Cơ hội cuối cùng của một tù nhân

ANTĐ - “Với quyết định ân xá, Ngài Tổng thống đã cho tôi một cơ hội để bắt đầu lại, tôi sẽ tận dụng tối đa điều này để làm nhiều việc tốt trong phần cuối đời”, đó là một đoạn trích trong bức thư mà Donel Marcus Clark vừa viết gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi được giảm án tha tù trước thời hạn 13 năm. Tuy nhiên, những người như Clark không dễ dàng khi tái hòa nhập cộng đồng.

Cơ hội cuối cùng của một tù nhân ảnh 1Clark cùng vợ ngồi ôn lại những kỷ niệm đã qua

Biến cố trong đời

51 tuổi, với hơn 22 năm sau song sắt, Donel Marcus "Marc" Clark là một trong 22 tội phạm ma túy được Tổng thống Obama ký quyết định ân xá tha tù hôm 31-3-2015 nhằm rút ngắn hình phạt khắc nghiệt đối với hàng nghìn tội phạm người Mỹ gốc Phi liên quan đến ma túy trong những năm 1980 và 1990. 

Donel Clark lớn lên ở khu phố Đông Nam Dallas. Năm Clark 13 tuổi, mẹ ông qua đời vì ung thư, Clark sống với bà ngoại. Tốt nghiệp trung học, Clark làm quản lý một cửa hàng rượu cho một người bạn. Khi người này quyết định bán cửa hàng, Clark rơi vào cảnh mất việc trong khi phải cáng đáng gia đình có 3 cậu con trai. Đúng lúc đó, một bạn học cũ gợi ý có thể bố trí cho Clark một công việc, đó là đóng gói và giám sát việc điều chế cocaine. Mỗi tuần được trả 1.000 USD, một năm rưỡi sau đó, Clark không hề lo lắng về vấn đề tiền bạc. 

Tháng 5-1992, Clark bị bắt. Tại phiên tòa 3 tuần sau đó, Clark, 29 tuổi, bị kết tội đồng lõa phân phối ma túy. Thẩm phán cho rằng ổ nhóm của Clark đã buôn lậu 50kg cocaine. Vì thế, ông bị kết án 35 năm tù. Công tố viên trong vụ việc này nhận định với một người phạm tội lần đầu, tội danh không liên quan đến bạo lực, bản án như vậy là nặng nhưng thẩm phán có quyền áp theo đúng luật.

Clark được đưa đến nhà tù Allenwood ở Pennsylvania cách nhà khoảng 2.000 km. 2 năm sau, nhà tù của Clark xảy ra bạo động. Mặc dù không tham gia nhưng Clark cùng các tù nhân khác cùng chịu án kỷ luật. Đó cũng là quãng thời gian Clark được thông báo đơn kháng cáo của ông bị bác, vợ ông ngừng gửi tiền tiếp tế và mọi sợi dây liên lạc thưa thớt dần. Clark còn nhận được thư của một người bạn nói vợ ông đang gặp gỡ người khác, tim ông nhói đau.

Về với tự do

Sau khi nhận quyết định ân xá của Tổng thống ở nhà tù liên bang Seagoville, Clark hiểu rằng còn một chặng cuối để về với tự do. Những tù nhân ở diện ân xá tha tù này phải trải qua các bước: đó là chuyển qua nhà tù có mức độ an ninh thấp hơn, sau đó là nhà tập trung và cuối cùng là thời gian thử thách.

Ngày 30-4, Clark chính thức bước ra khỏi nhà tù có chế độ an ninh thấp hơn ở Seagoville. Khi Clark đẩy cánh cổng bước ra, em gái và cháu gái ông đã chờ sẵn ở bãi đậu xe. Clark ôm chầm lấy họ. Tuy nhiên, họ phải đến một trung tâm cải tạo gần nhà ở Fort Worth, bang Texas để trình diện. Trên đường đi, ông vào một cửa hàng ăn nhanh mua vội gói khoai tây chiên và bánh mì kẹp thịt. Tới nơi, Clark phải điền vào các mẫu đơn và xét nghiệm ma túy. 2 tiếng sau, ông mới được ăn. Bánh mì đã nguội nhưng Clark thấy rất ngon, “bởi đây là thức ăn của đời sống tự do thực chứ không phải ăn trong tù”.

Dưới sự giám sát của Cục Trại giam, Clark mất 3 tháng ở chung trong một căn phòng có 18 người do Hội Tình nguyện viên Mỹ quản lý. Ông chỉ có thể ra ngoài để kiếm việc làm, đi làm hay tới nhà thờ. Sau thời gian đó, Clark chuyển về sống cùng nhà em gái nhưng nhân viên chức trách có thể kiểm tra bất cứ lúc nào xem Clark có dính đến ma túy và rượu hay không. May mắn ông kiếm được việc làm trong kho lạnh của một chuỗi cửa hàng Kroger, công ty sẵn sàng tuyển dụng các cựu phạm nhân. Cuộc sống của Clark được coi là tốt hơn nhiều những người khác, trong khi ở Mỹ có đến 67% số người bị thất nghiệp trong vòng 5 năm sau khi ra tù.

6h5 ngày 28-7, Clark chính thức ký tên mình vào giấy chứng nhận được tự do. Tối hôm đó, ông lái xe tới căn hộ của vợ mình vì bà nói rằng đã không đi lại với ai suốt 2 năm nay và vẫn muốn đoàn tụ. Clark không quyết định ngay mà gợi ý rằng họ sẽ hẹn hò lại. Một ngày đẹp trời, hai người ngồi bên nhau cùng ngắm ảnh con cháu mình, bỏ lại 22 năm xa cách đã qua.