phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Lúc đó, người Hà Nội cảm thấy mình như đi đánh trận giả, mỗi người đang nhập một vai mà chính bản thân họ cũng cảm thấy rất đáng lo. Có nghĩa là những nỗi sợ hãi có tính chất rất mới mẻ, mơ hồ về mối nguy của dịch Covid-19. Dần dần, họ mặc định rằng Covid-19 trở thành sự đe dọa hiện hữu, tham gia vào đời sống và tác động mạnh mẽ vào sức mạnh của nền kinh tế - xã hội và cuộc sống của chúng ta.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, câu chuyện về Covid-19 và văn hóa Hà Nội cần có độ lắng để nhìn nhận khi đại dịch đi qua. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nếu để tìm ra điểm khác lạ của Hà Nội so với các địa phương khác trong cuộc chiến với đại dịch, thì chính là thái độ bình tĩnh của người Hà Nội. Họ đã biết làm chủ tình hình, nhập cuộc hơn. Và nếu không có đại dịch, thì có lẽ nền tảng công nghệ thông tin, khả năng sử dụng các phương tiện hiện đại sẽ không thể được người Hà Nội sử dụng thành thạo đến như thế nhằm tiếp tục sống và làm việc trong điều kiện mới. Từ các học sinh tiểu học cho tới các bậc phụ huynh, các thanh thiếu niên đều áp dụng công nghệ để tác nghiệp trong nhiều lĩnh vực từ giảng bài, dạy học, bán hàng, trao đổi, hay các công việc khác. Đại dịch không lấy đi tất cả của người Hà Nội, mà đã để lại những bài học khá rõ ràng đối với người dân Thủ đô.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Nằm dài ở nhà tuy buồn, còn hơn nằm buồn thở dài trong khu cách ly”

Hồi mới đầu thực hiện giãn cách, tôi phải ngồi nhà, không đi được đâu. Điều ấy với tôi như một cực hình vì bình thường tôi hay dậy sớm, ra tập ở khu thể thao gần nhà hoặc đạp xe một vòng hồ Tây. Nhưng giờ, tôi đã quen với việc nhốt mình trong 4 bức tường mà không thấy buồn hay bức bối. Ở nhà, tôi dọn dẹp lại tủ sách, tủ quần áo, lúc rỗi thì lên facebook, zalo nói chuyện với bạn bè, đọc tin tức. Thỉnh thoảng có phóng viên gọi điện phỏng vấn, có báo đặt bài viết cộng tác nên một ngày trôi đi nhanh lắm. Tôi nghĩ, trong hoàn cảnh nào, mỗi người vẫn cứ tìm ra cách để làm theo sở thích mà không ảnh hưởng đến những điều cần thực hiện trong phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là các lần giãn cách xã hội.

Mấy người bạn già chúng tôi thường nói chuyện vui rằng, “nằm dài ở nhà tuy buồn, nhưng còn hơn nằm buồn thở dài trong khu cách ly”. Như thế để thấy, người già, người trẻ của thành phố nghìn năm tuổi này đã bảo ban nhau ở trong nhà, thực hiện nghiêm chỉ thị của thành phố. Nói chung, cho đến nay, Hà Nội là một trong các thành phố có công tác phòng chống dịch rất tốt. Số lượng người mắc vẫn có nhưng không ồ ạt, không tăng lên chóng mặt. Điều đó khiến người dân Hà Nội tin tưởng vào các cấp chính quyền, ngành y tế và thực hiện nghiêm các chỉ thị phòng chống dịch. Tôi nghĩ, đó là do ý thức của người Hà Nội những lúc đất nước gặp khó khăn. Riêng giới văn chương chúng tôi mùa dịch có một niềm vui khá thú vị là làm thơ và nói chuyện phiếm trên facebook.

(Còn nữa)