Cố Họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung: Bóc tách từng lớp thời gian

ANTĐ - Với phong cách làm việc cẩn trọng và bao trùm lên tất cả là tinh thần tìm tòi sáng tạo, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã phục dựng lại những trang sử mỹ thuật dân tộc từ thời tiền sử đến mỹ thuật Lý, Trần, Lê… Tất cả đều được ông lần lượt bóc tách trong những nghiên cứu khoa học đầy sâu sắc. 

“Chị em đi họp để thi thợ giỏi”- sơn dầu 

Người thầy nghiêm khắc

Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung là người có công đầu trong việc đặt nền móng và phát hiện ra nhiều nghiên cứu mang tính tiên quyết. Nhớ đến nhà nghiên cứu đầy uyên bác, nhiều người không thể quên được hình ảnh người họa sỹ cùng những vỏ diêm, vỏ bao thuốc lá chi chít chữ và những hình vẽ.

Qua năm tháng, những chiếc vỏ ấy cứ chen chúc ngày càng nhiều trong ngăn kéo của họa sỹ bên cạnh các cuốn sổ tay. Với các nhà nghiên cứu trẻ được làm việc cùng Nguyễn Đỗ Cung tại Viện Mỹ thuật Việt Nam, các vỏ hộp này không quá xa lạ với họ để hiểu thêm về người Viện trưởng đáng kính khi ông bất thần bắt được một ý, một sự kiện mà không sẵn sổ tay ghi chép.

Nhưng việc hiểu được những ký hiệu, những hình vẽ rất trừu tượng đó luôn là một bí ẩn và hấp dẫn đối với các học trò của ông. Giả dụ như một vỏ diêm được tìm thấy trong ngăn kéo của Đỗ Cung có vẽ đuôi rồng kèm theo dòng chữ “Vĩnh Thịnh thất niên 1711”, phía dưới có ghi chữ “Cứng cỏi” “Chuyển???”, còn mặt bên kia vỏ diêm có ghi “bia hậu Phật chùa Côn Sơn”. Rất nhiều năm sau đó các học trò mới hiểu được trọn vẹn hình vẽ và các dòng chữ ghi trên vỏ bao diêm sau những lần đi khảo sát thực địa cùng ông. “Cứng cỏi” là đặc điểm của lối chạm trổ đầu thế kỷ 18, “Chuyển” là phong cách chạm trổ cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 đã có sự chuyển hóa. Còn 3 dấu chấm hỏi, chắc hẳn họa sỹ còn muốn thẩm tra thêm cho ý của mình chắc chắn. 

Làm việc cùng họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung, các học trò của ông luôn sống trong những trạng thái trái ngược và đan xen. Đó là sung sướng, lo lắng và… sợ hãi. Các nhà nghiên cứu trẻ phần lớn vừa tốt nghiệp các trường khoa học xã hội đã rất vui sướng được ông tin tưởng trao tay những công việc nghiên cứu như tuyển chọn hiện vật, lập đề cương trưng bày, cải tạo một ngôi biệt thự… Nhưng cũng chính họ đã phải lao tâm khổ tứ, khi nát óc mới nghĩ ra bản thảo, rồi vẽ đi vẽ lại, đến khi xem Viện trưởng Nguyễn Đỗ Cung đáp gọn lỏn: “đồng chí về  suy nghĩ lại”. Trong cái bòng bong của hàng chục thiết kế không biết suy nghĩ lại từ cái nút nào, giai đoạn nào. Thế nhưng, khi đã tìm ra giải pháp đúng đắn,  học trò của ông đều tìm ra được một phương pháp nghiên cứu khoa học bài bản. 

Cố Họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung

Hành trình trở lại quá khứ

Nổi tiếng là người nghiêm khắc và chỉn chu, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã có công đào tạo ra thế hệ các nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam. Cách giảng giải các vấn đề phức tạp của ông được thể hiện bằng các câu ngắn gọn, súc tích mà hàm chứa lượng thông tin cao. Trong những năm bom đạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông và các học trò đã có chuyến đi điền dã tại nhiều chùa của Hà Tây, Bắc Ninh và Phú Thọ hàng tháng trời. Đó là chuyến thực địa kỹ càng nhất, lý thú nhất mà thầy trò của Viện Mỹ thuật Việt Nam đã thực hiện để nghiên cứu về phong cách nghệ thuật thế kỷ 18. Họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã phác thảo đặc điểm kiến trúc và nghệ thuật thời kỳ này bằng các câu như “Trang trí ở chùa Tây Phương tuy có đơn điệu thật nhưng chất sống động, chất thực đã được hồi sinh. Tượng thì tuyệt đẹp. Phong cách nghệ thuật thế kỷ 18 chỉ còn là những đường thẳng cứng cỏi. Các mô típ cũng có sự thay đổi về nhịp điệu tạo hình”. Cứ ôn tồn giảng dạy kết hợp với việc được tận mắt nhìn từng đường nét kiến trúc, từng mảng chạm khắc, các nhà nghiên cứu trẻ như quên đi tất cả; bom đạn, thiếu thốn, vất vả và chuẩn bị cho công việc biên soạn cuốn sách “Đề cương lịch sử mỹ thuật Việt Nam”. 

Những chuyến đi vật vã lăn lóc trên chiếc xe com-măng-ca tồi tàn bụi đường cùng bom đạn sẽ vẫn mãi là những kỷ niệm khó quên với thầy trò họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung trong hành trình trở lại quá khứ, tìm hiểu và nghiên cứu chuyên sâu về mỹ thuật dân tộc. Ông luôn sát cánh cùng anh em trẻ đi đến tận cùng những nơi cần nghiên cứu. Thời gian đó, lương thực khó khăn, các cán bộ của Viện toàn là thanh niên đang tuổi ăn tuổi ngủ, còn họa sỹ thì đã bước vào độ tuổi trung niên. Dù liên tục bị những cơn đau bụng hành hạ, nhưng ông vẫn cứ “giành” phần bánh mỳ, đã để lâu ngày, cứng đanh như đá để ăn, nhường phần cơm của mình cho các nhà nghiên cứu trẻ, ông bảo: “để họ có sức khỏe xông xáo đi điền dã và nghiên cứu thực địa”. Trong nhiều thập niên sau đó, các viện trưởng kế nhiệm và các nhà nghiên cứu trẻ đã tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu mỹ thuật cổ-cận-hiện đại Việt Nam bằng phương pháp mà họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã rèn giũa và tạo lập. Ông cũng chính là người có công xây dựng thành công bảo tàng Mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam từ một tòa biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp.