Nhận định của một giáo sư ĐH Harvard (Mỹ:

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

ANTĐ - Tại Hà Nội, giáo sư Mark Kramer (ĐH Harvard, Mỹ) - đồng tác giả của thuyết “Tạo lập giá trị chung” vừa có buổi thuyết trình trước gần 200 lãnh đạo các bộ ngành, viện nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội kinh doanh”. Ông cũng đã dành thời gian trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.

Giáo sư Mark Kramer thuyết trình tại hội thảo

- Doanh nghiệp “tạo lập giá trị chung” có phải là làm từ thiện, góp tiền xây dựng cộng đồng?

- Giáo sư Krammer:  “Tạo lập giá trị chung” là những chính sách và sự thực hành để đề cao tính cạnh tranh của 1 doanh nghiệp khi cùng lúc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội trong những cộng đồng mà doanh nghiệp đó hoạt động. Đó không phải là làm từ thiện hay làm cân bằng mối quan tâm của các đối tác mà là chiến lược thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, giúp tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Chúng ta thường nghĩ doanh nghiệp, kinh doanh chỉ nhằm kiếm tiền song phần lớn kiếm được lợi nhuận khổng lồ nhờ việc họ cùng cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội.

- Ở Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vậy làm thế nào để họ áp dụng được thuyết này?

- Có thể nói chương trình phát triển ngành sữa bền vững mà Cô gái Hà Lan triển khai 15 năm qua là điển hình của việc tạo lập giá trị chung với nhiều hoạt động thúc đẩy sự phát triển của người chăn nuôi, ngành chăn nuôi bò sữa, thúc đẩy kinh tế địa phương. Còn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ có lợi thế gần gũi với cộng đồng hơn, hiểu được các nhu cầu của cộng đồng nơi họ hoạt động nên có thể phát triển sản xuất các sản phẩm dựa trên thế mạnh đó để vừa thúc đẩy cộng đồng, vừa phát triển năng lực doanh nghiệp. Mặt khác, ở Việt Nam luôn có mối liên hệ giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp nhỏ nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện để mua sắm, cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp nhà nước để cùng phát triển.

- Một mình doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó thúc đẩy được giá trị chung?

- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước hết cần phải xác định được thị trường nào mình có thế mạnh mà các doanh nghiệp lớn chưa vươn tới. Từ đó thúc đẩy từ mô hình kinh doanh truyền thống chuyển sang chủ động hợp tác với các doanh nghiệp khác, hợp tác với cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động để kinh doanh từ các sáng kiến của mình, sản xuất các sản phẩm thích ứng, phù hợp với nhu cầu của thị trường đó, vừa nâng được thu nhập doanh nghiệp vừa cải thiện thu nhập và đáp ứng tốt nhu cầu cộng đồng.

- Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đang tiếp cận “kinh doanh toàn diện và rộng mở”, khái niệm này với thuyết “tạo lập giá trị chung” có gì khác nhau?

- Giữa 2 thuyết đều có điểm chung là doanh nghiệp phải nhìn nhận vào chiến lược và cốt lõi của giá trị trong kinh doanh. Với “kinh doanh toàn diện và rộng mở”, người ta kỳ vọng các doanh nghiệp lớn sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ tăng thu nhập, giúp cộng đồng tốt hơn và từ đó đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Còn với thuyết “tạo giá trị chung cộng đồng” là xác định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy sự tiến bộ của những điều kiện kinh tế xã hội, đem lại lợi ích cho cả cộng đồng và doanh nghiệp. Ở đây, các doanh nghiệp sẽ trở thành đối tác của nhau và gắn với các nhu cầu cộng đồng, từ đó giá trị doanh nghiệp tạo ra mới có sức cạnh tranh và vươn ra được toàn cầu.

- Nhiều doanh nghiệp vẫn đang đi ngược lại, xả rác thải gây ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khỏe cộng đồng?

- Đúng là đang tồn tại những doanh nghiệp đi “đường tắt”, họ vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp thiệt hại gây ra cho cộng đồng. Vấn đề ở đây là vai trò điều tiết của Chính phủ, chính sách phát triển kinh tế của nhà nước. Nếu không xử lý nghiêm, còn chấp nhận cho các doanh nghiệp hoạt động theo hướng này thì không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích cộng đồng mà tính bền vững của doanh nghiệp đó cũng không kéo dài. Các doanh nghiệp cần nhận thức được rằng trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng cũng là vì lợi ích lâu dài của chính doanh nghiệp.

Hội thảo “Tạo lập giá trị chung cộng đồng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững và Friesland Campina tổ chức. Thuyết “Tạo Lập Giá Trị Chung” (Creating Shared Value) được Giáo sư Mark Kramer và Giáo sư Michael Porter đưa ra từ đầu năm 2011, đã chứng minh được tính hiệu quả và được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao.