Có hiện tượng "thổi phồng" công nghệ?

ANTD.VN - Đó là nhận định của ĐB Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hóa) khi thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) chiều 22-11. ĐB này cho rằng hiện nay, để có được chủ trương đầu tư, các nhà đầu tư có hiện tượng thổi phồng công nghệ. Do công nghệ thuộc danh mục khuyến khích chuyển giao nên dễ bị bỏ qua, không cần thẩm định nên đã gây tổn hại tới môi trường, tiêu hao năng lượng…

Có hiện tượng  "thổi phồng" công nghệ? ảnh 1

Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu giải trình

Cũng theo ĐB Lê Minh Thông, thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư là vấn đề cần quan tâm nhất trong Luật Chuyển giao công nghệ. ĐB Lê Minh Thông đặt câu hỏi và cho rằng, những lỗ hổng trong hoạt động quản lý chuyển giao công nghệ, nhất là nhóm công nghệ khuyến khích chuyển giao, là nguyên nhân phát sinh một số thảm họa môi trường mà chúng ta đang phải gánh chịu và nỗ lực khắc phục như sự cố Formosa, Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên...

“Ngoài ra, trong một dự án đầu tư có thể gồm nhiều công nghệ thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghệ chính và công nghệ phụ trợ. Nếu Luật này chỉ quan tâm đến công nghệ chính mà không quan tâm đến công nghệ phụ trợ sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp” - đại biểu của đoàn Thanh Hóa bày tỏ lo lắng.

Cho ý kiến về vấn đề thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư được quy định tại Điều 12 Dự án Luật, hầu hết đại biểu đều cho rằng, việc bổ sung quy định này là rất cần thiết nhằm khắc phục tình trạng thiếu công cụ pháp lý để kiểm soát một số công nghệ lạc hậu và hành vi chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ, đồng thời phải phù hợp với Luật Đầu tư.

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) phát biểu, vấn đề là phải làm sao để ngăn chặn không để nước ta thành bãi rác công nghệ cũ của nước ngoài. Điều 12 Dự án Luật tuy đã đề cập đến vấn đề này nhưng mới chỉ giới hạn công nghệ nằm trong danh mục hạn chế chuyển giao. Do vậy, ĐB Nguyễn Phương Tuấn đề nghị cần bổ sung danh mục công nghệ không được đưa vào Việt Nam. 

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh hứa sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu và sẽ có phương án chỉnh sửa cụ thể Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Bộ trưởng cũng khẳng định, Luật Chuyển giao công nghệ nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao.