Có khép lại được hai tầm nhìn đối lập về nước Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hàng loạt các quyết định đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump liên tục được tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra liệu có khép lại hai tầm nhìn đối lập về nước Mỹ, hay sẽ tiếp tục khơi sâu hơn rạn nứt vốn có?
Phương cách xử lý cuộc đua Mỹ - Trung là một trong những vấn đề làm chia rẽ nước Mỹ

Phương cách xử lý cuộc đua Mỹ - Trung là một trong những vấn đề làm chia rẽ nước Mỹ

Nhiều chính sách của người tiền nhiệm nhanh chóng bị đảo ngược

Ngày 21-1 vừa qua, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thêm sắc lệnh quy định các du khách tới Mỹ sẽ phải cách ly ngay khi đặt chân tới sân bay. Phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng, ông Joe Biden nêu rõ: “Bên cạnh việc đeo khẩu trang, những người bay từ nước khác tới Mỹ đều phải xét nghiệm trước khi khởi hành và cách ly ngay khi tới Mỹ”.

Trước đó một ngày, ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Joe Biden cũng đã ký 15 sắc lệnh hành pháp liên quan đến những vấn đề như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giữa các sắc tộc. Theo đó, Mỹ sẽ quay trở lại tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vốn cho phép chuyển một số khoản ngân sách liên bang sang dự án xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico, hủy bỏ sắc lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ với người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo, đồng thời khôi phục chương trình “Dreamers” cho phép con cái của những người nhập cư không có giấy tờ được ở lại Mỹ mà không bị trục xuất.

Điều đáng chú ý trong các sắc lệnh trên không phải ở chỗ nó thể hiện cam kết của ông Joe Biden là sẽ hành động nhanh chóng ngay trong ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, mà cái chính là nó đảo ngược một số chính sách mà người tiền nhiệm Donald Trump thực hiện. Chẳng hạn, liên quan đến đại dịch Covid-19, dưới thời ông Donald Trump, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang cũng như khu vực liên bang là không bắt buộc, du khách đến Mỹ cũng chỉ bắt buộc phải xét nghiệm còn cách ly là khuyến cáo.

Việc ông Joe Biden nhanh chóng thay đổi nhiều chính sách của ông Donald Trump có thể giải thích từ những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Dù vaccine ngừa Covid-19 đã bắt đầu được tiêm trên diện rộng nhưng số ca nhiễm bệnh mới ở Mỹ vẫn chưa có xu hướng giảm. Với hơn 400 nghìn ca tử vong, số người thiệt mạng do Covid-19 ở Mỹ còn nhiều hơn cả số thương vong trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Tuy nhiên, những động thái nhanh chóng của ông Joe Biden chủ yếu xuất phát từ cách nhìn nhận vấn đề đối lập hẳn với người tiền nhiệm. Thực tế 4 năm qua, chính trường nước Mỹ luôn là chiến trường quyết đấu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, giữa ông Donald Trump và các đối thủ, trong đó có ông Joe Biden. Sự khác biệt “như nước với lửa” có thể cảm nhận trong hầu hết các vấn đề, từ đối nội đến đối ngoại. Nay khi quyền lực đã nằm trong tay, ông Joe Biden quyết tìm cách khép lại sự khác biệt này, hướng tới hàn gắn sự chia rẽ, cả trong lòng nước Mỹ và với thế giới, điều mà ông Joe Biden cho rằng người tiền nhiệm Donald Trump đã gây ra cho nước Mỹ.

Trong bài phát biểu quan trọng sau lễ tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra thông điệp kêu gọi toàn bộ người dân Mỹ đoàn kết để giúp nước Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử hiện nay, đồng thời cam kết sẽ là Tổng thống của tất cả người dân Mỹ, kể cả những người đã không ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Đó là cách mà ông cho rằng sẽ khép lại hai tầm nhìn đối lập từng khiến nước Mỹ chia rẽ sâu sắc.

Những ngón đòn chính trị nhằm hạ bệ nhau có tái hiện?

Mục đích của ông Joe Biden đã rõ ràng. Tuy nhiên, thực hiện nó không phải là điều dễ dàng. Những mâu thuẫn hiện nay trên chính trường Mỹ là sự phản ánh những thách thức chưa có lời giải mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Trước hết, trong cuộc đối đầu kinh tế và quyền lực mềm, Trung Quốc đang bám đuổi sát sau Mỹ. Nhờ quản lý tốt dịch bệnh, Trung Quốc được dự báo sẽ “trỗi dậy mạnh mẽ” sau đại dịch Covid-19.

Trên cơ sở nghiên cứu những tác động của dịch bệnh lên 15 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, tầm nhìn tới năm 2035, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) đã công bố Báo cáo thường niên có tiêu đề: “Châu Á trong thảm họa đại dịch Covid-19: Quốc gia nào đang trỗi dậy?”. Theo báo cáo này, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với ước tính trước đó do sự phục hồi tương phản của hai quốc gia sau đại dịch.

Kiềm chế Trung Quốc là chiến lược mà cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều thống nhất nhưng phương thức thực hiện lại khác nhau. Trong khi Đảng Cộng hòa muốn đưa các công ty Mỹ hồi hương để tạo việc làm cho người Mỹ, thì Đảng Dân chủ lại lưỡng lự thiệt hơn giữa lợi nhuận khổng lồ thu được từ thị trường Trung Quốc với việc cắt giảm đầu tư vào thị trường này. Nhiều công ty xuyên quốc gia cũng không mặn mà với việc hồi hương vì điều mà họ quan tâm là đem tiền về nước Mỹ chứ không phải là đưa việc làm trở về Mỹ. Làm sao dung hòa giữa hai tầm nhìn chiến lược này là thách thức lớn với ông Joe Biden.

Một thách thức nữa là từ vấn đề nhập cư. Hơn 50 năm qua, tính từ năm 1965, hơn 40 triệu người nhập cư đã đến Mỹ. Điều này đã dẫn đến thay đổi cấu trúc chủng tộc của quốc gia. Đến năm 2050, dân số Mỹ sẽ là khoảng 37% người nhập cư, tỷ lệ lớn nhất trong lịch sử, trong khi người da trắng sẽ giảm xuống còn 43% dân số. Trong khi nhiều người ở Mỹ hài lòng với sự đa dạng hóa sắc tộc của quốc gia, thì nhiều người lại không ủng hộ.

Một khi đời sống không đảm bảo, việc làm bấp bênh, người Mỹ có xu hướng bảo thủ hơn, đặc biệt là đối với người nhập cư. Nhiều người trong số họ, nhất là người da trắng, tỏ ra bực bội vì việc làm bị chia sẻ với người nhập cư. Đó là mầm mống nảy sinh tư tưởng phân biệt chủng tộc mà việc giải quyết không hề dễ dàng. Những năm gần đây, sự bất bình đẳng về sắc tộc đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình về chủng tộc diễn ra tại nhiều nơi ở Mỹ.

Cuối cùng là sự rạn nứt sâu sắc giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sau những ngón đòn chính trị nhằm hạ bệ nhau trong suốt nhiệm kỳ vừa qua. Trong con mắt của các cử tri Cộng hòa, việc Đảng Dân chủ cáo buộc ông Donald Trump câu kết với Nga để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2016 chẳng qua là con bài chính trị nhằm hạ uy tín của ông Donald Trump và giành thắng lợi tại cuộc bầu cử giữa kỳ ở Hạ viện.

Với họ, việc Đảng Dân chủ liên tục quấy rối trong nhiệm kỳ vừa rồi là nhằm khiến ông Donald Trump và Đảng Cộng hòa không thể tập trung vào các vấn đề khác, nhất là trong bối cảnh phe Dân chủ đang thất thế. Nay trong cảnh thiểu số, liệu Đảng Cộng hòa có lặp lại chiến thuật của Đảng Dân chủ?

Biết bao vấn đề đang giằng xé nước Mỹ. Khép lại hai tầm nhìn đối lập về nước Mỹ là thách thức không dễ vượt qua với tân Tổng thống Joe Biden.