Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm:

Cơ hội tốt để thị trường hóa nhiều mặt hàng thiết yếu

ANTĐ - Theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 24-11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2014 giảm 0,27% so với tháng trước. Hiện là thời điểm đã bước vào dịp mua sắm cao điểm cuối năm nên diễn biến giá cả này ngược với quy luật. PV Báo An ninh Thủ đô đã trao đổi với ông Phạm Minh Thụy - Trưởng phòng Nghiên cứu giá cả và thị trường (Viện Kinh tế - Tài chính) về vấn đề này.

Cơ hội tốt để thị trường hóa nhiều mặt hàng thiết yếu ảnh 1Người dân đang có cơ hội mua hàng với giá hợp lý

- PV: Thưa ông, CPI tháng 11 giảm so với tháng 10. Ông có nhận xét gì về diễn biến giá cả trái quy luật này?

- Ông Phạm Minh Thụy: Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên khiến CPI tháng này giảm so với tháng trước là do sức mua yếu. Thứ hai là do giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới giảm. Trong nước, giá xăng dầu và gas giảm mạnh. Một số loại nông sản cũng có diễn biến giá cả này.

- Một số nhận định cho rằng CPI cả năm nay sẽ tăng dưới 3% so với năm ngoái. Quan điểm của ông thế nào?

- Nhiều khả năng CPI sẽ tăng dưới 3% vì giá nguyên nhiên vật liệu và sức mua giảm như trên đã nói. Đặc biệt năm nay, do nhuận tháng 9 nên Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 lùi lại gần cuối tháng 2-2015, áp lực tăng giá vào cuối tháng 11, tháng 12 giảm nhiều so với những năm trước.

- Từ đầu năm đến nay, sức mua tăng rất chậm, thưa ông?

- Sức mua có cải thiện, nhưng không như kỳ vọng. So với năm ngoái thì tăng chậm hơn rất nhiều.

- Có ý kiến cho rằng sức mua từ đầu năm đến nay tăng thấp, CPI tháng 11 lại giảm, cho thấy dấu hiệu giảm phát. Ông có đồng tình với nhận định này?

- Tôi không nghĩ vậy. Giảm phát thì chỉ số CPI năm nay phải thấp hơn so với năm trước, nhưng hết 11 tháng, CPI vẫn dương hơn 2%. Ngược lại, với mức tăng hiện tại, tôi cho rằng kinh tế vĩ mô đang ổn định hơn, vững chắc hơn. Người dân cũng có cơ hội để tiết giảm chi phí sinh hoạt.

- Vậy trong bối cảnh này, điều  hành thị trường nên như thế nào?

- Việt Nam đang trong lộ trình thị trường hóa hệ thống giá cả nên đây là cơ hội tốt để Nhà nước thực hiện thị trường hóa các mặt hàng như điện, than, xăng dầu hay các mặt hàng mà Nhà nước còn can thiệp quá nhiều vào giá. Bên cạnh đó, có thể xem xét các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh.

- Theo ông, làm thế nào để đẩy sức mua lên cao, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh?

- Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp phải tiết kiệm chi phí để giảm giá bán. Trước đây, nhiều doanh nghiệp còn lãng phí nên giá thành hàng hóa cao. Theo tôi, bây giờ doanh nghiệp nên cơ cấu lại để giá sản phẩm hợp lý hơn, thúc đẩy tiêu thụ, giảm hàng tồn kho.

- Vấn đề tồn kho hiện có đáng lo ngại không, thưa ông?

- Tại thời điểm 1-10-2014, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,4% so với thời điểm 1-9-2014 (thấp hơn mức tăng 11,6% tại thời điểm 1-9-2014 so với thời điểm 1-8-2014) và tăng 10,9% so với cùng thời điểm năm trước. Như vậy thì chưa có vấn đề gì đáng ngại. Hàng tồn kho đã giảm nhiều vì doanh nghiệp đã thực hiện đổi mới, sản xuất hàng hóa trúng với nhu cầu tiêu dùng hơn. Sản xuất của doanh nghiệp hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 11-2014 giảm 0,27% so với tháng trước. Trong tháng 11, có 4 nhóm hàng giảm giá so với tháng   10-2014 gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt; xăng dầu, nhóm hàng giao thông. 4 nhóm hàng này cũng chiếm hơn 60% trọng số của toàn rổ hàng CPI.