Có một chương trình vaccine trước mùa bầu cử năm 1976 ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong lịch sử nước Mỹ, chính quyền của Tổng thống Gerald Ford từng triển khai một chương trình tiêm chủng rầm rộ ngay trước cuộc bầu cử năm 1976, tuy nhiên nó đã phản tác dụng không chỉ về mặt chính trị. Câu chuyện này làm người ta liên tưởng đến bối cảnh dịch Covid-19 tại nước Mỹ hiện nay.
Tổng thống Mỹ Gerald Ford tiêm phòng cúm tại Washington, D.C ngày 14-10-1976

Tổng thống Mỹ Gerald Ford tiêm phòng cúm tại Washington, D.C ngày 14-10-1976

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần công bố rằng, vaccine phòng ngừa dịch Covid-19 có thể ra mắt vào cuối năm nay, ngay cả khi chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về bệnh truyền nhiễm cho rằng khả năng cao hơn là vào đầu năm 2021. Mới đây, tờ New York Times đã đưa tin, chính quyền của ông Trump dự định đẩy nhanh quá trình này với thời hạn trước ngày bầu cử 3-11 tới.

Đây không phải là lần đầu tiên ông chủ Nhà Trắng hoặc nhóm cố vấn của ông đề xuất tung ra vaccine Covid-19 trước cuộc bầu cử. Một số chuyên gia như David Axelrod - cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama, đã cáo buộc ông Trump sẵn sàng hy sinh sự an toàn của người dân nhân danh chính trị.

Nước Mỹ từng rơi vào bối cảnh tương tự. Vào tháng 2-1976, hơn 200 tân binh tại căn cứ quân sự Fort Dix ở New Jersey bị cúm. Trong khi một số người chỉ đơn giản mắc bệnh cúm mùa thì 13 người mắc một chủng cúm H1N1 mới mà Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết là “tương tự” với chủng gây ra dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919 khiến 675.000 người Mỹ tử vong.

Không giống như năm 1918, nước Mỹ vào năm 1976 đã có cách để ngăn chặn dịch bằng tiêm phòng, vốn được áp dụng cho quân đội những năm 1930 và phổ biến cho người dân từ năm 1945. Nhưng các ca nhiễm cúm ở Fort Dix liên quan đến một chủng H1N1 mới, vì vậy cần phải điều chế loại vaccine mới để sẵn sàng cho mùa cúm 1976-1977.

Mặc dù chưa có đợt bùng phát lớn nào, nhưng chính phủ vẫn quyết định phải đi trước một bước. “Chúng ta không thể để mất cơ hội vì sức khỏe của toàn dân” - Tổng thống Gerald Ford phát biểu vào ngày 24-3-1976.

Theo khuyến nghị của CDC, ông Gerald Ford kêu gọi một chương trình trị giá 135 triệu USD (tương đương 615 triệu USD vào năm 2020) để sản xuất 200 triệu liều vaccine mới nhằm kịp thời tiêm chủng cho tất cả người Mỹ trong năm ấy. Nhưng đó cũng là năm bầu cử và mặc dù Tổng thống đương nhiệm đã đánh bại đối thủ Ronald Reagan trong 5 cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên, cuộc đua tranh giữa các ứng viên rất sít sao.

Vào tháng 4-1976, Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng thông qua quy định khẩn cấp để điều chế vaccine mới. Tháng 10 năm đó, nước Mỹ đưa vào tiêm chủng miễn phí vaccine mới, nhưng sau đó 35 người (chủ yếu là người cao tuổi) tử vong ngay sau khi tiêm chủng. Ngay lập tức, số lượng người dân đi tiêm vaccine mới giảm hẳn, 9 bang đã phải dừng chương trình trong bối cảnh cộng đồng vẫn không xuất hiện ca lây nhiễm nào.

Ngày bầu cử diễn ra, ông Gerald Ford thất bại, chương trình tiêm chủng hàng loạt kết thúc khoảng 1 tháng sau đó. Nhưng lần này, niềm tin của công chúng lại bị lung lay do báo cáo cho thấy, những người được tiêm chủng có nguy cơ mắc hội chứng Guillain-Barré (GBS) cao bất thường.

“Sự thất bại của chương trình tiêm chủng xảy ra vào thời điểm mà lòng tin của người Mỹ vào chính phủ đã suy giảm sau Chiến tranh Việt Nam, vụ bê bối Watergate và các vụ ám sát những năm 1960. Người ta cũng nghĩ rằng chính phủ đã lợi dụng chương trình vaccine vì mục đích chính trị” - ông Howard Markel, Giám đốc Trung tâm Lịch sử y học của Đại học Michigan nói.

Nhận thấy bối cảnh tương tự hiện nay, ông Markel cho rằng, ngay cả những người không chống tiêm chủng cũng đang lo lắng cho sự an toàn của vaccine Covid-19 nếu quá trình điều chế quá vội vàng. “Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, vì vậy vaccine này phải được triển khai một cách rất chính xác” - ông Markel nhấn mạnh.