Lần đầu tiên kỹ thuật mang thai hộ được phép thực hiện ở Việt Nam:

Cơ hội cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

ANTĐ - Có được đứa con là khát khao cháy bỏng của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Do vậy việc Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2015 (có hiệu lực từ 15-3-2015), trong đó có quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã mở ra cho họ niềm hy vọng mới. 

Cơ hội cho các cặp vợ chồng hiếm muộn ảnh 1Nghị định cho phép mang thai hộ đã mang lại nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

“Đã có lối thoát…”

Gặp chúng tôi khi đang đi khám bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị N.T.T ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên chia sẻ, vợ chồng chị lấy nhau đã 8 năm nhưng vẫn chưa có con. Dù hai vợ chồng đã làm thụ tinh trong ống nghiệm song vẫn không có kết quả vì chị T liên tiếp bị sẩy thai. Cũng không ít lần chị T đã nghĩ đến việc tìm người mang thai hộ nhưng do pháp luật chưa cho phép, lại lo ngại những tranh chấp pháp lý có thể phát sinh sau này nên mong muốn của vợ chồng chị vẫn chưa thể thực hiện. “Nghe tin từ 15-3, luật cho phép mang thai hộ nên hơn 1 tháng nay vợ chồng tôi đã gặp gỡ, liên hệ với một số chị em họ trong gia đình nhờ giúp đỡ. May mà cuối cùng cũng có người chị họ đồng ý giúp” - chị T phấn khỏi nói.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị L.T.V, 35 tuổi ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã kết hôn 10 năm nhưng không thể sinh con. Chồng chị V là con trai trưởng trong gia đình nên việc có con lại càng quan trọng. Do quá sốt ruột, cách đây 2 năm, qua một người bạn, chị V đã liên hệ với một đơn vị chuyên môi giới mang thai hộ. Tuy vậy, qua nhiều lần gặp gỡ,  chị V đã phải trả không ít tiền phí tư vấn nhưng kết quả vẫn bằng không. Nguyên nhân là do người mà bên môi giới giới thiệu để mang thai hộ cho chị V tuổi đã khá cao và liên tục đưa ra những đòi hỏi vô lý. Chị V kể: “Chị ta đã gần 40 tuổi, làm nghề tự do và đã có 3 con. Biết chúng tôi khát con, chị ta không chỉ hét giá trên trời mà còn ra điều kiện sau khi sinh con xong, gia đình tôi phải cho chị ta ở lại chăm sóc cháu và thanh toán tiền lương hàng tháng nên chúng tôi buộc phải từ chối. Thương cảm với hoàn cảnh của vợ chồng tôi, có chị em trong họ cũng đặt vấn đề mang thai giúp nhưng trước đây luật chưa cho phép nên họ còn ái ngại. Nay thì đã có lối thoát rồi…”.

Nắm bắt nhu cầu có con của các cặp vợ chồng hiếm muộn, thời gian qua trên một số diễn đàn mạng, một số đối tượng đã đăng tin nhận “mang thai hộ”. Tuy vậy, khi quy định về cho phép mang thai hộ chính thức có hiệu lực thì những thông tin trên không còn thu hút được sự quan tâm của các cặp vợ chồng hiếm muộn như trước nữa.

Cần hiểu rõ quy định

Dù luật đã cho phép nhờ người mang thai hộ song theo quy định, không phải cá nhân nào cũng được phép làm điều này mà chỉ  khi người đó không có tử cung hoặc đã cắt tử cung; đã thực hiện thụ tinh ống nghiệm và các phương pháp khác mà vẫn không thể mang thai hoặc người có tiền sử sẩy thai liên tiếp, mắc những bệnh mãn tính không thể mang thai. Còn đối với người mang thai hộ cũng phải thỏa mãn các điều kiện cần thiết như sức khỏe tốt, có khả năng mang thai, có mối quan hệ thân thích, cùng hàng với người nhờ (vợ hoặc chồng) và đã từng sinh con… Nếu người mang thai hộ đã có chồng thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Việc xét duyệt hồ sơ để có cho phép mang thai hộ hay không sẽ do hội đồng độc lập đánh giá…

Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương - một trong những nơi được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ cho thấy, hiện đã có khoảng 60 cặp vợ chồng đăng ký thực hiện dịch vụ này. Điều đó chứng tỏ nhu cầu của người dân là khá lớn. Theo Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Cẩm Tú, quy định cho phép mang thai hộ đã mở ra cơ hội có con cho nhiều cặp vợ chồng, cứu vãn nhiều gia đình đang trên bờ vực tan vỡ do nhiều năm liền không thể có con. Với các cặp vợ chồng, điều quan trọng nhất là họ phải tìm được người đồng ý mang thai hộ có đầy đủ các điều kiện theo quy định. Song trên thực tế, điều này không hề đơn giản. Do quá trình mang thai và sinh nở luôn tiềm ẩn rủi ro đối với chị em phụ nữ, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe và tính mạng người mang thai nên dù có quan hệ họ hàng, dù có thông cảm đến mấy, không ít người vẫn tỏ ra ngần ngại. Hơn nữa, để đảm bảo tính không vụ lợi trong việc mang thai hộ, pháp luật quy định đối tượng được phép mang thai hộ trong phạm vi tương đối hẹp, chỉ là người thân thích cùng hàng với vợ hoặc chồng nên với những gia đình neo người, việc tìm được người đồng ý mang thai hộ sẽ khó khăn hơn.

Khi nhờ mang thai hộ, nhiều người lo lắng đứa trẻ sau này sẽ mang gene di truyền từ người mang thai và trực tiếp sinh ra chúng. Điều này là hoàn toàn không có căn cứ vì đứa con là kết quả của sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng của vợ chồng và chỉ được “nuôi nhờ” trong tử cung của một người khác dựa trên kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm...

Rõ ràng, quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu cấp thiết và chính đáng của những người phụ nữ không thể mang thai và sinh con. Tuy vậy, để đạt được hiệu quả như mong muốn, các cơ sở y tế, cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu biết đầy đủ về quy định này…